Thảm cảnh ở Aleppo
Quốc tế 10/02/2023 11:15
Suốt nhiều năm qua, người dân Aleppo đã phải hứng chịu gánh nặng của các cuộc bắn phá và giao tranh khi thành phố của họ, từng là thành phố lớn nhất Syria, là một trong những vùng chiến sự ác liệt nhất của cuộc nội chiến. Nhưng ngay cả điều đó cũng không giúp họ chuẩn bị cho nỗi kinh hoàng mới do trận động đất vừa gây ra.
Thảm họa thiên nhiên chồng chất lên nhiều thảm họa do con người gây ra, đang nhân lên gấp bội sự đau khổ ở Aleppo và Syria trên diện rộng hơn.
Giao tranh phần lớn đã tạm dừng ở Aleppo vào năm 2016, nhưng chỉ một số ít trong số vô số tòa nhà bị hư hại và phá hủy được xây dựng lại. Dân cư nơi đây cũng phải vật lộn với suy thoái kinh tế của Syria, khiến giá lương thực tăng vọt và người dân rơi vào cảnh nghèo đói…
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát ở Aleppo, sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2/2023. |
Trận động đất mạnh 7,8 độ vào rạng sáng 6/2 có tâm cách đó khoảng 110km ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến người dân Aleppo giật mình tỉnh giấc và chạy ra đường dưới cơn mưa mùa Đông lạnh giá. Hàng chục tòa nhà trên khắp thành phố sụp đổ. Hàng trăm người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Ba ngày sau, các công nhân vẫn đang đào bới đống đổ nát, tìm kiếm những người chết và người sống sót. Trên khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria, hơn 12.000 người đã thiệt mạng.
Đối với nhiều người, trận động đất là cú sốc kinh hoàng mới - một cú sốc ngay cả sau những gì khủng khiếp họ từng phải chịu đựng trong chiến tranh. Đối với Aleppo, nội chiến là một cuộc vây hãm kéo dài và tàn bạo. Phải đến tháng 12/2016, cuộc nội chiến mới kết thúc với chiến thắng của quân chính phủ. Aleppo trở thành một biểu tượng cho thấy Tổng thống Bashar Assad đã thành công như thế nào trong việc giành lại hầu hết các lãnh thổ do phe đối lập nắm giữ xung quanh vùng trung tâm của Syria với sự hậu thuẫn của Nga, Iran. Phe đối lập chỉ còn nắm giữ một vùng đất nhỏ cuối cùng ở phía Tây Bắc, tập trung ở tỉnh Idlib và một phần của tỉnh Aleppo, nơi cũng bị tàn phá bởi trận động đất vừa qua.
Nhưng Aleppo không bao giờ hồi phục. Các công trình tái thiết chỉ được thực hiện bởi các cá nhân. Dân số hiện tại của thành phố hơn 4 triệu người, vẫn thấp hơn dân số trước năm 2011 là 4,5 triệu người. Và phần lớn khu vực phía Đông vẫn còn trong cảnh đống đổ nát và trống không.
Armenak Tokmajyan, thành viên của Quỹ Carnegie Trung Đông, người gốc Aleppo cho biết, thành phố này từng là trung tâm công nghiệp mạnh nhất của Syria. Aleppo chịu thiệt thòi về kinh tế, cơ sở hạ tầng, khí đốt, thiếu điện và thiếu cả dân số. Chiến tranh kết thúc, nhưng nơi này mọi thứ tồi tệ hơn, nhất là phải trải qua cú sốc về cả thể chất và tâm lí của trận động đất. “Điều đó khiến người dân tự hỏi, liệu họ có thực sự xứng đáng với số phận này hay không? Tôi nghĩ tổn thương là rất lớn và sẽ cần một thời gian nữa họ mới nuốt được viên thuốc đắng này sau hơn 10 năm chiến tranh”.
Rodin Allouch, một người gốc Aleppo từng đưa tin về chiến tranh cho một đài truyền hình Syria. “Tôi đã từng ở tuyến đầu, quay video, nhận tin sốt dẻo. Tôi chưa bao giờ sợ hãi. Tên lửa và đạn pháo rơi xuống và mọi thứ, nhưng tinh thần của tôi rất cao", anh nhớ lại. Nhưng với trận động đất thì khác. “Tôi không biết chính xác trận động đất đã gây ra những gì cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy mình sắp được về với Chúa. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy sợ hãi".
Farouk al-Abdullah chạy khỏi trang trại của mình ở phía Nam thành phố Aleppo hồi chiến tranh. Kể từ đó, anh sống với hai người vợ, 11 đứa con và người mẹ 70 tuổi ở Jenderis, một thị trấn do phe đối lập kiểm soát ở tỉnh Aleppo. Tòa nhà của họ ở đó sụp đổ hoàn toàn trong trận động đất, may mắn là cả gia đình đã thoát nạn. Abdullah cho biết, trận động đất gây ra sự tàn phá ở khắp mọi nơi và hậu quả của nó “khủng khiếp hơn nhiều so với trong chiến tranh.”…