Tùy tiện lấy đất đang có người sử dụng cấp cho người khác là trái pháp luật
Đơn thư bạn đọc 31/07/2020 16:28
Việc sử dụng đất của ông Tráng và ông Sỹ, phải được công nhận đúng pháp luật
Như đã phản ánh, ông Lê Đình Tráng, thương binh hạng 4/4 vào lập nghiệp, khai hoang mảnh đất có diện tích 3.600m2 (chiều rộng 45m, chiều sâu 80m) cặp Quốc lộ 14, thuộc địa phận xã Quảng Tín (nay là thôn 6, xã Đắk Ru) từ năm 1995. Ngày 28/4/1998, ông Tráng có làm đơn gửi UBND xã Quảng Tín, được ông Điểu Binh, Chủ tịch UBND xã kí xác nhận ngày 15/5/1998. Năm 2008, xã Đắk Ru có chủ trương xây dựng chợ xã Đắk Ru, cho phép DNTN Phú Thịnh, do ông Đỗ Phước Lợi làm Giám đốc, đầu tư kinh phí xây dựng công trình, bằng hình thức “đổi đất lấy công trình”.
Năm 1990, gia đình ông Lê Đình Sỹ khai hoang được mảnh đất có diện tích 5.200m2 (chiều dài 80m, chiều rộng 65m). Vị trí cũng cặp Quốc lộ 14, hiện thuộc thôn 6, xã Đắk Ru. Đến ngày 15/5/1998, gia đình ông Sỹ cũng được Chủ tịch UBND xã Quảng Tín xác nhận đang quản lí và sử dụng đất. Hai gia đình ông Tráng và ông Sỹ sử dụng đất trồng các loại cây cà phê, điều… và làm nhà ở.
Đất của ông Tráng và ông Sỹ có vị trí đối diện công trình Chợ xã Đắk Ru, mặt bằng thấp nên được UBND xã mượn, để đổ đất bạt đồi san lấp mặt bằng chợ xã Đắk Ru. Các hộ dân đồng thuận cho mượn đất. Thế nhưng, sau đó ông Đỗ Phước Lợi chiếm luôn đất của ông Tráng và ông Sỹ. Phát hiện đất của mình bị ông Lợi chiếm giữ, ông Tráng, ông Sỹ có nhiều đơn khiếu nại gửi chính quyền huyện. Nhưng chính quyền cho rằng, đất này do Trung tâm Giáo dục và Phát triển kinh tế mới, thuộc UBND quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh sử dụng, sau đó Trung tâm này giải thể nhưng không bàn giao đất cho địa phương, nên UBND xã Đắk Ru quản lí. Việc gia đình ông Tráng, ông Sỹ sử dụng đất, do ông Điểu Binh, Chủ tịch UBND xã kí xác nhận, là không đúng thẩm quyền, sai nguyên tắc quản lí đất đai.
Khu đất của các gia đình ông Tráng, ông Sỹ bị ông Lợi chiếm giữ, chính quyền huyện Đắk R’lấp ngấm ngầm ra quyết định giao cho ông Lợi |
Nhận thức pháp luật như chính quyền huyện Đắk R’lấp trong vụ việc này là sai lầm. Cho rằng, Trung tâm Giáo dục và Phát triển kinh tế mới sử dụng đất, nhưng đã giải thể và bỏ đất hoang. Thời điểm gia đình ông Tráng, ông Sỹ ra sử dụng đất, không tranh chấp với ai, kể cả với Trung tâm Giáo dục và Phát triển kinh tế mới (vì Trung tâm này đã giải thể), chính quyền cũng không có bất cứ động thái nào ngăn chặn, hoặc xử lí. Việc ông Điểu Binh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín năm 1998 kí, đóng dấu xác nhận, chỉ đơn thuần là xác nhận đất đang có người sử dụng, cụ thể là các gia đình: ông Lê Đình Tráng, ông Lê Đình Sỹ. Hiến pháp và pháp luật về đất đai qua các thời kì đều khẳng định: Đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Như vậy có nghĩa, Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu về đất đai, với trách nhiệm quản lí, chứ không có quyền sử dụng đất. Do đó, khi thấy đất bị bỏ hoang, các gia đình ông Tráng, ông Sỹ vào sử dụng, không bị ai tranh chấp, phải được coi là hợp pháp.
Thời điểm ông Điểu Binh kí, đóng dấu xác nhận vào Đơn xin đất của ông Lê Đình Tráng là năm 1998, Luật Đất đai năm 1993 vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Tại Khoản 1, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Người sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Khi chính quyền mượn đất là năm 2008, gia đình ông Tráng đã sử dụng đất được hơn 10 năm, gia đình ông Sỹ sử dụng đất được gần 20 năm, Luật Đất đai năm 2013 đang có hiệu lực, tại Khoản 4, Điều 50 Luật này quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Ông Tráng đang chỉ cho phóng viên đất giao cho ông Lợi để trồng cây công nghiệp lâu năm, nhưng ông Lợi vẫn tiến hành xây dựng nhà |
Khoản 6, Điều 50 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, các gia đình ông Tráng, ông Sỹ phải được chính quyền địa phương bảo hộ quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, phải được cấp sổ đỏ, hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và chỉ có gia đình ông Tráng phải nộp tiền sử dụng đất, theo quy định của Chính phủ.
Chính quyền huyện Đắk R’lấp giao đất cho ông Đỗ Phước Lợi, trong khi chưa thu hồi đất của các hộ dân là trái pháp luật
Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Ngày 22/4/2008, UBND xã Đắk Ru có Tờ trình số 76/TTr-UBND, đề nghị cho phép UBND xã Đắk Ru thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng chợ Đắk Ru, kinh phí 600 triệu đồng, bằng cách cho phép DNTN Phú Thịnh đầu tư kinh phí bồi thường thiệt hại trong quá trình xây dựng, đổi lại UBND xã Đắk Ru có trách nhiệm hoán đổi cho DNTN Phú Thịnh một lô đất có diện tích 4.355m2, tại khu vực thôn 6, xã Đắk Ru. Đề xuất này của UBND xã Đắk Ru được UBND huyện Đắk R’lấp thống nhất chủ trương, tại Công văn số 87/UBND ngày 30/4/2008.
Cái gọi là chợ dân sinh Đắk Ru hiện biến thành nhà nuôi chim yến của ông Lợi |
Khi thực hiện Dự án xây dựng chợ Đắk Ru, UBND xã có việc mượn đất của các hộ dân, để lấy chỗ đổ đất khi san mặt bằng xây dựng chợ, nhưng sau đó ông Lợi chiếm luôn, như phần trên đã phản ánh. Các hộ dân không hề biết ông Lợi được chính quyền giao đất, do không có quyết định thu hồi, cũng như bồi thường, hỗ trợ. Chỉ khi phóng viên Tạp chí Người cao tuổi vào cuộc, mới được chính quyền huyện cung cấp hồ sơ giao đất, cấp sổ đỏ cho ông Lợi gồm: Quyết định số 260/QĐ-UBND ngày 15/1/2009, giao 3.350m2 đất cho ông Lợi, vị trí tại thôn 6, xã Đắk Ru; Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 25/2/2009, cấp sổ đỏ cho ông Lợi. Cả 2 quyết định này đều do ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp kí.
Ngoài ra, Biên bản xác minh thực địa, chỉ có 2 người kí là ông Lợi và ông Tôn Thất Dương Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru. Biên bản xác định ranh giới thửa đất chỉ có 3 người kí gồm: ông Đỗ Phước Lợi; ông Mai Ngọc Quang, cán bộ địa chính xã Đắk Ru; ông Nguyễn Tấn Nào, Chủ tịch UBND xã Đắk Ru. Ngày 25/2/2009, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp kí sổ đỏ số AO 342165, số vào sổ 102677/HE, chủ sử dụng ông Đỗ Phước Lợi, thửa đất số 102, diện tích 3.350m2, mục đích sử dụng trồng cây công nghiệp lâu năm, thời hạn đến hết năm 2059.
Và cơ sở kinh doanh phục vụ DNTN Phú Thịnh |
Điều 32 Luật Đất đai năm 2003 quy định:“Việc quyết định giao đất… đối với đất đang có người sử dụng cho người khác, chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Ở đây rõ ràng, đất đang do các gia đình ông Tráng, ông Sỹ quản lí, sử dụng, được Chủ tịch UBND xã Quảng Tín (cũ) xác nhận, UBND xã Đắk Ru mượn để đổ đất. Do đó, muốn giao diện tích đất này cho ông Lợi, chính quyền huyện Đắk R’lấp buộc phải ra quyết định thu hồi. Việc không thu hồi đất, mà đã ra quyết định giao đất cho ông Lợi của UBND huyện Đắk R’lấp, là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai, người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện. Quy trình cấp sổ đỏ cho ông Lợi cũng thực hiện không đúng, trái pháp luật, do không có chữ kí xác nhận của các hộ liền kề, hơn nữa đất đang có tranh chấp.
Cái gọi là chợ dân sinh Đắk Ru, hiện biến thành nhà nuôi chim yến và các công trình thương mại phục vụ cho việc kinh doanh của DNTN Phú Thịnh. Vậy, việc đổi đất lấy hạ tầng thực chất là gì, nếu không muốn nói rằng đó là sự câu kết để chiếm đất của các gia đình ông Tráng, ông Sỹ? Đề nghị UBND huyện Đắk R’lấp khẩn trương thu hồi các quyết định và sổ đỏ đã cấp cho ông Lợi, trả lại đất cho gia đình ông Tráng, ông Sỹ. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tiến hành thanh, kiểm tra, xử lí nghiêm các sai phạm của huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Ru trong vụ việc này.
Vụ tranh chấp đất đai của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Sương ở thị xã Gia Nghĩa, (Đắk Nông): Cần kháng nghị 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, ở tổ 2, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa cho biết, bà đã làm đơn gửi Chánh án TAND ... |