Vì sao công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng tạm dừng thi công?
Vấn đề hôm nay 15/12/2021 07:38
Một góc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. |
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm trước việc sạt lở trong hố móng tại công trường xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng vào các ngày 17/10, 20/10 và 6/11 vừa qua.
Liên quan đến việc sạt lở này, ngày 5/11/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 302/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra và làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng.
Theo đó, thông báo nêu rõ: yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình; phải bảo đảm cảnh quan kiến trúc và an toàn cho công trình lịch sử văn hóa tượng đài Bác Hồ. Thống nhất ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan là cần phải có khảo sát, kiểm tra trên thực địa và kiểm tra các hồ sơ liên quan để đánh giá kỹ các nguyên nhân gây ra sạt trượt, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài ổn định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tạm dừng thi công công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn cho công nhân, đồng thời phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan thực hiện ngay các giải pháp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ sạt lở đã được các chuyên gia và đại diện các Bộ, cơ quan góp ý; phối hợp với địa phương có biện pháp cảnh báo khu vực nguy hiểm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Tư vấn thiết kế công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các giải pháp để đánh giá kỹ về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp nhất.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, EVN, tỉnh Hòa Bình và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ hồ sơ Dự án và các tài liệu liên quan đánh giá sự an toàn đối với Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu, nhất là đối với đập thủy điện Hòa Bình, đồng thời bảo đảm và giữ gìn cảnh quan, kiến trúc các công trình trong khu vực.
Thông báo cũng nêu rõ, việc thi công trở lại, giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho NMTĐ Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình và an toàn tuyệt đối đối với tượng đài Bác Hồ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan của Tỉnh hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư xử lý kịp thời những phát sinh tại công trường bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại công trình cũng như thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với NMTĐ Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn - Ảnh: Báo Chính phủ |
Thông tin công bố ban đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, nguyên nhân của việc sạt lở trong hố móng tại công trường xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng được xác định là do ảnh hưởng của hai cơn bão số 7 và số 8 (tháng 10/2021) kết hợp gió mùa gây ra mưa kéo dài nhiều ngày.
Trước đó, ngày 10/01/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ khởi công Công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng. Dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình NMTĐ Hòa Bình hiện nay. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Đây là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.220,83 tỷ đồng, tổng công suất 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kW giờ/năm. Sau khi hoàn thành công trình, NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình lên 2.400 MW.