Tin Y tế trong ngày: Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương đấu thầu tập trung thuốc; kết luận thanh tra việc MSTTB, VTYT tại Đồng Nai
Chăm sóc NCT 30/04/2022 08:19
Số ca COVID-19 trước ngày nghỉ lễ giảm hơn 1.000 ca, còn 1 ca tử vong
Tính từ 16h ngày 28/4 đến 16h ngày 29/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.068 ca nhiễm mới, đều là các ca ghi nhận trong nước (giảm 1.048 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 4.592 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (843), Phú Thọ (386), Gia Lai (341), Yên Bái (280), Nghệ An (262), Hải Dương (230), Lào Cai (226), Tuyên Quang (224), Vĩnh Phúc (214), Thái Bình (206), Quảng Ninh (204), Thái Nguyên (186), Bắc Kạn (174), Hưng Yên (168), Nam Định (150), Quảng Bình (128), Bắc Ninh (112), Sơn La (111), Đà Nẵng (99), Hà Tĩnh (97), Lâm Đồng (95), TP. Hồ Chí Minh (95), Cao Bằng (90), Hà Giang (88), Lai Châu (83), Hà Nam (72), Lạng Sơn (66), Ninh Bình (66), Quảng Trị (64), Điện Biên (62), Bình Phước (58), Thanh Hóa (54), Bắc Giang (53), Bình Định (47), Bà Rịa - Vũng Tàu (47), Hải Phòng (45), Hòa Bình (42), Đắk Nông (38), Bình Thuận (36), Tây Ninh (34), Bến Tre (28), Bình Dương (20), Quảng Ngãi (20), Cà Mau (19), Vĩnh Long (16), Phú Yên (14), Quảng Nam (12), Khánh Hòa (12), Long An (11), Thừa Thiên Huế (7), Kiên Giang (7), An Giang (6), Ninh Thuận (5), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (4), Trà Vinh (4), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-214), Vĩnh Phúc (-204), Phú Thọ (-89).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+341), Sơn La (+30), Đà Nẵng (+19).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.030 ca/ngày.
Bệnh viện thiếu thuốc: Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương đấu thầu tập trung
Theo thông tin từ Bộ Y tế, gần đây, Bộ nhận được phản ánh việc Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép, bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài.
Bộ Y tế khẳng định việc Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài là sự việc không mong muốn.
Bệnh viện thiếu thuốc: Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương đấu thầu tập trung |
Theo báo cáo, Bệnh viện đã có những giải pháp để khắc phục ngay tình trạng này, cụ thể: Khẩn trương tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm ngay sau kỳ nghỉ lễ (30/4 – 1/5/2022) có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh; Đồng thời liên hệ với các cơ sở y tế có thuốc trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để chuyển bệnh nhân đến điều trị và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/11/2021, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã ban hành công văn số 580/TTMS-NVD gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, Y tế các Bộ, ngành và các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc đề nghị các cơ sở y tế có trách nhiệm chủ động mua sắm theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11.7.2019 của Bộ Y tế để đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.
Đồng Nai ra kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm
Ngày 29/4, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống COVID-19 đối với các đơn vị y tế.
Thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, từ ngày 11/2 đến 6/4/2022, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã thanh tra tại Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên địa bàn.
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2020 - 2021, Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện 14 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư với tổng giá trị gần 200 tỉ đồng; CDC Đồng Nai thực hiện 22 gói thầu trị giá hơn 137 tỉ đồng; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai thực hiện 10 gói thầu, trị giá hơn 8,1 tỉ đồng; Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện 30 gói thầu hơn 306 tỉ đồng; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện 58 gói thầu hơn 360 tỉ đồng; Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện 17 gói thầu hơn 138 tỉ đồng...
Đồng Nai ra kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm |
CDC Đồng Nai có 3 gói thầu mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, vật tư y tế có khối lượng mua sắm thực tế thấp, chỉ đạt 33 - 60% dự toán, ảnh hưởng đến việc phân phối nguồn lực chống dịch. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo CDC và các viên chức có liên quan.
Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, kết luận thanh tra xác định một số cơ sở trong quá trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị đã vi phạm các lỗi như: không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, kế hoạch mua sắm, kết quả lựa chọn nhà thầu; chia số lượng hàng hóa để chỉ định thầu cho 2 nhà thầu,…Trách nhiệm này thuộc về giám đốc, cán bộ và nhân viên liên quan.
Kết luận thanh tra xác định, quá trình thực hiện các gói thầu, các đơn vị còn có những hạn chế thiếu sót. Trong đó, Sở Y tế phê duyệt danh mục hàng hóa mua sắm (máy X-quang di động) mà chưa xem xét mặt hàng tương tự với thiết bị theo yêu cầu để tiến hành lựa chọn phương án mua sắm. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Sở Y tế và các cán bộ có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Y tế: Áp dụng 5K linh hoạt, không cứng nhắc
Chiều 29/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Y tế nhận được đề nghị làm rõ việc áp dụng biện pháp 5K trong phòng chống Covid-19 hiện nay có phù hợp nữa hay không? Có nên xem Covid-19 là bệnh lưu hành hay cúm mùa?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong 6 nước có độ phủ tiêm vaccine nhiều nhất trên thế giới, đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tính đến hết ngày 28/4, đã có gần 1,2 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine.
"Về áp dụng 5K, ngay từ đầu Bộ Y tế đưa ra không cứng nhắc, rất linh hoạt, để bảo đảm hiệu quả. Trước hết, chúng ta thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng. Đây là 2K chúng ta thực hiện thường xuyên", ông Tuyên nói.
Theo ông Tuyên, 3K còn lại linh hoạt hơn, ví dụ như khai báo y tế, không tập trung đông người. Do vậy, trong từng hoạt động cụ thể, đặc thù của từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực, từng Bộ, ngành thực hiện cho phù hợp.
Ông Tuyên cho biết, hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, đã cho học sinh đến trường; tại doanh nghiệp, công nhân đã trở lại làm việc, du lịch và lễ hội bắt đầu hoạt động. Đặc biệt là đã cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đến hết ngày 28/4, đối tượng này mới tiêm được xấp xỉ 60% trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải hoàn thành trong quý II này.
Bộ Y tế đang giao cho hội đồng vaccine họp và chuẩn bị hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hoàn thành tiêm cho các đối tượng trẻ em từ 5-11 tuổi chưa bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ bản xong mũi 1, mũi 2 trong quý II.
Tuổi thọ trung bình ở châu Âu giảm trong đại dịch COVID-19
Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 25-4, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, tuổi thọ trung bình ở phần lớn các nước thành viên EU đã giảm.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của nữ (83,2 tuổi) năm 2020 cao hơn nam (77,5 tuổi). Sự suy giảm tuổi thọ ở nam giới (-1 tuổi) rõ rệt hơn so với nữ giới (-0,8 tuổi).
Ở Bỉ, tuổi thọ trung bình của dân số là 80,8 tuổi vào năm 2020, ít hơn một năm so với năm 2019. Tương tự xu hướng chung của châu Âu, sự sụt giảm tuổi thọ trung bình tại Bỉ do COVID-19 ở nam giới rõ rệt hơn ở nữ giới.
Trong nhiều năm qua tuổi thọ trung bình ở châu Âu tăng nhanh do nhiều yếu tố, bao gồm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, nâng cao mức sống, cải tiến giáo dục, cũng như tiến bộ trong chăm sóc y tế.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy cứ mỗi thập kỷ trôi qua thì tuổi thọ trung bình sẽ tăng hơn hai năm kể từ những năm 1960.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy vào năm 2020, tuổi thọ trung bình đã giảm ở 23 trong số 27 quốc gia thành viên EU, với ngoại lệ là Đan Mạch, Estonia, Phần Lan và Cyprus.
Theo số liệu từ worldometers, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 190,5 triệu ca bệnh và 1,8 triệu ca tử vong do COVID-19.
WHO cảnh báo bùng phát các dịch bệnh vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine
Hơn 23 triệu trẻ em đã bị bỏ lỡ tiêm chủng định kỳ trong năm 2020 và đây là con số lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, 57 chiến dịch tiêm chủng ở 43 quốc gia đã bị hoãn lại, ảnh hưởng đến 203 triệu người, đa số là trẻ em. Những số liệu mới nhất vừa được báo cáo, trong 2 tháng đầu năm nay, trên toàn cầu ghi nhận tới 17.300 ca mắc sởi, so với khoảng 9.600 ca vào cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý nhất là châu Phi, nơi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine do việc tiêm chủng bị trì hoãn. Số ca mắc bệnh sởi tại châu lục này đã tăng 400% trong năm 2022. Tính từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, châu Phi đã ghi nhận gần 17.500 ca mắc sởi. Viện dẫn số ca mắc sởi đã tăng gần 80% trên toàn thế giới trong năm nay, WHO và UNICEF còn cảnh báo, các dịch bệnh khác cũng có nguy cơ bùng phát tương tự.
WHO cảnh báo bùng phát các dịch bệnh vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine |
Ngoài bệnh sởi là bệnh dễ lây lan nhất và dễ có các đợt bùng phát lớn khi không được tiêm phòng, thì sốt vàng da là một trong những dịch bệnh mà cộng đồng y tế không khỏi lo ngại có thể gia tăng tiếp theo, sau khi tình trạng số ca bệnh tăng được báo cáo ở Tây Phi. Trong năm ngoái, 13 quốc gia châu Phi ghi nhận đợi dịch sốt vàng da, tăng mạnh so 9 nước vào năm 2020 và 3 nước trong năm 2019.
Các chiến dịch tiêm chủng đại trà bị gián đoạn, việc hàng triệu trẻ em trên thế giới có nguy cơ không được tiêm các loại vaccine thường xuyên do đại dịch có thể làm đảo ngược những tiến bộ mà tiêm chủng mở rộng đã đạt được trong hai thập kỷ qua.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, hiện là thời điểm để việc tiêm chủng thiết yếu trở lại đúng hướng và khởi động lại các chiến dịch tiêm chủng, qua đó mọi người dân đều có thể tiếp cận với những loại vaccine cứu mạng này: “Đại dịch Covid-19 đã gây tổn hại sâu sắc đến nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những khu vực có nguy cơ cao, dễ bị tổn thương hơn bởi những căn bệnh chết người như bại liệt, sởi và viêm phổi. Và thực tế là chúng ta đang chứng kiến những căn bệnh này đang bùng phát trở lại. Chúng ta cần nhanh chóng hành động để lật ngược tình thế và đảm bảo để không đứa trẻ nào trên thế giới bị bỏ lại phía sau.”