Vai trò của Stalin trong thắng lợi của Liên Xô trước phát xít Đức
Nghiên cứu - Trao đổi 09/05/2023 10:32
Biến Liên Xô một nước công nghiệp hùng mạnh
Là nước XHCN đầu tiên trên thế giới, nước Nga Xô viết và Liên Xô sau này nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản thế giới. Mùa Hè năm 1918, nước Nga Xô viết bị 14 nước đế quốc và chư hầu hậu thuẫn cho 1 triệu quân phản cách mạng đã chiếm được khoảng 3/4 lãnh thổ nước Nga Xô viết. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga, đến hết năm 1920, nước Nga Xô viết đã hoàn toàn chiến thắng thù trong giặc ngoài.
Để tồn tại và phát triển, Liên Xô cần phải có ý chí tự cường và phát huy tối đa sức mạnh nội sinh. Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XIV vào năm 1925, Stalin khẳng định về sự tự cường của Liên Xô: “Biến nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp có thể tự lực sản xuất lấy thiết bị cần thiết, đó là điểm căn bản, là cơ sở của đường lối chung của chúng ta… Biến nước ta từ một nước nhập khẩu thiết bị thành một nước chế tạo được các thiết bị ấy, vì đó là điều bảo đảm sự độc lập kinh tế của nước ta. Và chính điều đó bảo đảm cho nước ta không biến thành vật phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa” .
Trong 13 năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), dưới sự lãnh đạo của Stalin, Liên Xô đã xây dựng được 9.000 xí nghiệp lớn, trang bị kĩ thuật hiện đại, nhiều ngành công nghiệp mới quan trọng đã ra đời. So với năm 1913, đến năm 1940 sản lượng đại công nghiệp của Liên Xô tăng hơn 12 lần; tỉ trọng công nghiệp đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân (hơn 3/4 tổng sản lượng). Trong đó 2/3 thuộc ngành công nghiệp nặng, sản lượng của ngành chế tạo máy tăng 35 lần, sản lượng điện tăng 24 lần (năm 1913 là 2 tỉ kWh, năm 1940 là 48 tỉ kWh).
Địa vị của Liên Xô trong nền kinh tế của thế giới có sự thay đổi tích cực. Năm 1937, sản lưọng công nghiệp của Liên Xô đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tỉ trọng công nghiệp của Liên Xô trong sản lượng công nghiệp thế giới đã lên đến 14%. Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.
Đến năm 1934, các nông trang tập thể đã trở thành lực lượng lớn, thu hút 3/4 tổng số nông hộ, sử dụng 90% diện tích đất trồng trọt, 281.000 máy kéo, 32.000 máy gặt đập.
Lãnh đạo Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Đến giữa thập niên 1930, những nước phát xít Đức, Italia, Nhật đã liên kết lại để tiêu diệt Liên Xô. Các nước này cũng đã tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản và âm mưu đòi phân chia lại thế giới. Các nước Anh, Pháp, Mỹ thì dung dưỡng chủ nghĩa phát xít để mong nó chĩa mũi nhọn vào việc tiêu diệt Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thế giới.
Ngày 22/6/1941, sau khi chiếm gần như trọn châu Âu, nước Đức Quốc xã cùng đồng minh và chư hầu tấn công Liên Xô. Bọn phát xít chiếm ưu thế quân sự nên nhanh chóng chiếm được vùng Pri-Baltic, Belarus, Ukraine, Moldova và tiến nhanh đến thủ đô Moscow. Mặt trận Xô - Đức khi đó tập trung đến 80% quân số của phát xít Đức cùng đồng minh và chư hầu.
Dân tộc các nước Cộng hòa của Liên Xô đã đoàn kết hiệp lực tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh tụ Stalin để đẩy lùi mối họa phát xít. Ngày 23/6/1941, Đại bản doanh bộ Tổng tư lệnh tối cao được thành lập. Một tuần sau, ngày 30/6/1941, Hội đồng quốc phòng Nhà nước ra đời. Stalin được cử đứng đầu cả hai cơ quan quyền lực cao nhất trong thời kì chiến tranh này.
Ngày 3/7/1941, Stalin có bài phát biểu quan trọng trên đài phát thanh. Satlin đã chỉ rõ tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh và nhấn mạnh ý nghĩa cao cả của cuộc chiến đấu vĩ đại của Nhân dân Liên Xô đối với các dân tộc ở châu Âu và trên thế giới.
Lễ diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng (9-5) trên Quảng trường Đỏ (Nga) |
Quân đội Xô viết tuy ban đầu bị quân phát xít áp đảo nhưng đã chống trả rất kiên cường. Cuối năm 1941, Hồng quân Liên Xô đã chặn đứng được quân đội Đức quốc xã tại cửa ngõ thủ đô Moscow. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, đến cuối năm 1944, Liên Xô đã giải phóng được toàn bộ đất đai của mình và đánh đuổi quân Đức Quốc xã trên lãnh thổ các nước Đông Âu và Trung Âu và đưa chiến tranh vào chính nước Đức. Tháng 4/1945, quân đội Xô viết bắt đầu công phá Berlin. Nước Đức Quốc xã sau đó đã sụp đổ và đầu hàng vào ngày 9/5/1945.
Tại buổi chiêu đãi lớn mừng chiến thắng ngày 24/5/1945, Stalin đã phát biểu rằng Nhân dân Liên Xô đã tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ Liên Xô và sẵn sàng xả thân để bảo đảm việc đánh tan nước Đức Quốc xã.
Khôi phục và phát triển Liên Xô sau chiến tranh
Theo những số liệu chính thức, trong Chiến tranh hơn 27 triệu người dân Xô viết đã hi sinh trên chiến trường, bị giết hại ở các vùng quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng hoặc trong các trại tập trung của phát xít Đức. Bên cạnh đó, Liên Xô có 1.710 thành phố, hơn 70 nghìn làng mạc, 31.853 cơ sở công nghiệp, 65 nghìn cây số đường sắt, 98 nghìn nông trang tập thể, 1.876 nông trường quốc doanh, 2.980 trạm máy kéo bị phá huỷ hoặc thiêu cháy.
Dưới sự chỉ đạo của quyết định “Về những biện pháp cấp bách khôi phục kinh tế ở các vùng được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của bọn phát xít” của Stalin đến cuối năm 1945 Liên Xô đã khôi phục được 7.500 nhà máy và xí nghiệp, hơn 1.000 trạm máy kéo, hàng nghìn nông trường quốc doanh và nông trang tập thể.
Tháng 3/1946, Liên Xô bước vào công cuộc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ VI. Nhiệm vụ chính của kế hoạch 5 năm lần thứ VI là tiếp tục khôi phục vết thương chiến tranh, đưa sản lượng công nghiệp và nông nghiệp đạt và vượt mức trước chiến tranh. Kế hoạch dự định đưa thu nhập quốc dân tăng 30% so với năm 1940 và trên cơ sở đó nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho Nhân dân. Thời kì 1945 - 1955 là thời kì niềm phấn khởi tự hào của Nhân dân Liên Xô dâng cao, nền kinh tế đã được hồi phục và phát triển khá nhanh.
Tại châu Âu sau chiến tranh, các nước Đông Âu (Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc, Romania, Albania, Nam Tư), Stalin đã giúp đỡ tài chính và quân sự cho các nước này phục hồi nền kinh tế, thành lập các nhà nước XHCN.
Ở châu Á sau chiến tranh, Stalin giúp những người cộng sản thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại vùng lãnh thổ do Liên Xô quản lí trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1949, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng trước Quốc Dân Đảng (được Mỹ hậu thuẫn) và thiết lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Nhà nước xã hội chủ nghĩa tại quốc gia đông dân nhất thế giới, làm cho thế và lực của phong trào cộng sản trên toàn thế giới tăng lên rất mạnh.
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Stalin và đề nghị Liên Xô ủng hộ cuộc kháng chiến của đất nước ta. Stalin đã đồng ý với đề nghị này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta và giúp đỡ cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Năm 2013, nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày mất của Stalin, người đứng đầu Đảng Cộng sản Nga Gennady Andreyevich Zyuganov đã ca ngợi Stalin là nhà lãnh đạo xuất sắc và là biểu tượng chiến thắng vĩ đại của đất nước.
Cuộc khảo sát do Trung tâm Levada tiến hành có 1.600 người tham dự từ 137 điểm dân cư ở Nga vào năm 2017 cho thấy, Stalin dẫn đầu danh sách bảng xếp hạng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.