Xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa: Quan tâm tôn tạo Di tích Lịch sử - Văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Nhịp sống văn hóa 21/03/2020 08:28
Từ xưa, chùa đã là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân trong vùng và khách thập phương. Để có được ngôi chùa đẹp có khuôn viên rộng rãi, nhiều năm qua, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Lưu đã không ngừng trùng tu, tôn tạo, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội làm cho vùng quê này ngày càng trù phú, ấm êm...
Theo sử sách, vào năm 1368 năm Mậu Thân, có vợ chồng họ Trần từ Trung Quốc lưu cư sang Việt Nam trú tại làng Nguốn, xã Yên Hương (tức là làng Mậu Xương, xã Quảng Lưu ngày nay). Ngày 1/8/1390, vợ chồng họ Trần được 2 bình vàng. Đến tháng 2 /1420 (năm Nhâm Dần), họ trả lại cho khách Tàu (vì khách đến tìm của theo gia phả).
Đến tháng 3/1432 (năm Nhâm Tý), có thầy Cao Tăng nước Tàu đến tìm ông bà để báo ơn nhưng ông bà không còn, Cao Tăng bảo con trai của ông bà đem hài cốt Tôn ông, Lệnh bà cất tại huyệt này, lập điện thờ tất có đại cát. Ngày 2/5/1432, cất mộ bà tầng dưới, mộ ông cất ở tầng trên, lập lều cỏ một tòa, đặt một lô nhang ngày ngày cầu nguyện. Từ đó là sơ khai Điện thờ “Tuyết phong”, Nhân dân trong vùng thường đến cầu nguyện và hương đăng, được tôn tạo xây dựng thành Tuyết Sơn Phong tự (chùa Mậu Xương ngày nay).
Chùa Mậu Xương được tôn tạo nằm trong khuôn viên đẹp. |
Hiện trong chùa còn có bia ghi lại tích chuyện, năm 1578, ông Trần Ngọc Thích, là Trần Tướng Công, Quỳnh Lâm Hầu giữ chức Đô uý điện tiền chỉ huy sứ thời Lê. Tuổi đã cao, con cái chưa có, ông cáo quan về quê nhà tĩnh dưỡng. Về nhà, ông trai giới, tắm gội, đến chùa Tuyết Phong cầu nguyện mong có người nối nghiệp tông đường. Năm ấy, vợ ông là bà Hiệu Từ Ái có giáng ứng đầu thai, vào giờ Dần, ngày 11/6/1583 (năm Quý Mùi), bà sinh ra một nam nhi, dáng mạo khác thường, mặt như trăng Rằm, tính nết hiền hòa, thông sáng hơn người, nên đặt tên là Trần Ngọc Lành. Năm 12 tuổi, Lành đã văn thao, võ lược, không có gì là không tinh thông.
Năm Mậu Thìn (1628), Ngài tham gia đào đắp đường huyện, bắt gặp một bản đồng, trong có 40 ấn đồng, Ngài mang về chùa, hương đăng cầu nguyện. Hai tay vỗ vào nhau thành ấn, mở tay ra thành quyết, giậm chân luyện pháp cả vùng phong vũ âm vang. Từ đó, Ngài đắc đạo “Lục trí thần thông” có tài “hô phong hoán vũ”, Ngài là Đức Phật Tổ - Thượng Sư Phật Bảo - Tự Pháp Lượng. Từ đây, chùa Tuyết Sơn Phong còn có tên là chùa Yên Đông, vì tên làng Nguốn đã đổi là làng Yên Đông. Ngài quy tiên giờ Dậu ngày 28/1/1643 (Quý Mùi), thọ 60 tuổi. Từ đó, hằng năm Nhân dân trong vùng làm cỗ đến chùa để lễ kỉ niệm ngày mất của Phật Tổ là ngày 28/1 hằng năm. Phật mẫu là bà Hiệu Từ Kế mất ngày 10/8 (không rõ năm).
Do chiến tranh và tàn phá của thời gian, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau năm 1975, Nhân dân trong làng dựng lại chùa bằng tre, kè trên nền chính tẩm. Vào năm 1991, 1992, cùng sự cung tiến của khách thập phương và Nhân dân trong làng, chùa được làm lại thành nhà cấp 4 bằng gạch, gỗ, lợp ngói mái. Tiếp theo đó, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục khác như: Xây cung thứ 2, 2 tầng mái kiểu tiền bẩy hậu kẻ, bê tông hóa diện tích 65m2; xây dựng thứ 3, 2 tầng mái kiểu nhà gỗ, bê tông hóa; xây gác chuông cao 11,5m, 3 tầng, 2 gian, 2 bên có đường lên xuống; xây cung thánh mẫu, 2 tầng mái, cổng Tam Quan, cung Thủy tổ;... mua sắm đồ thờ, nội thất như đồ đồng, đồ gỗ, đồ gốm và các vật thể phục vụ cho việc lễ Phật tương đối hoàn chỉnh. Xung quanh vườn chùa trồng cây xanh, sân chùa cây cảnh, bể cạn, bể hoàn ngọc, ao chùa tương đối khang trang theo quy hoạch tổng thể. Năm 1998, chùa Mậu Xương được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh và đến nay chùa luôn thu hút được lượng lớn khách hành hương về thực hành tín ngưỡng Phật giáo trên địa bàn huyện Quảng Xương. Trong hơn 20 năm, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, chùa Mậu Xương đã được trùng tu, tôn tạo lại và có được diện mạo khang trang, hoàn chỉnh như ngày nay.
Bên cạnh việc trùng tu tôn tạo chùa, trong những năm qua Đảng ủy, UBND xã Quảng Lưu luôn chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện xây dựng nông thôn mới làm cho đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong đó UBND xã luôn bám sát Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã và nhiệm vụ cấp trên giao để xây dựng kế hoạch, thể chế hóa nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả, vận dụng sáng tạo từng công việc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, năm 2019, bằng quyết sách đúng trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế Quảng Lưu đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tăng 17,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông, lâm, thủy sản chiếm 17%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34%; dịch vụ thương mại chiếm 49%. Tổng lương thực toàn xã đạt 2.013 tấn, thu nhập bình quân đạt 41,5 triệu đồng/người/năm.
Ông Mai Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu nhận định: Kết quả đạt được trong đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội những năm qua đã khẳng định sự đoàn kết thống nhất của cán bộ và Nhân dân trong xã. Đây cũng chính là đòn bẩy để Quảng Lưu phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.