Thừa Thiên Huế lên kịch bản đón khách du lịch trở lại
Nhịp sống văn hóa 22/07/2021 11:17
Du khách tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa yêu cầu ngành Du lịch và các địa phương trong tỉnh phải soát xét lại một cách căn cơ, nắm rõ cụ thể tình hình hoạt động từng doanh nghiệp, cơ sở để chuẩn bị phương án kích hoạt lại các hoạt động du lịch, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp, chủ các cơ sở kinh doanh trong việc vừa khai thác du lịch trở lại, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, giải pháp quan trọng của Thừa Thiên Huế vẫn sẽ tập trung để thu hút khách nội tỉnh. Hiện nhiều điểm đến đã bắt đầu hoạt động, sau khi có văn bản cho phép của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh, và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đang có những hỗ trợ quảng bá kịp thời cho các điểm đến để sớm thu hút được khách.
Hiện nay, có 4 sản phẩm mà Thừa Thiên Huế đang quảng bá và tập trung phát triển: nhóm sản văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch dịch vụ. Huế đã có 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế ; Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam ; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế “Một điểm đến, năm di sản”. Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã có nhiều ứng dụng các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, giúp du khách trải nghiệm được du lịch bằng thực tế ảo ấn tượng, hấp dẫn. Nổi bật trong số ứng dụng đó có thể kể đến chương trình "Đi tìm hoàng cung đã mất" tại Đại Nội. Bằng công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian Hoàng cung Huế xưa với những công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ hàng trăm năm trước. Ngoài ra, còn có hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể sử dụng mã QR code của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Thừa Thiên Huế du lịch biển kết hợp với nghỉ dưỡng vẫn là sản phẩm đáp ứng được đối tượng khách. Ngoài dòng khách nghỉ dưỡng biển, ở Huế vẫn có thể thu hút khách đến Huế sử dụng các sản phẩm khác kết hợp với biển, như tham quan di sản, hay biển kết hợp với đầm phá. Mới đây, ở biển Thuận An hình thành thêm hệ thống trò chơi liên hoàn dưới nước, như đi mô tô nước, chèo thuyền kayak, lướt ván đứng... Nếu kết hợp tốt, khách tham quan di sản, lưu trú ở Huế và kết hợp với giải trí biển bằng các trò chơi này là tour có thể sớm đưa vào khai thác.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế góp ý, Huế cần hình thành những tuyến xe miễn phí, đón khách ở các khách sạn để đưa khách về biển tắm, nghỉ ngơi, ăn hải sản. Đến khung giờ cố định xe lại chở khách lên lại thành phố. Nếu một khách sạn khó triển khai, nhiều khách sạn có thể liên kết lại để giảm chi phí xe vận chuyển. Dịch vụ này nên sớm thông tin rông rãi để du khách biết.
Dù chưa xác định thời điểm Huế có thể đón khách quốc tế trở lại, song ngành du lịch Cố đô cũng đã kết nối trước với các thị trường quốc tế, sẵn sàng đưa khách đến cho nhau khi được phép, nhất là ở các thị trường gần, có khả năng phục hồi sớm nhất. Trong tháng 5 vừa qua, gần 100 doanh nghiệp du lịch 4 địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và gần 100 đơn vị lữ hành đến từ 3 nước Thái Lan, Malaysia, Singapore tham gia vào một hội nghị được tổ chức trực tuyến. Đây là hội nghị kết nối trực tuyến lần đầu được tổ chức về du lịch của các doanh nghiệp có tính xuyên quốc gia và chưa có trong tiền lệ.
Thông tin từ ngành du lịch Huế, theo kế hoạch, sau hội nghị trực tuyến kết nối du lịch Đông Nam Á, dự kiến 4 địa phương tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với lữ hành 2 nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là những thị trường gần và nhiều tiềm năng có thể được nối lại sau khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi. Sau đó là mở rộng kết nối sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc.
Thừa Thiên Huế hiện nay với hơn 10.000 phòng của các cơ sở lưu trú và gần 90 đơn vị lữ hành trong toàn tỉnh, hầu hết các khách sạn đều đã có website và tích cực quảng bá trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số đơn vị đã thuê công ty tư vấn riêng để hoạch định chiến lược cũng như triển khai marketing trên mạng. Sở đang xây dựng trang website đa ngôn ngữ để phục vụ công tác quảng bá du lịch trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thông tin những “tính toán” của tỉnh để phục vụ phát triển, đặc biệt là du lịch, như xây dựng Huế trở thành kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài… “Trong mọi giải pháp phục hồi, kích cầu du lịch sắp đến, yếu tố an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước chuẩn bị tốt nhất các phương án đón và phục vụ du khách trở lại”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh. Ngoài quan tâm đến công tác an sinh xã hội: người nghèo, người cô đơn, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa an đảm bảo ổn định xã hội.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)