Bánh mứt Tết vào mùa
Văn hóa - Thể thao 08/01/2025 10:43
Vào mùa bánh mứt
Tại TP Đà Nẵng, nhiều cơ sở bánh mứt truyền thống như bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, quận Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan, bánh dừa nướng Mỹ Phương… không khí làm việc đã trở nên tất bật từ nhiều tuần trước. Dịp Tết, lượng đơn đặt hàng tăng vọt, cơ sở phải thuê thêm nhân công, đồng thời tăng ca sản xuất để kịp tiến độ giao hàng.
Ông Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết: “Năm nay, số lượng đơn hàng Tết đến sớm hơn mọi năm và số lượng cũng lớn hơn. Khoảng một tháng trước, chúng tôi đã nhận được các đơn hàng và bắt đầu sản xuất để kịp giao hàng cho khách. Hiện tại, lượng đơn hàng đang ở giai đoạn cao điểm. Để bảo đảm tiến độ, chúng tôi đã phải động viên nhân công làm việc tăng ca. Dự kiến, dịp Tết năm nay cơ sở sẽ sản xuất từ 300 đến 500 nghìn gói bánh, tăng khoảng 30% so với cùng kì năm ngoái và gấp đôi so với ngày thường”.
Các làng nghề truyền thống làm mứt gừng ở Kim Long (TP Huế), làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị), Tại Quảng Ngãi có nhiều nơi sản xuất mứt gừng truyền thống, nhưng tập trung nhiều ở xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi). Được xem là thủ phủ mứt gừng của tỉnh Thừa Thiên Huế, cứ đến tháng Chạp, làng Kim Long lại đỏ lửa để cho ra những mẻ mứt phục vụ Tết. Ông Trương Đình Thử, người làm nghề mứt gừng truyền thống cho biết, thông thường từ đầu tháng Chạp, các lò mứt gừng trong vùng đã đỏ lửa để tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường cả nước, chủ yếu ở Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng,...
Còn tại những cơ sở sản xuất mứt gừng lớn nhất ở Mỹ Chánh, thời gian cao điểm phục vụ cho vụ Tết Nguyên đán, mỗi ngày phải có khoảng 50 người làm mới kịp sản xuất đủ các đơn đặt hàng từ Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Làng mứt gừng như Mỹ Chánh mỗi mùa Tết sản lượng ước đạt từ 60-70 tấn mứt được bán ra khắp các thị trường trong và ngoài nước. Cùng với mứt, nhiều loại bánh kẹo truyền thống của miền Trung như bánh nổ, mì xốp, bánh thuẫn, bánh tổ... cũng được người dân làm để bán trong mùa Tết. Để làm ra những sản phẩm bánh mứt Tết thơm ngon, đạt chất lượng, tất cả công đoạn phải thực hiện thủ công, người làm cần tỉ mỉ, khéo léo. Dù hiện nay một số công đoạn sản xuất các loại bánh kẹo truyền thống dịp Tết đã có máy móc thay cho sức lao động của người lao động, nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề.
Mở hướng đi mới cho sản phẩm truyền thống
Tết Nguyên đán 2025 đang cận kề, cả nước lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa lễ hội quan trọng trong năm. Để phát triển các làng nghề truyền thống, các địa phương đã có đề án về phát triển các ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp trên địa bàn. Nhiều địa phương đã có các chủ trương khuyến khích cũng như những chính sách hỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất đăng kí các nhãn hiệu, thương hiệu tham gia các hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương vận động các hộ bán hàng theo công nghệ hiện đại 4.0 trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, webside... nhiều sản phẩm bánh mứt cũng đã đạt những tiêu chuẩn và trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương mứt gừng Kim Long, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, bánh tráng Túy Loan, bánh dừa nướng Mỹ Phương, Mè Xửng,...
Hiện bên cạnh nhiều loại bánh, mứt của các công ty trong và ngoài nước với mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú, sản phẩm bánh, mứt truyền thống vẫn được nhiều gia đình ưa chuộng, sử dụng trong dịp Tết. Nhờ vậy giúp cho các sản phẩm bánh, mứt truyền thống đứng vững trên thị trường và cũng nhờ công tác quảng bá, hiện các sản phẩm đặc sản truyền thống của làng nghề đã được người dân, du khách biết đến, đặt mua trong các dịp lễ, Tết. Trong đợt sản xuất hàng hóa cuối năm này, sản lượng dự kiến của các mặt hàng truyền thống tăng từ 10 đến 15% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cũng chủ động tiếp cận với các kênh bán hàng hiện đại hơn như siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến để đưa sản phẩm của mình đi xa hơn. Nhờ đó nhiều cơ sở sản xuất và hợp tác xã đã nhận đơn hàng từ sớm, tăng cường quảng bá, đồng thời nỗ lực không ngừng để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã triển khai chương trình kích cầu mua sắm tạo điều kiện để người dân, du khách tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng với giá phù hợp đến hết tháng 1/2025. Trong dịp Tết, chương trình kích cầu được lồng ghép tại các hội chợ Xuân, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, du lịch... Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng.
Các cơ sở sản xuất sản phẩm bánh mứt Tết tại nhiều địa phương ở miền Trung đã và đang chủ động chú trọng phát triển cả hình thức lẫn chất lượng sản phẩm Tết theo thị hiếu người tiêu dùng, tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện nay, đa số các hộ sản xuất đều quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Nhiều hộ sản xuất đã chú ý đến đăng kí nhãn hiệu sản phẩm, bao bì ghi đầy đủ nhãn mác, thời gian sản xuất, hạn sử dụng... Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ làng nghề sản xuất tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Một mùa Xuân mới đang về, các làng nghề truyền thống đang “chạy đua” với thời gian để kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng. Những sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống không chỉ giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân các địa phương.