Viết tiếp bài “Fiditour với cuộc “rút ruột” của những toan tính “hơn người”: “Đẩy mẹ ra đường” và những hệ lụy khôn lường
Văn hóa - Thể thao 03/07/2020 08:53
“Đẩy mẹ ra đường”
Với Nghị quyết của HĐQT Fiditour thành lập nên Công ty CP Lữ hành Fiditour, dẫu phần góp vốn chỉ 20%, nhưng cũng có thể nói rằng Công ty CP Fiditour là một người mẹ “đứt ruột đẻ ra” Lữ hành Fiditour. Đáng trách thay, đứa “con yêu” đó, không những tìm cách lấy hết những gì mẹ có (như đã trình bày từ phần trước), mà còn “đuổi luôn mẹ ra đường”.
Cụm từ “đuổi luôn mẹ ra đường” ở đây được hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen. “Mặt bằng 127-129-129A Nguyễn Huệ là tài sản nhà nước thuộc thẩm quyền quản lí của Saigontourist. Ngày 12/2/2001, Saigontourist cho Công ty Fiditour (thời điểm đó là Công ty Thương mại Dịch vụ Du lịch Tân Định) thuê mặt bằng này với thời hạn thuê 15 năm, từ ngày 15/2/2001 đến ngày 31/7/2016.
Bắt đầu từ 20/6/2006, với lí do chuẩn bị cho việc thực hiện dự án Khu phức hợp Kim Đô, Saigontourist và Công ty Fiditour đã nhiều lần trao đổi, làm việc để thanh lí hợp đồng thuê lại mặt bằng trước hạn và hoàn trả mặt bằng 127-129-129A Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, cho đến tháng 6/2010, việc thanh lí hợp đồng và hoàn trả mặt bằng 127-129-129A Nguyễn Huệ vẫn chưa được thực hiện.
Văn phòng Nguyễn Huệ bị Lữ hành chiếm giữ, Fiditour phải về Trần Quang Khải sửa chữa nhà tạm làm văn phòng. |
Ông Nguyễn Việt Hùng và Ban điều hành cũ luôn khẳng định sẵn sàng giao trả mặt bằng 127-129-129A Nguyễn Huệ cho Saigontourist bất kì lúc nào để Saigontourist thực hiện Dự án khu phức hợp Kim Đô. Tuy nhiên lại không tiến hành trên thực tế, với lí do Saigontourist chưa triển khai xây dựng. Và Fiditour vẫn sử dụng mặt bằng này mãi tới sau này”, Đơn khởi kiện của Fiditour cho biết.
Sẽ không có gì nhiều để nói, nếu Fiditour với một HĐQT nhiều năm không đổi. Tuy nhiên, sau Đại hội cổ đông thường niên tháng 4/2019, toàn bộ HĐQT cũ bị bãi miễn, HĐQT và Ban điều hành mới lên nắm quyền, tiến hành tiếp quản trụ sở 127-129-129A Nguyễn Huệ thì... không vào được. Mặt bằng này đã chính thức bị Lữ hành Fiditour chiếm giữ làm của riêng, buộc Fiditour phải đi tìm chỗ khác. Từ đó tới nay, mặc mọi tố cáo, khiếu kiện của Fiditour, “đứa con hư” Lữ hành Fiditour vẫn ngang nhiên chiếm nhà, “người mẹ” Fiditour trôi dạt phương nào cũng mặc. Hiện tại, Công ty Cổ phần Fiditour đang tạm tá túc tại địa chỉ 130 Trần Quang Khải, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Những hệ lụy khôn lường
Không chỉ chuyển giao trái pháp luật gần như toàn bộ tài sản Fiditour, từ hữu hình tới vô hình cho Lữ hành Fiditour, những nhà lãnh đạo cũ của Fiditour còn tìm cách “đóng băng” việc bàn giao tài liệu, hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán... những năm trước của Fiditour cho HĐQT mới. Hậu quả là, không chỉ hơn 2,2 tỉ đồng bị chuyển nhầm như đã nói ở kì trước, mà vì không thể hoàn thành nghĩa vụ nộp báo cáo tài chính, kê khai thuế... dẫn tới việc cơ quan thuế yêu cầu thanh tra xử phạt. Bên cạnh đó, là một công ty niêm yết, Fiditour còn bị cảnh cáo, cổ phiếu FDT bị đưa vào diện cảnh báo và có nguy cơ bị hủy niêm yết do không hoàn thành nghĩa vụ báo cáo tài chính công khai. “Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã lập biên bản xử phạt vi phạm đối với công ty Fiditour do không hoàn thành nghĩa vụ CBTT, với mức xử phạt lên đến 100 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chúng tôi hoàn tất thực hiện CBTT các nội dung trên để khắc phục”, Đơn tố cáo của Fiditour gửi cơ quan chức năng cho biết.
Vẫn còn nhiều lắm những hệ lụy gây nên từ những việc làm đáng trách của những người Fiditour cũ. Nhưng có lẽ với một công ty mà hoạt động dịch vụ gần như là tất cả như Fiditour, thương hiệu 30 năm sống chết với thị trường bị xâm phạm, bị “cướp trắng giữa ban ngày” là điều Fiditour cảm thấy đau đớn nhất. Chính bởi thế, cùng với đơn phản tố đang chờ xét xử ở TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh, Fiditour tiếp tục có đơn khởi kiện gửi TAND TP Hồ Chí Minh yêu cầu:
- “Buộc Công ty CP Lữ hành Fiditour và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc/ liên quan khác ngay lập tức loại bỏ yếu tố xâm phạm “Fiditour” và thay đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật (Điều 202.1 Luật Sở hữu trí tuệ);
- Buộc Công ty CP Lữ hành Fiditour và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc/ liên quan khác chấm dứt sử dụng các dấu hiệu xâm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu FIDITOUR đã được bảo hộ (Điều 202.1 Luật Sở hữu trí tuệ);
- Buộc Công ty CP Lữ hành Fiditour và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh, đơn vị phụ thuộc/ liên quan khác loại bỏ, tiêu hủy tất cả các dấu hiệu xâm phạm các nhãn hiệu FIDITOUR các ấn phẩm quảng cáo, tài liệu, bảng hiệu, phương tiện dịch vụ và các tài sản, tài liệu khác (Card visite, tờ quảng cáo, bản đồ du lịch, biển hiệu , biển quảng cáo, phương tiện vận chuyển,...). (Điều 202.1 Luật Sở hữu trí tuệ);
- Buộc Công ty CP lữ hành Fiditour xin lỗi và cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xâm phạm quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu của Công ty cổ phần Fiditour ( Điều 202.1 Luật Sở hữu trí tuệ)”.
Với các bài về Fiditour, như một lời cảnh báo: “Thương trường như chiến trường”, lòng người lại hay thay đổi. Những gì đã và đang diễn ra ở Fiditour có thể một ngày nào đó lại xảy đến với doanh nghiệp khác.