Tin Y tế ngày 3/5: Bộ Y tế xin ý kiến 2 kịch bản ứng phó với dịch Covid-19; Phát hiện thành phần lạ ở trẻ em mắc COVID-19 nặng tại Australia
Chăm sóc NCT 03/05/2022 08:09
Tin Covid-19 ngày 2/5: Cả nước giảm 595 ca, ca tử vong còn 2
Tính từ 16h ngày 1/5 đến 16h ngày 2/5, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.123 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 3.122 ca ghi nhận trong nước (giảm 595 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.615 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-120), Nghệ An (-94), Bắc Giang (-73). Các địa phương ghi nhận số ca tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+150), Hà Tĩnh (+68), Ninh Bình (+29).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.938 ca/ngày.
Bộ Y tế xin ý kiến 2 kịch bản ứng phó với dịch Covid-19
Bộ Y tế vừa có văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
Trên cơ sở kế hoạch của WHO, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững như sau:
Tình huống thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.
Tình huống thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Với tình huống này, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân. Tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tổ chức rà soát, tiêm tiêm mũi vaccine tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính) hoặc người đã tiêm đủ mũi vaccine trên 3 tháng….
TP.Hồ Chí Minh: Hơn 230.000 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19
Ngày 2/5, theo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 29/4, tổng số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin là 232.100 trẻ, tổng số trẻ hoãn tiêm là 5.857 trẻ, số chuyển viện tiêm là 629 trẻ.
Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.
TP.Hồ Chí Minh: Hơn 230.000 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 |
Các em cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đối với mũi 1 bắt đầu từ ngày 16/4 đến ngày 30/4. Còn với mũi 2 dự kiến cũng sẽ tiêm cho trẻ trong vòng 14 ngày như mũi 1, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Loại vắc xin sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna.
Dự kiến, có khoảng 898.537 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin. Trong đó, có 885.730 trẻ đi học, danh sách do Sở Giáo dục và đào tạo cung cấp và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và chưa đi học, danh sách do Sở Lao động - thương binh và xã hội cung cấp…
Australia: Phát hiện thành phần lạ trong máu một số trẻ em mắc Covid-19 nặng
Thực tế ở các quốc gia cho thấy, nếu mắc Covid-19, đa số trẻ em có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, một vài em lại bị nặng với các bệnh về phổi, đông máu và tổn thương tim. Thực tế này đã khiến các nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch của Australia bắt đầu các nghiên cứu để tìm hiểu về nguyên nhân tại sao một số em lại bị mắc Covid-19 thể nặng.
Australia: Phát hiện thành phần lạ trong máu một số trẻ em mắc COVID-19 nặng |
Vì tại Australia số lượng trẻ em bị mắc Covid-19 thể nặng không nhiều nên các nhà khoa học đã lấy các mẫu máu của các bệnh nhi tại bệnh viện trường đại học Necker của Pháp để tiến hành thí nghiệm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu trẻ em Murdoch vừa công bố trên tạp chí nghiên cứu Nature Communications phát hiện, 33 trẻ em mắc Covid-19 với các triệu chứng viêm đa hệ thống hoặc suy hô hấp cấp tính đều xuất hiện những loại protein nhất định ở trong máu. Nếu so sánh với 20 trẻ em khỏe mạnh tham gia nghiên cứu thì không thấy trong máu có những protein này.
Cụ thể, trong máu các bệnh nhi này có 85 loại protein liên quan đến hội chứng viêm đa hệ thống và 52 protein liên quan đến hội chứng suy hô hấp cấp tính.
Theo nhà nghiên cứu huyết học Conor McCafferty thuộc Trung tâm nghiên cứu trẻ em Murdoch, việc phát hiện các protein nhất định có trong máu của những bệnh nhi mắc Covid-19 thể nặng giúp cải thiện việc chẩn đoán và dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị mục tiêu cho các em bị bệnh nghiêm trọng./.
Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống biến thể Omicron
Công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences của Trung Quốc ngày 30-4 thông báo loại vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng do công ty này và đối tác là Walvax Biotechnology bào chế dựa trên công nghệ mRNA đã được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Hiện Abogen cùng các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) và Moderna (Mỹ) đang "chạy đua" trong nỗ lực thử nghiệm các loại vắc xin tiềm năng đặc hiệu, nhằm ngăn chặn Omicron - một biến thể của virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao và "né" được các kháng thể được tạo ra bởi các loại vắc xin sẵn có.
Ảnh minh họa |
Theo Abogen, ngoài UAE, công ty này cũng đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và một số quốc gia khác về việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin chống lại Omicron và các dòng phụ của biến thể này.
Vắc xin mRNA do Abogen đồng phát triển cùng Walvax Biotechnology và được một tổ chức nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn cũng đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Trung Quốc, Mexico và Indonesia.
Ngoài ra, Walvax Biotechnology cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp RNACure (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nhằm phát triển một vắc xin mRNA tiềm năng khác - tuy cũng nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron, nhưng có công thức bào chế khác với loại hợp tác cùng Abogen.
Những lý do khiến chúng ta không thể có một giấc ngủ ngon
Trang Bright side đã chỉ ra những lý do khiến chúng ta không thể ngủ ngon giấc.
Ăn vặt trước giờ đi ngủ
Khi cảm thấy hơi đói hoặc kiệt sức vào cuối ngày, nhiều người thường muốn ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ. Thế nhưng ăn quá muộn có thể khiến giấc ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta phải nhịn đói khi đi ngủ, mọi người có thể ăn một bữa trước khi đi ngủ 4 giờ để có thể giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Trải thảm trong phòng ngủ
Đặt thảm trong phòng ngủ sẽ giúp cho phòng ngủ đẹp và ấm cúng hơn, tuy nhiên, nếu không thường xuyên vệ sinh thì thảm sẽ bị bám bụi và gây dị ứng.
Điều này sẽ làm cho chúng ta bị ho, khó thở từ đó khiến chúng ta bị rối loạn giấc ngủ.
Chính vì vậy, nếu trong phòng ngủ có thảm, mọi người cần phải vệ sinh thường xuyên để đảm bảo cho sức khỏe của chính mình.
Ngủ nướng vào cuối tuần
Sau một tuần làm việc vất vả, phần đông sẽ ngủ nướng vào cuối tuần. Thế nhưng ngủ nướng 1, 2 lần một tuần có thể làm rối loạn nhịp sinh học và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta về lâu dài…