Nghị lực vượt khó của cựu chiến binh hai lần nhập ngũ, bị nhiễm chất độc da cam
Nhân Ái 06/08/2024 14:21
Theo báo cáo của UBND xã Tiền An, hiện có 27 CCB bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, đang được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng. Trong đó có 2 người suy giảm khả năng lao động từ 21- 40%, 17 người suy giảm khả năng lao động từ 41-60%, 8 người suy giảm khả năng lao động từ 61-80%. Theo kết quả giám định, CCB Trần Văn Lý suy giảm 70% sức khỏe, nhưng ít ai biết rằng người CCC ấy trong những năm tháng tuổi thanh xuân của mình đã hai lần khoác ba lô lên đường nhập ngũ giải phóng miền Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc, phục viên về địa phương, tuy tuổi cao sức yếu vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
CCB Trần Văn Lý, xóm Chùa xã Tiền An, thị xã Quảng Yên. |
Ông Trần Văn Lý, sinh năm 1953, ở thôn Chùa xã Tiền An, nhập ngũ 8/1973. Sau hai tháng huấn luyện tân binh tại xã Bình Dương, huyện Đông Triều, nay là phường Bình Dương, thị xã Đông Triều. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sỹ mới, tháng 10/1973, ông cùng các động đội được điều động vào mặt trận miền Nam, thuộc Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 99, Đoàn 559. Địa bàn hoạt động của đơn vị huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Ông Lý chia sẻ; ông vào Nam khi Hiệp định Pa Ri ký kết được gần một năm, nhiệm vụ của đơn vị ông bấy giờ là phá cầu ngăn quân địch đánh ra vùng giải phóng, đồng thời cũng tiến hành lắp cầu phao, mở đường cho các phương tiện vận tải chở đạn dược, vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và phía Nam.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đơn vị ông hành quân cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đến cửa ngõ Sài Gòn, theo mệnh lệnh của cấp trên, đơn vị ông hạ trại tại thành phố Biên Hòa, tháng 10/1975 hành quân trở ra TP Đà Nẵng và đến đầu năm 1978 ông Trần Văn Lý nhận quyết định phục viên về địa phương.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, theo lời hiệu triệu Tổng động viên của Chủ tịch nước, tháng 3/1979, ông Trần Văn Lý tái ngũ, được tăng cường lên Ban chỉ huy quân sự huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Do sức khỏe yếu nên cuối năm 1980, ông Lý được giải ngũ về địa phương. Hăng hái tham gia các phong trào của địa phương, nhưng đường con cái ông lại lận đận. Ông kể: Vợ chồng ông có 4 người con, 1 gái 3 trai, nay các con ông đều đã xây dựng gia đình riêng, nhưng không được trọn vẹn, để đến bây giờ ở tuổi ngoài 70, kinh tế không dư giả gì, vẫn ở trong ngôi nhà ba gian cấp 4 xây dựng từ những thập niên tám mươi thế kỷ trước nhưng ông bà vẫn phải chung lo cho vợ chồng người con trai lớn Trần Mạnh Cường, sinh năm 1981 đang ở cùng ông bà. Theo kết quả giám định y khoa, cháu Cường bị di chứng chất độc màu da cam từ ông, sức khỏe và trí tuệ không được bình thường, anh Cường đã lấy vợ và sinh được một người con gái là cháu Trần Thị Tâm, nay cháu Tâm đã 8 tuổi học lớp 2. Nhưng một nỗi buồn chiến tranh cứ dai dẳng đeo bám gia đình ông bởi cháu Tâm bị thiểu năng trí tuệ, nhớ nhớ, quên quên, đi học cho vui cùng bạn bè trang lứa, nhiều lúc đang ngồi trong lớp học cháu chạy vù ra ngoài sân trường múa… nói đến đây mắt của người CCB già như có gì chạm vào, ngấn lệ.
Nặng nghĩ về số phận, ngoài việc việc nhà, việc đồng, lo cho cháu con, ông đã tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn bình yên nơi thôn xóm, bởi ông nghĩ có như thế mới vơi đi nỗi đau của số phận, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư tiên tiến.
Nhận xét về CCB Trần Văn Lý, ông Tô Duy Tòng, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tiền An cho biết; Ông Trần Văn Lý, mặc dù tuổi cao, sức khỏe bị ảnh hưởng do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng ông rất tích cực và trách nhiệm với các phong trào của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh trật tự.
Chiến tranh đã lùi xa, chỉ còn chưa đầy một năm nữa, đất nước ta sẽ long trọng tổ chức kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 (1975 -2025), nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh vẫn còn “bám vào” những người lính và gia đình có một thời xung trận. Vượt lên nỗi đau, tham gia tích cực vào công tác an ninh trật tự ở thôn, xóm và địa phương của CCB Trần Văn Lý, hội viên Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Quảng Ninh là đáng trân trọng.