Trung Đông có tái định hình chính trị sau một thỏa thuận?
Quốc tế 18/08/2020 10:10
Thỏa thuận mang lại lợi ích về địa chính trị cho cả hai
Thỏa thuận hòa bình giữa UAE và Israel vừa đạt được là bước đột phá lịch sử, một chiến thắng ngoại giao và là một bước quan trọng để xây dựng một Trung Đông hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Trước hết, thỏa thuận sẽ tạo tiền đề để hai bên kí kết các thỏa thuận song phương về đầu tư, du lịch, hàng không, an ninh, truyền thông, công nghệ, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường.
Thứ hai, việc mở cửa quan hệ trực tiếp giữa hai trong số các xã hội năng động nhất khu vực sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ và củng cố mối quan hệ gần gũi hơn giữa các dân tộc trong khu vực.
Thứ ba, thỏa thuận là một tiến bộ lớn trong quan hệ Ả-rập - Israel góp phần làm dịu căng thẳng và tạo ra năng lượng mới cho sự thay đổi tích cực, cũng như mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả-rập khác.
Tổng thống Trump tuyên bố bình thường hóa quan hệ Israel - UAE tại Nhà Trắng ngày 13/8. (Ảnh: Whitehouse.gov) |
Thứ tư, một trong những điều khoản quan trọng nhất của hiệp định hòa bình là chấm dứt hoàn toàn kế hoạch định cư trên đất của người Palestine của Israel. Đây sẽ là một vị trí lịch sử đối với UAE, Mỹ trong hiệp định với Israel góp phần tích cực giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Thứ năm, thỏa thuận cũng được cho là có lợi cho cả UAE, Mỹ, Israel nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, thỏa thuận đó giúp ông thoát khỏi tình thế khó xử khi tự mình đưa ra tuyên bố. Bởi trước đó ông đã hứa với cử tri sáp nhập các phần chính của Bờ Tây bị chiếm đóng. Đối với UAE, rất khó để xác định chính xác những lợi ích trực tiếp mặc dù quan hệ của nước này với Mỹ đang được củng cố và thỏa thuận với Israel có thể mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế, an ninh và khoa học.
Có là sự khởi đầu bình thường hóa với các quốc gia Ả-rập?
Đây là thỏa thuận đầu tiên của một quốc gia vùng Vịnh với Israel và là quốc gia thứ ba trong các nước Ả-rập sau Ai Cập kí năm 1979 và sau Jordan kí vào năm 1994. Dư luận cho rằng thỏa thuận này là một đột phá để các quốc gia khác noi theo bởi trước đó nhiều quốc gia Ả-rập cũng đã có những sự hợp tác không chính thức với Israel và đang hướng tới bình thường hóa quan hệ.
Ngoài vai trò trung gian gắn kết các đồng minh của Mỹ thì các quốc gia Ả-rập cũng nhận thấy xu hướng cần hợp tác và bình thường hóa quan hệ với Israel. Bởi vậy, ngay sau khi các bên thông báo về thỏa thuận, Ai Cập, Jordan và nhất là Bahrain, Oman đã ca ngợi những nỗ lực ngoại giao của UAE và ủng hộ bước đi này của UAE góp phần củng cố ổn định và hòa bình trong khu vực, đồng thời ca ngợi những nỗ lực to lớn của Mỹ trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử này.
Bước đi chiến lược của Israel và Mỹ?
Việc Tổng thống Donald Trump là người đầu tiên tuyên bố thỏa thuận giữa Israel và UAE do Mỹ làm trung gian, diễn ra vào thời điểm trước bầu cử của Mỹ, cũng như có thể sắp bầu cử sớm ở Israel cho thấy rõ chiến lược, lợi ích mà các bên mong muốn.
Trong khi thỏa thuận thế kỉ vẫn giậm chân tại chỗ thì thỏa thuận hòa bình Israel - UAE là một bước tiến đối với trung gian Mỹ, là sự ghi điểm của ông Donald Trump với cử tri. Bên cạnh đó, thỏa thuận giúp Thủ tướng Netanyahu lấy lại uy tín với cử tri khi kế hoạch sáp nhập Bờ Tây khó thực hiện, là cơ hội nếu ông xúc tiến một cuộc tổng tuyển cử khác và tránh những mối đe dọa từ các nước nước thù địch trong khu vực và cả Iran.
Cũng không thể nói thỏa thuận là sự “vô hiệu hóa” ủng hộ của thế giới Ả-rập đối với Palestine. Dù chính quyền Palestine phản đối thỏa thuận này nhưng nhiều quốc gia Ả-rập và chuyên gia cho rằng đó là bước đi cần thiết nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine trong khi các thỏa thuận khác và các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được bất kì tiến bộ nào. UAE khẳng định thỏa thuận không có nghĩa là UAE từ bỏ Palestine theo bất kì cách nào.