Tin Y tế: Sẽ tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng
Sức khỏe 01/05/2022 08:10
Sẽ tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng nào?
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4.
Công văn do GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ký có nêu ngày 25.4, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vắc xin, trong đó có tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Tại cuộc họp, hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4. Trong đó, đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp).
Sẽ tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng |
Vắc xin sử dụng tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do Astrazeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3.
Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 cần trì hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
Hội đồng cũng đề nghị Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư rà soát, cập nhật thông tin về mũi 4 và xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 gửi Bộ Y tế.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của hội đồng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 4, hoàn thành trong ngày 30.4.
Cách kiểm soát các vấn đề sức khỏe ở trẻ em trong mùa hè
Tiến sĩ Suresh Birajdar, bác sĩ nhi khoa, Bệnh viện Motherhood, cho biết nhiệt độ và độ ẩm cao khiến các vấn đề sức khỏe ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Ông đã đưa ra một số dấu hiệu và tình trạng sức khỏe cũng như biện pháp phòng ngừa mà bố mẹ cần lưu ý.
Sốc nhiệt
Nguyên nhân của tình trạng này là do tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Khi bị sốc nhiệt hoặc say nắng, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như kiệt sức, đau đầu, chóng mặt và suy nhược.
Để giải quyết, hãy hạ thân nhiệt của trẻ bằng nước hoặc chườm đá. Khi hoạt động vui chơi ngoài trời, trẻ cần đội nón hoặc mũ lưỡi trai để che đầu.
Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nóng và ẩm ướt dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn có thể làm ô nhiễm thực phẩm, dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Vì vậy, cần tránh ăn thức ăn lề đường và thức ăn ôi thiu hoặc chưa nấu chín.
Cách kiểm soát các vấn đề sức khỏe ở trẻ em trong mùa hè |
Mất nước
Trong mùa hè, trẻ có xu hướng mất nhiều nước và muối dưới dạng mồ hôi. Do đó, trẻ cần được bổ sung bằng cách duy trì đủ nước. Nước dừa, sữa và nước chanh là một số lựa chọn tốt để giữ nước cho trẻ.
Cháy nắng
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể làm tổn thương da của trẻ. Cháy nắng sẽ gây đỏ, viêm, phồng rộp và cũng có thể bong tróc da. Bố mẹ không nên cho trẻ ra nắng khi chưa bôi kem chống nắng, đặc biệt tránh cho trẻ ra ngoài từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều.
Phát ban
Phát ban, rộp da, nhiễm trùng và dị ứng thường thấy ở trẻ em. Ngoài ra, bệnh chàm cũng là một bệnh ngoài da trở nên trầm trọng hơn vào mùa hè do mồ hôi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tăng tiết dầu; từ đó khiến con bạn bị phát ban trên da.
Để kiểm soát tình trạng kích ứng da, bố mẹ có thể chườm lạnh lên vùng da bị ảnh hưởng. Cho trẻ mặc quần áo cotton thoải mái và rộng rãi trong mùa hè và tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm cho da nào mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các bệnh lây truyền qua đường nước
Nước bị ô nhiễm có thể dẫn đến thương hàn, tiêu chảy, tả, vàng da và kiết lỵ ở trẻ em. Bạn nên chuẩn bị nước lọc cho trẻ đem theo khi đi chơi, hoặc đến trường.
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc có thể dẫn đến các triệu chứng như đỏ, ngứa và viêm mắt. Bạn nên thường xuyên chăm sóc mắt cho trẻ, đảm bảo trẻ không chạm tay vào mắt và uống thuốc khi cần thiết.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Đây là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em gia tăng trong mùa hè do uống không đủ nước. Do đó, trẻ cần giữ vệ sinh cá nhân tốt và uống đủ nước./.
CDC Mỹ: virus adeno 41 có thể là nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ
"Tại thời điểm này, chúng tôi tin virus adeno có thể là nguyên nhân của các trường hợp đã được báo cáo này, song các yếu tố môi trường và tình huống tiềm ẩn khác vẫn đang được điều tra", CDC Mỹ thông báo.
Theo Hãng tin AFP, nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy 9 trẻ em, từ 1 đến 6 tuổi, mắc bệnh viêm gan bí ẩn tại bang Alabama đều dương tính với virus adeno 41.
Cơ quan y tế Mỹ cho biết virus adeno 41 được biết là nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột - một bệnh viêm ruột gây tiêu chảy, đôi khi nôn mửa. CDC Mỹ nói thêm rằng virus này "không thường được coi là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ khỏe mạnh".
CDC Mỹ: virus adeno 41 có thể là nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ |
Tuy nhiên, giới chức CDC Mỹ đã loại trừ việc những trẻ em này mắc các căn bệnh khác, trong đó có COVID-19, viêm gan A, B và C, bệnh viêm gan tự miễn và bệnh Wilson.
Các ca mắc viêm gan bí ẩn tại Alabama được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 10-2021 đến tháng 2-2022. Ba trong số này bị suy gan cấp tính, trong đó có hai trẻ phải ghép gan.
"Tất cả bệnh nhân đều đã hoặc đang bình phục, bao gồm hai bệnh nhân ghép gan", nghiên cứu của CDC Mỹ cho biết.
Trước khi nhập viện, hầu hết trong 9 trẻ nói trên đều bị nôn mửa và tiêu chảy, trong khi một số trẻ có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên. Tại bệnh viện, hầu hết đều bị vàng da, gan to.
Bên cạnh đó, bang Wisconsin đang điều tra 4 trường hợp mắc bệnh gan bí ẩn, trong đó có một ca cần ghép gan và một trường hợp tử vong. Một số bang khác của Mỹ, bao gồm Illinois cũng đã ghi nhận các ca mắc bệnh viêm gan bí ẩn này.
Trong một diễn biến liên quan, theo Hãng tin Reuters, ngày 29-4, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết họ đã ghi nhận 34 ca viêm gan ở trẻ kể từ đầu tuần này, nâng tổng số lên 145 trẻ mắc bệnh tại nước này.
UKHSA cho biết có 10 trẻ đã được ghép gan và không có ca tử vong nào. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu đã báo cáo khoảng 190 trường hợp viêm gan không lý giải được ở trẻ em trên toàn cầu.
3 thói quen có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư
Viện Ung thư Quốc gia báo cáo rằng ước tính có 1.806.590 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán trên toàn quốc vào năm 2020. Nếu điều đó chưa đủ khủng khiếp, thì đến năm 2040, người ta dự đoán rằng 29,5 triệu ca ung thư mới mỗi năm sẽ được chẩn đoán.
Một báo cáo mới trên Tạp chí Frontiers of Aging tiết lộ sự kết hợp của ba điều - tập thể dục, bổ sung omega-3 và vitamin D có thể làm giảm xác suất phát triển các bệnh ung thư nặng tới 61%.
Thử nghiệm này có 2.157 người tham gia, từ 70 tuổi trở lên, trong ba năm ở Bồ Đào Nha, Áo, Đức, Pháp và Thụy Sĩ. Nhiệm vụ là quan sát tác động của liều lượng omega-3, vitamin D3 hàng ngày và các bài tập rèn luyện sức mạnh dễ dàng tại nhà đối với mỗi cá nhân. Các phương pháp điều trị được thực hiện theo các nhóm khác nhau để xác định phương pháp nào (hoặc kết hợp các phương pháp) có thể làm giảm khả năng ung thư xâm lấn.
Theo Tiến sĩ Heike Bischoff-Ferrari, Bệnh viện Đại học Zurich, sự kết hợp giữa omega-3, vitamin D3 và tập thể dục đã giúp những người tham gia khỏi phát triển ung thư xâm lấn.
Nghiên cứu cho thấy khi cả ba thói quen này được duy trì thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh ung thư có thể giảm xuống 61% một cách ấn tượng.
Ăn ruốc chân dài, người đàn ông Quảng Ninh bị ngộ độc nặng
Bệnh nhân là ông Dương V.T. (52 tuổi, ở Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng tê yếu tứ chi, tê miệng, cơ lực chi giảm còn 3/5. Trước đó, bệnh nhân ăn cơm với ruốc lỗ.
Ngay khi xác nhận bệnh nhân bị ngộ độc hải sản, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp tăng cường thải độc, bài niệu tích cực. Sau 24 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, cơ lực tay chân cải thiện.
Ruốc lỗ là một loại hải sản thuộc họ bạch tuộc, nhỏ bằng ngón chân cái, đầu tròn và có bộ xúc tu dài. Vì những đặc điểm đó mà ngư dân gọi chúng với tên bạch tuộc mini hoặc ruốc chân dài.
Theo bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh, khoa Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân rất có thể đã trúng độc tố Tetrodotoxin có trong nhiều loại hải sản như so biển, mực đốm xanh, bạch tuộc vòng xanh… Độc tính này tác động trên thần kinh trung ương rất mạnh làm liệt các trung khu thần kinh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngừng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp.