Hành trình của hi vọng
Quốc tế 22/08/2023 09:33
Theo bà Sherine Ibrahim, Giám đốc văn phòng Thổ Nhĩ Kỳ của tổ chức nhân đạo CARE, các nhu cầu nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria là vô cùng lớn và sẽ kéo dài trong nhiều năm. Không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhiều nơi trên thế giới cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), nhu cầu nhân đạo toàn cầu trong năm nay ở mức kỉ lục, với hơn 360 triệu người cần hỗ trợ, tăng 30% so với đầu năm 2022. Hơn 110 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 260 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó 45 triệu người ở 37 quốc gia tiến rất gần tới nạn đói.
Nhiều tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2/2023. |
Số người cần trợ giúp gia tăng, song lí do gây ra khủng hoảng nhân đạo không thay đổi. Đó là các cuộc giao tranh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, tiến trình phát triển bền vững trì trệ, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tất cả những yếu tố này khiến cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất khó khăn hơn và cần nhiều trợ giúp hơn.
Phó Tổng thư kí LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, ông Martin Griffiths cho biết, hiện cứ 23 người trên thế giới lại có 1 người cần cứu trợ nhân đạo và đặt ra không ít thách thức cho hệ thống nhân đạo toàn cầu. Theo báo cáo Global Humanitarian Overview, tính đến giữa tháng 6/2023, cần 54,8 tỉ USD để hỗ trợ 249 triệu trong số hơn 360 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Con số trên cao hơn 8,4 tỉ USD so với thời điểm giữa năm ngoái.
Đáng buồn là việc huy động các nguồn tài trợ đang cách rất xa mục tiêu này. Đến giữa năm 2023, LHQ mới chỉ huy động được 20% số tiền cần thiết, tức khoảng 10,7 tỉ USD đóng góp của các nhà tài trợ. Điều này khiến các cơ quan của LHQ phải giảm viện trợ tại một số nước như Syria, Bangladesh, Afghanistan và Yemen. Do thiếu kinh phí nghiêm trọng, cuối tháng 7 vừa qua, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) buộc phải đình chỉ công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Yemen trong tháng 8 và sẽ ảnh hưởng tới 2,4 triệu người suy dinh dưỡng ở nước này. Còn tại Sudan, sau 4 tháng bùng phát xung đột, tình hình nhân đạo rất nguy cấp khi có gần 25 triệu người, trong đó hơn một nửa là trẻ em cần hỗ trợ, trong khi LHQ và các đối tác mới chỉ hỗ trợ được hơn 3 triệu người. Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres khẳng định, nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài trợ, không thể tránh khỏi phải cắt giảm thêm viện trợ nhân đạo, dù đây là điều khó có thể chấp nhận.
Nhu cầu tăng cao kỉ lục, nguồn tài chính hạn chế, trong khi các tình nguyện viên và nhân viên hỗ trợ nhân đạo lại là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công. Những thử thách và khó khăn này càng làm cho cộng đồng nhân đạo toàn cầu mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn. Bất chấp những khó khăn, các nhà hoạt động nhân đạo luôn giữ vững nguyên tắc và mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ, kề vai sát cánh với các cộng đồng, bất kể là ai, ở đâu và dù có bất kì chuyện gì. Rõ ràng là, cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu hiện nay cũng là bằng chứng về sự thất bại của thế giới trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhất của thời đại.
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần hợp tác tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm thiên tai thảm họa, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó là lực đẩy cần thiết trên hành trình hi vọng của những người làm công tác nhân đạo toàn cầu…