Kinh tế toàn cầu trụ vững trong “bão” địa chính trị
Quốc tế 17/12/2024 16:26
Có thể thấy kinh tế thế giới 2024 đã hứng chịu không ít rủi ro do các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài ở Ukraine, Trung Đông...; bất ổn chính trị ở hàng loạt nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Hàn Quốc...; phe cánh hữu và dân túy trỗi dậy sau các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu và một số nước ở "Lục địa già"; sự trở lại của tỉ phú Donald Trump và chính sách "Nước Mỹ trước tiên" sau vòng đua giành ghế chủ nhân Nhà Trắng ở Mỹ, kéo theo nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại mới... Đó còn là xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế cũng như hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những diễn biến này đặt ra thách thức mới cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới.
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. |
Báo cáo thường kì tháng 12 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt tốc độ 3,1%, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Theo báo cáo này, tỉ lệ lạm phát tiếp tục duy trì đà sụt giảm, xuống còn 4,6% và sẽ về mức 3,5% vào năm 2025. Ngoài Mỹ, cuộc chiến chống lạm phát đã không còn quá “nóng” tại một nửa các nền kinh tế phát triển và gần 60% các nền kinh tế thị trường mới nổi. Theo giới phân tích, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, nguồn cung hàng hóa khả quan hơn so với giai đoạn hậu đại dịch và giá năng lượng thấp hơn đang giúp nhiều nước thành công trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Thị trường lao động dù chưa chứng kiến các làn sóng tuyển dụng lớn, song tỉ lệ thất nghiệp ở ngưỡng chấp nhận được. Năm 2024, nguồn cung lao động tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi cải thiện đáng kể, dù tình trạng thiếu hụt vẫn ảnh hưởng đến nhiều khu vực của nền kinh tế, đặc biệt là y tế, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.
Kinh tế thế giới năm 2024 cũng chứng kiến triển vọng tăng trưởng khá chênh lệch giữa các khu vực và các nền kinh tế. Tăng trưởng GDP của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, dự báo đạt 2,8%. Tại Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), dự báo đạt 1,3% năm nay và 1,5% năm 2025. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại và chỉ đạt 4,7% trong năm nay. Bù lại, nền kinh tế Ấn Độ lại có được đà tăng trưởng mạnh mẽ (ước đạt 5,4% - 5,8%), cùng với đó là các khu vực như Mỹ Latinh và Bắc Phi.
Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á công bố trung tuần tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á năm nay lên 4,7%, từ dự báo trước đó là 4,5%, nhờ xuất khẩu hàng chế tạo và chi tiêu đầu tư công mạnh hơn. ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 là 6,4%, cao hơn mức 6,0% trước đó…
Một điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2024 là hoạt động giao dịch thương mại quốc tế hồi sinh mạnh mẽ. Theo dự báo của Bloomberg, thương mại toàn cầu sẽ cán mốc kỉ lục 33.000 tỉ USD trong năm 2024, tăng 1.000 tỉ USD (tương đương 4,3%) so với năm trước và là mức cao nhất mọi thời đại. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu hơn 3% chủ yếu nhờ khối lượng giao dịch thương mại tăng tới hơn 7%...
Về tổng thể, kinh tế thế giới năm 2024 đã thể hiện khả năng phục hồi ấn tượng và cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan về ngắn hạn. Môi trường thương mại toàn cầu có thể sẽ còn biến động, thậm chí là nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhận nhiệm sở tháng 1 tới, cùng với đó là các rủi ro từ căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, lạm phát hạ nhiệt và dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ mang lại cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển. Đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, kết hợp với cải cách chính sách để thúc đẩy đổi mới và bền vững, có thể giúp các nền kinh tế giảm thiểu rủi ro và bảo đảmtăng trưởng bền vững trong một thế giới dự báo nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2025…