Tỉnh Thái Bình: Hàng trăm người khiếu tố vì bị cắt trợ cấp nhiễm chất độc da cam
Pháp luật - Bạn đọc 12/04/2021 16:39
Tạp chí Người cao tuổi, Ngày mới online nhận được đơn cầu cứu của hàng trăm cựu chiến binh, bệnh binh, người có công tại tỉnh Thái Bình về việc bản thân họ bị nhiễm chất độc màu da cam đã có sự công nhận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên đến 1/2021, họ bị cắt hết chế độ, một số cán bộ “hạnh họe” gây khó dễ, bởi tự “đẻ ra” các quy định "con" khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí, theo các cựu chiến binh, có người có công vì quá bức xúc đã tự tử. Đây là sự việc rất đau lòng đã có báo cáo lên cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình.
Ông Nguyễn Văn Chiến (ngồi giữa, hàng đầu) cùng nhiều thương binh bức xúc về việc bị cắt chế độ da cam khiến đời sống của ông gặp nhiều khó khăn, hiện nay ông Chiến không còn được hưởng đồng lương trợ cấp nào |
Ông Nguyễn Văn Chiến, 72 tuổi, trú tại Định Cư Đông, xã Đông Trù, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết: Ông nhập ngũ đầu năm 1968, thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất tại Việt Nam. Ông chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Đến cuối năm 1975, ông xuất ngũ trở về quê hương. Tháng 8/1978, ông tái ngũ chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc cho đến tháng 2/1981 thì xuất ngũ.
Một số người có công tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương tuổi đã cao nhưng bị cắt chế độ chất độc da cam khiến đời sống của họ vô cùng gian khổ trong khi có người bệnh đã trở nặng |
Tháng 4/2008, ông Chiến được trợ cấp nạn nhân chất độc màu da cam (504.000 đồng/tháng). Đến tháng 1/2021, ông bị cắt chế độ vì bị cho rằng con cái không chứng minh rõ bị nhiễm chất độc da cam. Chính điều này khiến ông Chiến vô cùng bức xúc, vì bản thân ông bị nhiễm chất độc da cam đã có hàng loạt các cơ quan chức năng đóng dấu chứng nhận.
"Không hiểu sao giờ lại có quy định đòi đào mộ con cái đã chết để xét nghiệm đúng là bị nhiễm chất độc da cam thì bố mới được hưởng tiếp chế độ", ông Chiến bức xúc.
Theo ông Chiến, đó là sự vô lý, “vẽ luật”, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người đã cống hiến cho đất nước. Trong khi gia đình ông Chiến hiện vẫn có con cái bị tật, thậm chí đời cháu ông Chiến cũng bị tật nguyền.
Một số người có công tại xã Đông Qúy, huyện Tiền Hải bức xúc về việc bị cắt chế độ chất độc màu da cam dù hơ sơ đầy đủ, thậm chí có dấu xác nhận của xã về việc con bị chết đúng theo hướng dẫn nhưng vẫn tiếp tục bị cho rằng không phù hợp |
Bà Trương Thị Hạt, 67 tuổi, trú tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho biết: Bà đi bộ đội từ 8/1973 đến tháng 4/1977, công tác tại Đoàn vận tải Quang Trung. Bà được công nhận là nạn nhân chất độc da cam và hưởng trợ cấp theo quy định. Bà Hạt sinh được hai người con thì một con bị khuyết tật, dị dạng đã chết; còn một con còn sống nhưng bị khuyết tật nặng nằm tại nhà. Hiện nay, gia cảnh bà Hạt vô cùng khó khăn khi chồng bà đã chết, chỉ còn một con bị khuyết tật, bị bệnh nặng nhưng vẫn bị cắt chế độ. Việc sinh sống của bà bình thường hưởng trợ cấp đã không đủ tiền thuốc thang bệnh tật cho con. Đến nay, do bị cắt hết chế độ nên cuộc sống của bà càng gian nan. Bà phải mưu sinh bằng việc đi mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày.
Bà Trương Thị Hạt, 67 tuổi tại huyện Kiến Xương, chồng đã chết, có 2 con thì một con dị dạng đã chết, còn một con dị dạng chỉ nằm tại nhà đau khổ vì bị cắt chế độ da cam, hiện nay bà Hạt chỉ đi mò cua, bắt ốc nuôi con chứ không còn tiền chữa bệnh cho con. |
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có gần 2.000 trường hợp bị cắt chế độ chất độc da cam, trong đó huyện Tiền Hải có 326 trường hợp. Việc cắt chế độ theo quy định của cấp Sở và Bộ, còn Phòng là cấp dưới chỉ thực hiện theo chỉ đạo. Trả lời về những vô lý về việc đã chứng nhận những người có công là nhiễm chất độc da cam, hồ sơ của họ rõ ràng nhưng lại "đánh" lẫn vào hồ sơ con cái. Thậm chí, việc yêu cầu phải cung cấp các xét nghiệm những người con đã chết, ông Lý cho rằng, chính việc mâu thuẫn đó nên nhiều người có công đang ý kiến và các cấp cũng đang giải quyết. Đối với các ý kiến về khiếu tố cán bộ cố tình gây "khó dễ", làm sai lệch hồ sơ, tự ý "vẽ" quy định để hành người có công, ông Lý khẳng định, cán bộ phòng ông thực hiện đúng quy định, không có việc trục lợi. Những trường hợp tố bị cấp sai, ông Lý cho rằng, việc đó do Sở vì Phòng không có quyền hạn chứng nhận.
Ông Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải trao đổi về vụ việc |
Hiện nhiều người có công tại tỉnh Thái Bình rất bức xúc về vụ việc trên. Một số người cho rằng, cán bộ đang thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau và trước những cống hiến của thế hệ cha anh. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhanh chóng xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người có công, để họ ổn định cuộc sống.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!