Thanh niên trẻ giữ gìn nghề thêu truyền thống
Phóng sự 22/01/2025 17:41
Anh Nguyễn Đắc Tồn, Giám đốc HTX Làng nghề thêu Đông Cứu đang trình bày họa tiết để chuẩn bị thêu |
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề, anh Tồn được ông nội, bố mẹ dạy thêu từ năm lên 8 tuổi. Năm 2019, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, có rất nhiều công việc với mức lương cao mời gọi, nhưng anh Tồn không lựa chọn. Anh mong muốn kế tiếp, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống ông cha để lại. Phát huy phẩm tốt đẹp của người lính, nói là làm anh bắt tay vào mở xưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong làng. Đến tháng 6/2024, anh thành lập HTX Làng nghề thêu Đông Cứu với 46 thành viên, trong đó hội viên NCT chiếm 60%. Hiện HTX chủ yếu thêu các sản phẩm như khăn chầu, áo ngự, phướn, lọng thờ cúng trong đền…
Chia sẻ về sự khác biệt giữa thêu truyền thống và sử dụng công nghệ máy móc, anh Tồn cho rằng ngày nay bên cạnh sự phát triển của sản phẩm thêu tay truyền thống thì cũng có nhiều loại thêu khác, trong đó thêu máy tràn lan trên thị trường. Vì vậy nhiều người không phân biệt được giữa thêu tay truyền thống và thêu bằng máy. Tuy nhiên, hai dòng sản phẩm này hoàn toàn khác nhau.
Người cao tuổi của HTX Làng nghề thêu Đông Cứu miệt mài với sản phẩm của mình |
Nếu hiểu một cách đơn giản thì thêu máy là dòng sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ máy thêu vi tính, con người chỉ đóng vai trò phụ trợ như điều khiển và cung cấp nguyên liệu. Sợi chỉ thêu máy khá to, thô, không có độ bóng khi lên vải, đôi khi mặt trái còn để lại vải lót, giấy lót. Do màu chỉ của sản phẩm thêu máy cũng không được đa dạng bằng thêu tay. Hơn nữa, thêu máy được lập trình sẵn nên khả năng điều phối màu sắc bị hạn chế, dẫn đến việc phối màu chỉ khi thêu khá đơn điệu, kém tự nhiên, những đường thêu dập khuôn, kém phần uyển chuyển và không tinh xảo như thêu tay.
Qua quan sát của phóng viên, các sản phẩm làm bằng thêu tay truyền thống của HTX Đông Cứu nói riêng, làng nghề Đông Cứu nói chung sau khi hoàn thiện treo lên nhìn sẽ rất sang trọng, nổi bật; thêu tay có rất nhiều chi tiết nhỏ và kích thước khác nhau để thể hiện được độ tinh xảo cần thiết. Để có được sản phẩm ưng ý là phải kể đến những đôi bàn tay khéo léo, giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ, tâm huyết của các nghệ nhân cao tuổi. Mỗi sản phẩm thêu tay truyền thống của HTX Đông Cứu đều mang phong cách và kĩ thuật thêu thùa khác nhau giữa mỗi vùng miền nên càng đa dạng và phong phú. Thêu tay tự hào đã góp phần tạo nên sắc màu mới cho dòng sản phẩm thêu truyền thống tại Việt Nam là món quà độc đáo và đậm đà tình nghĩa quê hương.
Nghề thêu truyền thống của HTX Đông Cứu mang lại cuộc sống ấm no cho người dân |
Dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Đắc Bẩy vẫn giành một sự đam mê vô cùng lớn đối với việc nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo và giữ gìn nghề thêu tay truyền thống. Ông Bẩy tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề từ thủa nhỏ, thu nhập tuy không cao so so với đi làm công ty, hay công việc khác nhưng đó là nghề truyền thống từ đời cha, ông để lại nên gia đình luôn trân trọng, phát triển nghề thêu…”
Được biết, Làng thêu Đông Cứu có lịch sử từ rất lâu đời. Theo thời gian ghi trên bản sắc phong, làng thêu có sớm nhất là dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1746). Làng thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kĩ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu. Trước đây làng chuyên thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều và là nơi duy nhất ở miền Bắc chuyên lĩnh vực này. Với những giá trị văn hóa đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Nghề thủ công truyền thống thôn Đông Cứu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Anh Nguyễn Đắc Tồn giới thiệu về sản phẩm thêu truyền thống |
Nói về kế hoạch thời gian tới, anh Tồn thông tin thêm: HTX sẽ mở các lớp dạy nghề thêu ren cho lớp trẻ, mời những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm có tay nghề cao đến truyền nghề. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa của các thế hệ trước để lại, giúp nghề truyền thống không bị mai một.