Viện trưởng Viện IMRIC: Cơ hôi và thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19
Bất động sản 24/03/2022 23:13
Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế |
Hiện nay, dịch bệnh Covid – 19 đang dần được kiểm soát, Việt Nam sẽ là điểm đến hứa hẹn của dòng tiền đầu tư trên thế giới trong năm 2022 khi các thị trường xung quanh nóng lên. Mặt khác, gói kích thích nền kinh tế đang trông đợi được tung ra, chính sách tín dụng có điều chỉnh, các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường… được tập trung, hứa hẹn năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với những khủng hoảng của thị trường. Năm 1997 từng bị khủng hoảng tài chính tiền tệ, 2008 với khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Đại dịch Covid-19 cũng đặt ra những thách thức tương tự đối với các doanh nghiệp bất động sản, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản chứng minh năng lực của bản thân.
Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản đều là các công ty cổ phần hoặc tư nhân nên luôn năng động, linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động thích nghi với dịch bệnh. Sự thật là gần 3 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự sáng tạo, đổi mới nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, giúp họ sớm lấy lại trạng thái kinh doanh cân bằng và chủ động.
Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng dù chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 mang lại bất lợi cho thị trường BĐS nhưng cũng để chúng ta nhận ra rằng, BĐS càng phải phát triển lành mạnh và bền vững. Bên cạnh đó, các dự án quy mô lớn, của các doanh nghiệp có uy tín thì càng có nhiều cơ hội. Viện trưởng IMRIC, nhấn mạnh: "Thị trường BĐS năm 2022 có nhiều cơ hội song không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội, điều đó chỉ phụ thuộc vào những doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp".
Theo ông Sơn, năm 2022, thị trường bất động sản được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có nhiều yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2020 và 2021. Năm 2022, chính sách về đầu tư công, tăng cường giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản phát triển.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, "chiến dịch tiêm chủng mùa xuân" đang được triển khai cũng như những chính sách thu hút du khách của nhiều địa phương, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dự kiến là điểm sáng đầu tư trong năm 2022. Đồng thời, việc hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế (ngày 15/2/2022 vừa qua) và dự kiến mở cửa đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới (từ 15/3/2022 mới đây) sẽ là bước khởi động cho du lịch phục hồi.
Ông Sơn, khẳng định: “Vượt qua hai năm căng mình ứng phó với những khó khăn chưa từng có từ đại dịch Covid-19; các doanh nghiệp bất động sản đã kiên định để vượt thách thức để đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội và gia tăng tài sản quốc gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đã tạo ra động lực lan tỏa đến những ngành và lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, cụ thể: Tài chính – ngân hàng – chứng khoán – công nghiệp và dịch vụ. Các doanh nghiệp bất động sản đã làm gia tăng chất lượng và chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp – nông thôn; từng bước tạo lập, đảm bảo, phát triển nhà ở và dịch vụ sống cho người dân, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng xã hội…
Điển hình, Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố báo cáo, trong tháng 2/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng 1/2022 và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Trong khi đó, tại thời điểm năm 2020, giá bất động sản có xu hướng tăng ở tất cả các phân khúc. Đáng chú ý, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng với khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ nỗ lực khôi phục, mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế trở thành điểm sáng được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Điều này, đã lý giải cho sự gia tăng nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng đang diễn ra thời gian gần đây.
Cùng với đó, Việt Nam hiện đã nổi tiếng sở hữu nhiều thành phố biển xinh đẹp nên thơ, là nơi thu hút không chỉ du khách trong nước mà đa dạng khách du lịch quốc tế. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các bất động sản nghỉ dưỡng luôn trong tình trạng “cháy phòng” trong thời gian vài năm tới. Hiện nay, các nhà đầu tư cũng có cái nhìn thận trọng hơn trước khi quyết định “xuống tiền”. Những dự án được ưu tiên lựa chọn không dừng lại ở yếu tố vị trí đắc địa mà còn phải có pháp lý minh bạch, kiến tạo bởi chủ đầu tư uy tín.
"Thị trường bất động sản Việt Nam hiện có 4 cơ hội song hành cùng 3 thách thức trong phát triển thị trường bất động sản; bất động sản công nghiệp, đầu tư công về hạ tầng giao thông được quan tâm, mở rộng quỹ đất trong lòng thành phố và nhu cầu sống xanh gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, cũng còn đó các yếu tố thách thức như pháp lý quy hoạch, tâm lý sợ hãi vì dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine khiến nền kinh tế thế giới vừa chịu ảnh hưởng từ đại dịch nay lại chịu thêm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistics bị gián đoạn".
Hiện tại, người mua bất động sản còn được hưởng lợi khi nhiều chủ đầu tư chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách đưa ra các phương án thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi suất khi vay ngân hàng cùng nhiều quà tặng hấp dẫn khiến cho việc sở hữu bất động sản dễ dàng hơn rất nhiều.
Có thể thấy, các yếu tố tích cực của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến từ việc đón nhận các thông tin dịch bệnh cũng bình tĩnh hơn…Thế nhưng, dù ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn nhưng có tác động không lớn đến hành vi tiêu dùng bất động sản. Từ đó, giúp cho nhiều nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng để đón làn sóng du lịch quốc tế trong thời gian tới với những sản phẩm mang thương hiệu quốc tế.