Tỉnh Quảng Bình: Covid-19 hoành hành, người cao tuổi vẫn kiên cường giữ nghề truyền thống
Xã hội 09/11/2021 18:22
Những NCT trăn trở với nghề
Xã Quảng Văn được biết đến với những ngành nghề truyền thống, như: Mộc, đan lát, đóng tàu..., có lịch sử hàng trăm năm và nổi tiếng nhất là nón lá được các bậc tiền nhân mang theo khi đến khai khẩn vùng đất này.
Nghề mây đan ở xã Quảng Văn hình thành sau nhưng cũng là một "cứu cánh" của người dân hàng chục năm nay. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề mây đan được truyền bá từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỉ trước. Lúc đó, cụ Trần Mại, một cán bộ tiền khởi được tổ chức cử đi học nghề ở làng Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình về truyền dạy. Người dân trong làng vốn có nghề nón lá truyền thống nên dễ dàng tiếp cận được với mây đan.
Hiện nay, xã Quảng Văn có khoảng 400 hộ dân theo nghề mây đan, trong đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ mây tre đan, nón lá Quảng Văn (gọi tắt là HTX mây tre đan Quảng Văn) chiếm hơn 60% thị phần và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 200 hộ dân. Mỗi ngày, HTX đều rộn ràng tiếng người ra vào nhận mây hoặc giao hàng.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc HTX mây tre đan Quảng Văn |
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc HTX mây tre đan Quảng Văn cho biết: “Những năm 90 của thế kỉ trước, tôi vào miền Nam làm việc cho các Công ty mây tre đan mĩ nghệ xuất khẩu. Sau đó, một Công ty ở Đồng Nai mời về làm cán bộ kĩ thuật, dạy nghề cho công nhân và hứa mua đất, xây nhà để giữ chân, nhưng tôi từ chối và về quê hương lập nghiệp”. Những năm đầu, ông chủ yếu sản xuất tại gia và thu gom của người dân trong làng để bán lại cho các đối tác nội tỉnh và mở rộng dần thị trường... Sau khi HTX được thành lập, việc xuất khẩu ổn định trong nhiều năm, đem lại thu nhập tốt cho người dân trong xã.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả nước, nghề mây tre đan của xã cũng bị ảnh hưởng. Việc giãn cách xã hội khiến cho giao thông bị đình trệ, nguồn cung nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy. Xã viên HTX không thể tập trung sản xuất, sản phẩm làm ra không xuất đi được, công việc khó khăn, thu nhập của người làm nghề sụt giảm nghiêm trọng... Do đó, một số hộ đã bỏ nghề để tính làm việc khác.
NCT giữ nghề trong cơn bão dịch
Trước thực trạng này, Giám đốc Trần Văn Hiếu và những NCT trong HTX phải tính toán, tìm mọi phương án để duy trì sản xuất và cũng để giữ nghề.
Trong cái khó, ló cái khôn, ngoài việc tìm cách bảo đảm nguyên liệu sản xuất, HTX tổ chức lại cách sản xuất, thay vì đến làm việc tập trung như trước, nay giao nguyên liệu và khoán các mặt hàng đến từng xã viên, hộ gia đình để làm tại nhà. Cách làm này vừa hiệu quả, lại phòng tránh dịch Covid19, đặc biệt tận dụng được các đối tượng từ NCT đến trẻ em trong tham gia các công đoạn làm ra sản phẩm.
Nghề mây đan ở ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình |
Bà Trần Thị Lâm, ở thôn La Hà Tây, chia sẻ: “Mấy tháng nay, đại dịch Covid-19 bùng phát, cả gia đình tôi từ già đến trẻ ở nhà đan mây làm bàn ghế, trang trí nội thất theo đơn hàng của HTX. Khi hết các nguyên liệu chỉ việc gọi điện thoại cho ông Hiếu, sau đó có người mang đến tận nhà. Sau khi đan thành phẩm, chúng tôi sẽ nhập lại cho HTX, ông Trần Văn Hiếu là người thẩm định cuối cùng”.
Dịch Covid-19 hoành hành, nhiều HTX phải sản xuất cầm chừng nhưng nhiều NCT ở HTX vẫn luôn tìm cách thích ứng để sản xuất, nhằm tìm được chỗ đứng cho nghề mây đan của xã trong nền kinh tế thị trường. NCT gương mẫu và nhắc nhở con cháu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và khuyến cáo 5K tại gia đinh, nơi sản xuất, khi giao nhận hàng hóa. Vì thế, HTX mây tre đan Quảng Văn vẫn nhận đơn hàng đều đặn do sản phẩm bền, đẹp. Đến nay, hàng của HTX xuất chủ yếu cho các Công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mĩ nghệ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Giám đốc HTX Trần Văn Hiếu khẳng định: “Nghề mây đan sẽ còn tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới và nếu đi đúng hướng, mây đan Quảng Văn không những có thị trường trong nước mà trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài”
“Tre già, măng mọc”, lớp NCT ở làng nghề luôn nghĩ tới việc truyền nghề cho các thế hệ kế tiếp. Sắp tới, ông sẽ chuyển giao dần công việc của HTX cho người cháu trai (gọi ông bằng bác) để làm quen và tiếp quản trong tương lai. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của ông là phát triển kinh doanh nhưng phải giữ tính kết nối cộng đồng, tạo an sinh xã hội cho người dân địa phương, giữ vững những giá trị của một làng nghề truyền thống.
Còn ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho hay, Tết Nguyên đán hằng năm, chính quyền và các đoàn thể, nhất là Hội NCT, Hội Phụ nữ xã Quảng Văn đều tổ chức hội thi tay nghề khéo để góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống làng nghề mây đan, nón lá truyền thống.