Người cao tuổi gìn giữ hồn dân tộc qua từng câu hát, điệu múa

Đời sống 03/06/2025 10:15
Những năm thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, bát đường đen Quảng Nam cùng với miếng đường phèn Quảng Ngãi nức tiếng gần xa. Nhưng rồi theo thời gian, câu chuyện về nghề truyền thống thuở nào lùi xa dần, khiến mỗi chúng ta, nhất là với những người con Quế Sơn, Thăng Bình không khỏi hoài nhớ về những sản phẩm làm ra từ chảo mía đường.
![]() |
Bộ che để ép mía lấy nước |
Hình ảnh khu ép mía với bộ che gỗ, gáo múc, chảo đường, những thao tác điêu luyện của thợ rót đường bát; những chiếc bánh tráng nhúng đường non dẻo quánh giòn ngon, thơm mùi mật mới chỉ còn trong kí ức của bao người. Không chỉ làng Tất Viên, xã Bình Phục, hay Bình Quý (Thăng Bình) mà các lò đường ở Quế Phong, Quế Phú, Quế Mỹ (Quế Sơn) giờ đây chẳng còn dấu vết của một thuở vàng son. Bởi những cánh đồng trồng mía ngày càng thu hẹp, các lò đường cũng thôi đỏ lửa. Trên địa bàn Quảng Nam hiện chỉ còn một lò đường của ông Trần Đình Hai (73 tuổi) vẫn cố “giữ lửa” nghề làm đường bát.
Theo đường Trần Cao Vân nối dài, lò đường của ông Hai nằm sát bên đường thuộc làng Đông, thôn Đông Nam, xã Quế Phong, giáp với xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, nơi có son sông Ly Ly thơ mộng làm ranh giới hành chính phân chia hai huyện, vùng đất một thời người dân sống bằng nghề trồng mía.
![]() |
Lò nấu đường truyền thống |
Trước hơi nóng của chiếc lò đốt bã mía khô, ông Trần Đình Hai chia sẻ: “Hiện nay nghề làm đường thủ công đã vắng hết rồi, chỉ còn mỗi một nơi đây! Tui cố gắng lưu giữ cái nghề của cha ông để lại dù vất vả đến bao. Đời tui là đời thứ ba trong gia đình làm nghề này”. Quả thực nhìn những người thợ làm việc mới cảm nhận được sự nhọc nhằn để làm ra những bát đường đen truyền thống. Khi ép mía, ít nhất phải có 6 người thợ cùng làm. Bắt đầu 6 giờ sáng hì hục cho tới mãi 20 giờ đêm. Quy trình sản xuất hầu như hoàn toàn thủ công. Sau khi ép mía thành nước rồi mang đổ vào các chảo trên lò, lò được đốt lửa lên đun sôi nước đường (nấu), không quên bỏ một ít lượng vôi ăn trầu (một lượng rất ít, một chảo đường bỏ khoảng một thìa canh, để cho nước đường không quánh dẻo như bột nha mà làm cho đường có độ giòn, dẻo nhất định để dễ rót vào chén). Một thợ liên tục vớt bọt váng, đường chín múc ra thùng dùng đũa đánh cho mật đường đông đặc. Khâu cuối cùng là rót mật vào bát đã được bôi dầu phụng trước đó, lần lượt rót cơi lên ba lớp nhằm tăng vẻ đặc trưng và đẹp của một bát đường mía vừa làm chặc độ kết dính của bát đường, đợi khô lấy từng bát cất vào chiếc bầu.
![]() |
Nước mía được nấu trên những chiếc chảo to |
Trong các công đoạn từ cây mía để ra những bát đường mật, khâu vớt bọt là quan trọng nhất, vì nó quyết định chất lượng cũng như màu sắc của bát đường; thứ đến là khâu rót đường vào bát, bước này cần sự định lượng thật chính xác khi rót mật đường vào bát, cơi vừa đủ, đẹp, không hao hụt lãng phí mật đường.
Vì mía ít người trồng nên hằng năm lò đường chỉ hoạt động sau Tết Nguyên đán đến tháng 6 âm lịch. Mỗi tháng lò ông Hai ép và nhúng đường non vài đôi lần, chủ yếu là ngày Chủ nhật trong tuần. Du khách tìm về ngày càng đông để chiêm ngưỡng cách làm đường truyền thống và được nhúng bánh tráng đường non độc đáo. Trong cái nóng hầm hập của lò đường, ông Hai trải lòng: “Nghề này vất vả, thu nhập không cao song gia đình tôi vẫn ham thích. Mỗi khi được nhìn và được trực tiếp làm nghề, chúng tôi như được sống trong không khí nhộn nhịp của những ngày mùa năm xưa. Vì vậy gia đình tôi cố gìn giữ cái nghề một thời hoàng kim của xóm làng”.
Ngày nay bát đường mật mía không còn sức cạnh tranh, song nó gợi nhớ một nghề truyền thống, kết tinh giữa nỗi gian nan vất vả với những nét đẹp mộc mạc của làng nghề. Những câu chuyện về miếng kẹo đậu phụng, về chén chè đậu đen ngọt thanh giữa trưa Hè; chuyện chiếc bánh tráng nhúng đường non như nhắc nhở chúng ta mãi nhớ về một thời hoàng kim của nghề mía đường xứ Quảng.