Sự dịch chuyển bền vững
Quốc tế 23/12/2024 10:49
Năm 2024 có thể là xem là thời điểm thế giới tăng tốc dịch chuyển, khi công nghệ phát triển nhanh chóng, góp phần làm giảm chi phí nhưng cũng đồng thời khiến nhu cầu điện năng tăng vọt, mở ra cơ hội khai thác những nguồn năng lượng mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỉ nguyên bền vững.
Năm 2024, bức tranh năng lượng tái tạo thế giới tiếp tục ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Phân tích của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho thấy, thế giới đang trên đà đạt 593 GW công suất lắp đặt năng lượng Mặt trời vào cuối năm nay. Con số này cao hơn 29% so với năm ngoái, duy trì đà tăng trưởng mạnh ngay cả sau mức tăng kỉ lục 87% vào năm 2023.
Xe điện Taycan được sản xuất tại nhà máy của hãng ô tô Porsche ở Stuttgart, Đức. |
Ngoài năng lượng tái tạo, điện hạt nhân cũng nổi lên là lựa chọn tối ưu tại nhiều quốc gia với ưu điểm ít phát thải carbon và khả năng cung ứng liên tục. Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức 416 triệu kW. Đặc biệt, sự ra đời của công nghệ điện toán đám mây, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm tăng mức tiêu thụ năng lượng của các công ty lớn trong lĩnh vực này. Để có đủ nguồn điện, các "ông lớn" cũng đã gia nhập cuộc đua khi Microsoft, Amazon, Google công bố đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai ở Mỹ.
Nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan), 25 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không có biện pháp kiểm soát khí thải. Chính phủ Anh mới đây tuyên bố sẽ sớm ban hành luật mới nhằm hạn chế việc cấp phép cho các mỏ than mới trong tương lai. Trước đó, Ratcliffe-on-Soar - nhà máy điện than cuối cùng của nước này, đã đóng cửa vào tháng 10 vừa qua, khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành luật, yêu cầu từ năm 2035, tất cả ô tô và xe tải mới được bán ở châu Âu phải là xe không phát thải. Để thích ứng với chính sách giảm phát thải khắt khe, tranh thủ trợ cấp của chính phủ, các hãng ô tô đã đẩy mạnh phát triển xe điện nhằm tận dụng ưu đãi, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khiến cuộc đua trong lĩnh vực này nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với một số rào cản nhất định…
Trong lĩnh vực xe điện, hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng kịp với quy mô phát triển khiến một số hãng đã quyết định hoãn tiến độ ra mắt sản phẩm. Trong bối cảnh đó, xe hybrid (sử dụng cả động cơ đốt trong và sạc điện) đã nổi lên như một giải pháp chuyển tiếp cho việc sử dụng xe EV, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa giúp doanh nghiệp duy trì thị phần.
Mặc dù khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi nơi, mọi lĩnh vực, song quá trình chuyển đổi đang diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia, khi những nước thu nhập thấp phải ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu khẩn cấp hơn. Trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách, tại hội nghị COP29, gần 200 quốc gia nhất trí với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỉ USD lên 300 tỉ USD mỗi năm đến năm 2035, để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Thỏa thuận cũng đặt ra mục tiêu huy động tổng cộng 1.300 tỉ USD mỗi năm từ cả nguồn công và tư cho các quốc gia đang phát triển.
Như vậy, ngoài các chính sách ưu đãi, trợ cấp khuyến khích đầu tư vào công nghệ khai thác năng lượng sạch, phát triển xe điện, việc bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh, cân đối giữa bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa các nước, sự tham gia của khu vực công và tư nhân để quá trình chuyển đổi diễn ra thành công, phân bổ đồng đều đầu tư cho những nơi cần nhất để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây sẽ là nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững…