Bác Hồ với công tác bảo vệ môi trường
Nghiên cứu - Trao đổi 22/05/2024 09:05
Sau khi đất nước hòa bình, Người đặt vấn đề phải đấu tranh chống những tai họa của thiên nhiên, “quan tâm đến việc trồng cây” và “bảo vệ rừng, cấm phá rừng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Người xây dựng một phong tục tập quán cho dân tộc “Tết trồng cây” để làm giàu cho mỗi người dân, cho đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho cuộc sống con người và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau. “Tết trồng cây” trở thành phong trào Nhân dân rộng lớn, gắn chặt với lễ hội truyền thống của dân tộc. Đầu năm 1959, Bác Hồ đã chính thức phát động “Tết trồng cây” trong toàn dân với lời dạy “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều”. Bác nói: “Trong 10 năm nữa nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta”. Ngày 25/1/1961 (tức ngày 9 tháng Chạp năm Canh Tý), Bác Hồ về thăm hợp tác xã Lạc Trung của tỉnh Vĩnh Phúc - nơi có phong trào trồng cây khá nhất. Tại đây Bác thấy Nhân dân trồng cây hai bên đường và các bãi đất cây rất dày, Bác ôm ghì 2 đồng chí lãnh đạo của xã thật chặt và hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Rồi Bác ôn tồn bảo: “Cây cũng như người, nó phải có khoảng cách để sống và phát triển, các chú cần hướng dẫn Nhân dân trồng cây theo kĩ thuật, trồng cây nào tốt cây đó”.
Bác Hồ trồng cây. Ảnh tư liệu |
Trong những năm chiến tranh, Bác Hồ vẫn kêu gọi Nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác viết thành thơ: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân. Bác Hồ thường xuyên theo dõi, động viên cổ vũ phong trào “Tết trồng cây”. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, vừa viết báo nhắc nhở Nhân dân thực hiện “Tết trồng cây”, Bác vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với đồng bào nhiều địa phương. Trong bài viết cuối cùng của mình về “Tết trồng cây” ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc “trồng cây gây rừng”, đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Tự tay Bác đã trồng nhiều cây đa, Nhân dân ta thường gọi bằng cái tên trìu mến “Cây đa Bác Hồ”. Trong khu nhà đơn sơ của mình, Bác đã tạo ra một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, Bác trồng cây trong vườn, chăm cây như chăm người ốm. Bác thả cá dưới hồ và không cho phép ai xua đuổi và săn bắn chim trong vườn. Bác nói: “Chim là của quý của thiên nhiên ta phải bảo vệ chúng”.
Không chỉ trồng cây gây rừng ở trong nước, chủ tịch Hồ Chí Minh còn mong muốn việc làm đó phát triển ở các nước khác. Trong những lần thăm nước bạn, gặp gỡ Nhân dân các nước đó hoặc khi đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia đến nước mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga, và gọi đó là “những cây hữu nghị”, Nhân dân địa phương gọi là những “cây Bác Hồ”. Các cây ấy lớn lên theo thời gian, không chỉ biểu hiện của tình hữu nghị tươi thắm giữa Nhân dân Việt Nam và bầu bạn trên thế giới mà còn thể hiện ý thức làm đẹp môi trường sống.
Vô cùng xúc động, ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ không quên nhắc nhở Nhân dân ta phải tiếp tục trong việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỉ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Từ lời dạy, việc làm của Bác Hồ, chúng ta càng nhận thấy rằng: Con người sống không thể tách rời khỏi thiên nhiên, không thể thiếu trời mây, cây cỏ, phải biết giá trị to lớn “những tặng phẩm” mà thiên nhiên dành cho con người. Bởi vì “cây còn ảnh hưởng đến khí hậu và sức khỏe Nhân dân”. “Chẳng những có ý nghĩa kinh tế to lớn mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”.
Ngày nay khi rừng bị chặt phá nghiêm trọng, ở Việt Nam và nhiều nước phát triển khác, nhiều tài nguyên thiên nhiên về động, thực vật bị hủy hoại, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “rừng vàng, biển bạc”. Đau xót trước cảnh rùng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Người bảo “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát không khác gì đồng bào tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Sự đoán định của Bác Hồ về nguy hại của việc phá rừng đã thấy rõ trong thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khí hậu và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống. Hậu quả của nạn phá rừng là “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây lụt và hạn hán”. Bác Hồ kêu gọi Nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng... Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.
Ngày nay khi “ngôi nhà chung” của chúng ta đang kêu cứu, khi nhân loại nhận thức được đầy đủ ý nghĩa việc trồng rừng, gây rừng, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, chống lại nguy cơ thiên tai do biến đổi đột ngột to lớn về thời tiết, khí hậu, gây ra lũ lụt, sạt lở, sa mạc hóa. Khi việc bảo vệ môi trường sinh thái trở thành một trong những chính sách hàng đầu của quốc gia. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc kiến tạo môi trường thiên nhiên đẹp đẽ và có lợi cho con người có ý nghĩa thời đại to lớn. Chúng ta cũng như toàn nhân loại có thể tìm thấy trong chủ trương “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhiều bài học bổ ích cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Ở nước ta, ngày Môi trường thế giới, tất cả mọi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các trường học, bệnh viện, các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước tổ chức tổng vệ sinh, trồng cây. Huy động đông đảo các tầng lớp Nhân dân thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; phòng ngừa, ngăn chặn nạn đốt rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng nhiên liệu không có khả năng tái tạo… Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường đến nay vẫn còn nguyên giá trị tuyệt đối.