Hệ lụy đối với Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi
Quốc tế 06/12/2024 14:32
Theo The Korea Times/Reuters ngày 4/12, một động thái chính trị gây chấn động vừa diễn ra tại Hàn Quốc, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật và nhanh chóng phải hủy bỏ, để lại nhiều hệ lụy sâu sắc cho nền chính trị và uy tín quốc tế của quốc gia này.
Tuyên bố thiết quân luật vào đêm khuya đã đẩy những mâu thuẫn nội bộ ở Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm. Chỉ vài giờ sau khi ban hành, lệnh này đã bị Quốc hội - thậm chí có cả thành viên từ đảng của Tổng thống Yoon Suk Yeol - bỏ phiếu ngăn chặn, buộc Tổng thống Yoon phải hủy bỏ. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ông Yoon từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống gay cấn nhất trong lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022, giữa làn sóng bất bình về chính sách kinh tế, bê bối và xung đột giới tính, vốn định hình lại tương lai chính trị của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Binh sĩ Hàn Quốc được triển khai bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Seoul sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật |
Các chuyên gia nhận định động thái này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong nhiệm kì của Tổng thống Yoon. Mason Richey, Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, cho rằng: "Đối với một vị tổng thống tập trung quá nhiều vào danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, điều này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn". Ông cảnh báo rằng sự kiện này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ và vị thế ngoại giao của Hàn Quốc.
Báo cáo của Viện Dân chủ thuộc Đại học Gothenburg chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại: Nền dân chủ tại Hàn Quốc đã thụt lùi kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức. Những bằng chứng cụ thể cho sự suy giảm này bao gồm việc Hàn Quốc tụt hạng từ vị trí 47 xuống vị trí 62 trong bảng xếp hạng tự do báo chí toàn cầu do Tổ chức Phóng viên không biên giới công bố.
Ông Yoon đã phản ứng lại những lời chỉ trích bằng cách tuyên bố chúng là tin giả, thậm chí còn sử dụng ngôn ngữ gay gắt, tuyên bố các thế lực "ủng hộ Triều Tiên" hoặc "chống nhà nước" đứng sau những lời chỉ trích ông.
Về mặt chính trị nội bộ, tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon đã thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm nay, chỉ giành được một phần nhỏ ghế tại Quốc hội. Thậm chí, ngay trong nội bộ đảng, ông Yoon cũng bắt đầu mất lòng các đồng minh chính trị, điển hình như việc Han Dong-hoon - người bạn tâm giao trước đây và hiện là lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân đã kêu gọi ông hủy bỏ lệnh thiết quân luật.
Jenny Town, chuyên gia từ Trung tâm Stimson nhận định động, thái thiết quân luật là "tuyệt vọng và nguy hiểm" và có thể là "giọt nước tràn li" dẫn đến một tiến trình luận tội. Chuyên gia này cho rằng, Tổng thống Yoon đang không được ủng hộ, và sự kiện này có thể là khởi đầu cho hồi kết của nhiệm kì tổng thống.
Những xung đột xã hội cũng là điểm nóng. Tổng thống Yoon đã có những quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là trong các cuộc đối đầu với các nhóm chuyên nghiệp như công đoàn và giới y tế. Kế hoạch tăng 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm và yêu cầu các bác sĩ đình công quay lại làm việc đã tạo ra những bất đồng sâu sắc.
Về mặt quốc tế, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, động thái thiết quân luật sẽ gây phức tạp cho các cuộc thảo luận ngoại giao của Hàn Quốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm kiếm vị thế trên trường quốc tế, nhất là trước thềm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 tới, người đã bất đồng quan điểm với người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon về thương mại và chi trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Như vậy, sự kiện thiết quân luật không chỉ là một sự cố chính trị đơn thuần, mà còn là một dấu hiệu cho thấy những thách thức sâu sắc trong nền dân chủ Hàn Quốc. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon đang ở trong giai đoạn vô cùng mong manh, với nguy cơ mất uy tín và sự ủng hộ từ cả trong nước và quốc tế…