Vai trò của Australia trong chiến lược “ASEAN toàn cầu”
Quốc tế 18/12/2024 14:55
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trở thành một nhân tố kinh tế quốc tế quan trọng, không chỉ bằng sự tăng trưởng ngoạn mục về thương mại mà còn nhờ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Australia đang hướng đến việc tăng cường hợp tác với ASEAN, không chỉ như một đối tác kinh tế mà còn là một người bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và khả năng định hình trật tự kinh tế bền vững thông qua một "Thị trường xanh đơn nhất".
Thực tế cho thấy, tăng trưởng GDP trung bình của khu vực ASEAN ổn định ở mức 4% cho đến cuối thập kỉ này, cao hơn nhiều so với Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) hoặc Liên minh châu Âu (EU) và gần bằng Trung Quốc. Tuy nhiên, không như các khu vực khác như EU hoặc Khối mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ASEAN đã chọn con đường hội nhập mở thay vì tập trung vào tăng cường thương mại nội khối. Mục tiêu lâu dài của ASEAN là tăng cường hội nhập khu vực như một cách để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia tại Australia. |
Từ đầu thế kỉ XXI, xuất khẩu của ASEAN đã tăng 480%, giúp thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng từ 5,4% lên 7,8%. Thương mại quốc tế hiện chiếm hơn 100% GDP của khối, vượt xa con số 70% ở châu Âu và 22% ở Bắc Mỹ.
Chính phủ Australia đã cam kết tăng cường quan hệ kinh tế với ASEAN nhằm hỗ trợ các mục tiêu hội nhập khu vực của khối, đồng thời nâng cao quan hệ đầu tư thương mại vốn chưa phát huy hết tiềm năng. Thực hiện chiến lược này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Australia mà còn góp phần bảo vệ địa vị của ASEAN như một trung tâm đối tác kinh tế đáng tin cậy.
Báo cáo Moore về chiến lược kinh tế Đông Nam Á đã khuyến khích Australia tham gia tích cực vào các tiến trình hội nhập của ASEAN, nhất là những sáng kiến nhằm loại bỏ rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực. Điều này bao gồm việc đầu tư vào các công nghệ xanh và chiến lược khí hậu nhằm đạt tăng trưởng bền vững.
Về hợp tác ASEAN-Australia, trọng tâm xanh hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang dần rút lui khỏi vai trò lãnh đạo trong hợp tác kinh tế và khí hậu toàn cầu. Để duy trì tăng trưởng bền vững, ASEAN và Australia cần hợp tác chặt chẽ để thiết lập một Thị trường xanh đơn nhất, nơi các quy định xuyên biên giới được hài hòa để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân và thương mại trong các lĩnh vực xanh như tín dụng carbon, công nghệ giảm phát thải, và tài chính khí hậu.
Australia có thể hỗ trợ ASEAN thúc đẩy sáng kiến này bằng cách tăng cường các cơ chế hợp tác thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Các bước đi này sẽ không chỉ bảo đảm ASEAN trở thành một trung tâm dẫn đầu về kinh tế xanh mà còn củng cố vai trò của Australia như một đối tác đáng tin cậy trong nỗ lực chung này.
Để đạt được mục tiêu này, Australia cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thiết lập các quy chuẩn và chính sách xanh, khuyến khích chuyển giao công nghệ và tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Bên cạnh đó, trọng tâm vào thị trường xanh không chỉ giúp ASEAN đáp ứng các cam kết khí hậu mà còn củng cố vị thế khu vực như một trung tâm tăng trưởng bền vững của thế giới.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia hồi tháng 3/2024, ASEAN và Australia đã tái khẳng định nguyện vọng chung là hợp tác để thúc đẩy một trật tự kinh tế cởi mở, dựa trên luật lệ và bền vững. Việc nhanh chóng đưa những cam kết này vào thực tế sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Australia, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác toàn cầu.
Đối mặt với một thế giới ngày càng phức tạp, Canberra cần đánh giá lại các đồng minh thực sự có chung tầm nhìn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại lợi ích của cả khu vực…