Triển khai hiệu quả các mô hình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội 27/11/2024 09:48
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo Phạm Minh Ngân cho biết: “Nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn quyết tâm thực hiện tốt các dự án của chương trình. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương”.
Các mô hình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer được triển khai hiệu quả. |
Đối với Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thị trấn đã hỗ trợ 9 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo (398 triệu đồng); hỗ trợ 12 hộ dân mua thùng chứa nước (14 triệu đồng); hỗ trợ nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS khóm Tân Đông (đoạn từ cầu Gò Cây Thị đến ranh khóm Trung Sơn và khóm Tân Đông) giai đoạn 1 (hơn 870 triệu đồng).
Đối với Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đã hỗ trợ sinh kế cho 10 hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình chăn nuôi bò (217 triệu đồng).
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; địa phương đã duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa tuyến đường vành đai núi Ba Thê (đoạn hồ nước Tân Đông đến Trường THPT Vọng Thê) 76 triệu đồng; duy tu, sửa chữa tuyến đường hẻm Danh Thanh 205 triệu đồng; nâng cấp tuyến đường Hậu Tân Đông trên 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, địa phương còn phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện vận động 429 học viên thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng bào DTTS tham gia 14 lớp đào tạo nghề, như: Kĩ thuật chăn nuôi bò, xây dựng dân dụng; kĩ thuật sửa chữa và phun thuốc bảo vệ thực vật, chế biến bong bóng cá, dệt thổ cẩm Khmer; kĩ thuật trồng hoa màu an toàn...
Dự án chăn nuôi bò thịt thoát nghèo bền vững trên địa bàn thị trấn Óc Eo đã được triển khai thực hiện hiệu quả, hỗ trợ 20 hộ dân là người Khmer nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thị trấn, tổng kinh phí 445 triệu đồng.
Song song với công tác đào tạo nghề, địa phương hỗ trợ sinh kế cho 38 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo trên 1,4 tỉ đồng. Cùng với đó, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo vận động 22 người dân (từ 15 - 60 tuổi) tham gia lớp xóa mù chữ tại khóm Tân Đông.
Qua lớp tập huấn kĩ thuật nuôi bò đã nuôi thành công bò thịt. |
Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, nhiều năm qua huyện đã ưu tiên nhiều cơ chế, nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS, trong đó có thị trấn Óc Eo. Nhờ vậy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hiện người lao động trên địa bàn huyện Thoại Sơn nói chung, thị trấn Óc Eo nói riêng đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; một số chương trình hỗ trợ khác của tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ tính riêng năm 2022 đến nay, kinh phí dạy nghề thuộc các tiểu dự án, nội dung thành phần về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, được phân bổ hơn 5,8 tỉ đồng. Trong đó, vùng đồng bào DTTS được phân bổ hơn 800 triệu đồng.
“Thời gian tới, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền chính sách dân tộc; nâng cao tính dân chủ, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển; đẩy mạnh phát triển kinh tế, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thường xuyên biểu dương, khen thưởng người có uy tín trong đồng bào DTTS có nhiều đóng góp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Ông Phạm Minh Ngân nhấn mạnh.