Thách thức của ông Erdogan
Quốc tế 17/02/2023 10:26
Theo tờ Financial Times, trong chuyến thăm TP Kahramanmara tuần trước, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích một số người đã lợi dụng thảm họa để thúc đẩy chương trình nghị sự riêng.
Bài phát biểu cho thấy, thách thức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong duy trì sự ủng hộ của người dân sau một thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của nước này trong nhiều thập kỉ. Thảm họa xảy ra chỉ ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mà các cuộc bầu cử này vốn được coi là khó khăn nhất của ông trong hai thập kỉ cầm quyền.
Tổng thống Erdogan đã dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ qua một thời kì thịnh vượng trong giai đoạn đầu của nhiệm kì, nhưng sau đó, ông nghiêng về lập trường cứng rắn hơn kể từ các cuộc biểu tình vào năm 2013 và âm mưu đảo chính 3 năm sau đó. Trong những năm gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt các tổ chức nhà nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong chuyến thăm khu vực xảy ra động đất tại Diyarbakir ngày 11-2 |
Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 5 tới là một trong số ít cơ hội mà các đối thủ của ông Erdoðan có để thay đổi cán cân. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Erdogan đã giảm xuống trước khi thảm họa xảy ra, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng, mà các nhà kinh tế cho rằng là do các chính sách kinh tế cứng rắn của chính phủ và ngân hàng trung ương nước này theo đuổi.
Điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào cách cử tri cảm nhận phản ứng của nhà lãnh đạo 68 tuổi này đối với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng. Các nhà phân tích đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về việc liệu các sự kiện liên quan động đất sẽ làm tổn hại hay cải thiện triển vọng bầu cử của ông Erdogan.
Ông Emre Peker, Giám đốc khu vực châu Âu của tổ chức cố vấn Eurasia Group nhận định: “Với mức độ nghiêm trọng của thảm họa, phản ứng đã diễn ra nhanh chóng và khá mạnh mẽ. Nếu duy trì được mức độ phản ứng mạnh mẽ này, thì Tổng thống Erdogan sẽ có lợi trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử”.
Các đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đã bám sát trận động đất và tìm kiếm cơ hội để chỉ trích Tổng thống. Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập lớn nhất, nói: “Nếu ai đó chịu trách nhiệm chính về việc này thì đó chính là ông Erdogan. Hơn 20 năm, chính phủ này đã không chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong trường hợp xảy ra động đất”.
Thảm họa động đất có thể sẽ thu hẹp quy mô chiến dịch vận động bầu cử khi trọng tâm chuyển sang tìm kiếm và chăm sóc những người sống sót, dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Hiện tại, liên minh các đảng đối lập do CHP lãnh đạo đã hoãn cuộc họp vào tuần tới mà trong đó họ dự kiến công bố người tranh cử với Tổng thống Erdogan.
Các nhà phân tích đều nói cách xử lí hậu quả động đất của Tổng thống Erdogan sẽ được so sánh với phản ứng trong trận động đất năm 1999 khiến 17.000 người thiệt mạng. Một liên minh cầm quyền khi đó đã bị chỉ trích mạnh vì từ chối sự giúp đỡ của quốc tế và không cập nhật rõ thông tin.
Ông Peker nhận xét: “Ngược lại, Tổng thống Erdogan đã thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, rõ ràng và tương đối minh bạch, đồng thời huy động nhanh chóng mọi nguồn lực sẵn có và không coi đây là vấn đề đáng tự hào, ngay lập tức chấp nhận và tạo điều kiện cho viện trợ quốc tế”. Ông cho rằng, việc chính phủ tung ra gói hỗ trợ 5,3 tỉ USD cho thấy công tác phối hợp tốt hơn so với động đất năm 1999.
Tuy nhiên, để nhắc nhở về tầm quan trọng của các động thái mà Tổng thống Erdogan đưa ra trước cuộc bầu cử, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, bất kì sai lầm nào cũng sẽ phải trả giá đắt…