Trẻ bị ngộ độc thực phẩm bố mẹ nên và không nên làm gì?
Sống khỏe 09/09/2019 14:08
Ảnh minh họa |
Biểu hiện của bé khi bị ngộ độc thực phẩm
Biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Người bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
Những điều bố mẹ nên làm khi con bị ngộ độc thực phẩm
Thứ nhất, gây nôn và chú ý tình trạng nôn của bé: Khi trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Cần lưu ý, những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi trẻ nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn một giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau bốn giờ mà trẻ không nôn ói nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn.
Thứ hai là bù nước, điện giải bằng oresol: Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Nhiều trường hợp thấy con đi ngoài quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha cốc oresol 200ml bắt con uống bằng hết khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp nổi tình trạng thiếu nước.
Cũng có những trẻ kiên quyết mím chặt miệng không chịu uống oresol mà “yêu sách” bằng các loại nước khác như cô ca, nước có gas… cha mẹ tuyệt đối không được thỏa hiệp với trẻ. Bởi uống những loại nước này vào tình trạng đi ngoài sẽ càng trầm trọng hơn. Ngay cả nước lọc cũng không phải là lựa chọn tốt bởi chỉ giúp bé cảm thấy đỡ khát nhưng không có tác dụng bù điện giải.
Thứ 3 là cho trẻ ăn thức ăn mềm: Tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Trẻ lớn cho ăn cháo, cơm, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Trẻ đang còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tăng lượng sữa so với trước khi trẻ ốm. Thông thường trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ
Thứ 4 là theo dõi nhiệt độ cho bé: Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu.
Thứ 5 là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế: Khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì ngay lúc này bố mẹ phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
Ảnh minh họa |
Những điều không nên làm khi bé bị ngộ độc thực phẩm
Thứ nhất là kiêng những thức ăn không phù hợp: Khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thức ăn cũng nên lưu ý đến một số thực phẩm cần tránh để không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của trẻ như: Các loại thực phẩm khó tiêu hóa như đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, các loại rau củ quả chưa được nấu chín, … Bơ, sữa cũng là thực phẩm cần tránh trong giai đoạn này, bởi cơ thể đang duy trì trạng thái chống lại các độc tố nên sẽ khó dung nạp được lactose, dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu. Những thức uống lợi tiểu như nước ngọt có ga không tốt cho quá trình phục hồi của trẻ. Vì những loại thức uống này kích thích sự bài tiết nước tiểu, từ đó dẫn đến tình trạng mất nước càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các loại nước ngọt có ga cũng chứa một lượng đường đáng kể, không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Thứ hai là không dùng thuốc cầm tiêu chảy: Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn này được tống hết ra ngoài là bệnh sẽ khỏi. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu.
Thứ ba là không cho bé hoạt động mạnh: Nên để bé nghỉ ngơi thật nhiều, bởi cơ thể trẻ còn rất yếu. Những hoạt động mạnh có thể sẽ làm bé thêm mệt mỏi. Hơn nữa, nguy cơ gặp phải những chấn thương không mong muốn cũng rất cao.