Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì dự án điện năng lượng (Bài 1)
Phóng sự 08/08/2020 08:14
Án binh bất động
Theo tìm hiểu, được biết, ngày 25/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 324/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời (gọi tắt là DA Kiên Thọ) tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) có địa chỉ số 19A/195, Trịnh Khả, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Theo Quyết định, DA Kiên Thọ được xây dựng trên khu đất rộng 150ha, với tổng vốn đầu tư 2.681 tỷ đồng, dự kiến công trình được khởi công trong quý I/2017, thời gian hoạt động của DA này kéo dài trong 50 năm.
DA Kiên Thọ được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có quy mô rộng 79 ha, với 172 hộ dân có đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng phải thu hồi. Kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn huy động hợp pháp của chủ đầu tư. Nhà máy điện năng lượng mặt trời được thiết kế với công suất 90MW, bao gồm nhà điều hành 3 tầng, nhà xưởng kết hợp kho, nhà nghỉ ca và nhà ăn cho công nhân, khu thể thao và các công trình kỹ thuật, phụ trợ khác.
|
Mục tiêu đầu tư của DA Kiên Thọ đặt ra, nhằm cung cấp điện năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tỉnh Thanh Hoá và cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, DA còn hướng tới việc bảo vệ môi trường,chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Dự án mở ra kỳ vọng lớn cho sự phát triển của huyện miền núi Ngọc Lặc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Theo kế hoạch, cuối năm 2019, giai đoạn một sẽ hoàn thành và đi vào vận hành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, DA Kiên Thọ vẫn chưa được triển khai bất kỳ hạng mục nào. Tới thời điểm này, DA Kiên Thọ mới chỉ dừng lại ở việc huyện Ngọc Lặc kiểm kê, lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi nhận thấy, không có một dấu hiệu nào chứng minh có một DA quy mô lớn sắp hình thành trên vùng đất này.
Hàng trăm hộ dân rơi vào khốn khó
Hiện chính quyền cũng như hàng trăm hộ dân các thôn Thọ Liên, Thành Công, Thành Sơn, xã Kiên Thọ bị ảnh hưởng bởi DA đang hết sức hoài nghi về tính khả thi của DA và lo lắng về bài toán an sinh. Vì đã ba năm trôi qua, việc kiểm kê cũng đã xong xuôi nhưng Công ty Hoàng Sơn chưa tiến hành đền bù. Mặt bằng thi công DA Kiên Thọ vẫn chỉ lànhững quả đồi trống để mặc cho cỏ dại mọc um tùm, trong khi nhân dân lại không có đất sản xuất, canh tác.
Ông Nguyễn Thái Sơn, hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi DA Kiên Thọ cho biết: Nhà ông nằm trong diện bị thu hồi 2,3ha đất sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù đồng nào. Hơn hai năm qua, trên diện tích đất này, ông không dám trồng cây gì vì sợ đầu tư lỡ chưa đến kỳ thu hoạch, dự án lại thực hiện thì mất trắng công sức, tiền của. Trong khi đó, các năm trước, với 2,3ha đất nói trên, mỗi năm cũng mang lại nguồn thu cho gia đình gần 200 triệu đồng từ việc trồng mía. Ông Sơn bức xúc: “Giờ đất giao cho DA, gia đình tôi với 5 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào 3 sào ruộng. Đất trồng lúa ở khu vực miền núi cho năng suất rất thấp nên không đủ ăn. Vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn, rất khó khăn”.
Dẫn chúng tôi đi thăm những quả đồi nằm trong vùng DA, ông Bùi Văn Viên, Trưởng thôn Thành Công (thôn bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Dự án) xót xa: Chỉ tính riêng thôn Thành Công đã có khoảng 100ha đất trồng keo, sắn, mía bị thu hồi; hơn 100 hộ có đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng, nhà nhiều nhất lên đến hơn 4ha. Ông Viên nói: “Giờ chúng tôi rất hoang mang, khó khăn nhưng cũng không biết kêu ai, rất nhiều hộ dân không còn đất sản xuất. Trong khi đó phải ngồi nhìn đất bỏ hoang, rất xót xa”.
Không chỉ mất đất sản xuất, nhiều hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch DA Kiên Thọ khi muốn xây dựng hay sửa sang nhà cửa đều không được. Ông Viên cho biết thêm: Thôn Thành Công có 8 ngôi nhà đã xuống cấp, họ muốn xây mới hoặc cơi nới, sửa sang nhưng vướng DA nên không thể thực hiện được. Đơn cử như nhà anh Nguyễn Thái Sơn có con trai chuẩn bị cưới vợ, giờ muốn làm nhà riêng cho con nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng. Gia đình anh Hà Văn Thân sinh sống trong ngôi nhà tranh rộng chưa đầy 50m2 nên muốn xây ngôi nhà kiên cố để phòng chống mưa bão, chính quyền cũng không thể cấp phép. Cơ cực hơn đó là hoàn cảnh của mẹ con chị Bùi Thị Hiếu hiện đang phải đi ở nhờ vì ngôi nhà tan hoang bởi trận mưa bão năm 2019...
Ông Quách Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ đang trao đổi với PV |
Trao đổi với PV, ông Quách Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ cho biết: Khi DA được tỉnh phê duyệt, cả xã rất phấn khởi vì nghĩ đến việc sẽ giải quyết công ăn việc làm cho bà con ở vùng miền núi nghèo này. Vậy nhưng hơn ba năm nay DA vẫn chưa được chủ đầu tư khởi động. Quả đồi vẫn nằm đó, đất bỏ hoang nhưng bà con không được sản xuất.
Ông Phong thẳng thắn: “Trong các cuộc họp dân hay tiếp xúc cử tri bà con hỏi về vấn đề này rất nhiều nhưng thực sự chúng tôi cũng không biết trả lời thế nào cả. Giờ DA có triển khai hay không thì Công ty Hoàng Sơn phải có câu trả lời cụ thể để chúng tôi trả lời nhân dân. DA về chưa thấy yếu tố tích cực ở đâu mà dân lại nghèo đi, thật rất khó chấp nhận”.
Còn nữa