Thái Nguyên: Điều ít biết về chủ đầu tư cụm công nghiệp Hạnh phúc - Xuân Phương
Bất động sản 14/08/2021 09:43
Cụ thể, tại Văn bản số 2439/QĐ-UBND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương tại xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 793 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 130 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp là 662,987 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty cổ phần Đầu tư Lê Premium.
Theo kế hoạch, cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương sẽ bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2021 đến hết năm 2023. Thời gian hoạt động là 50 năm.
Cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương được thành lập nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chế tạo, linh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ, may mặc và các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp khác phù hợp với quy hoạch của địa phương.
UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Lê Premium lập, phê duyệt và triển khai dự án trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thái Nguyên lựa chọn doanh nghiệp mới hoạt động khoảng chừng 6 tháng thực hiện đầu tư cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Premium cần chủ động phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Phú Bình và các tổ chức có liên quan để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục về lĩnh vực quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư Lê Premium thành lập vào ngày 8/2/2021, do ông Lê Đăng Khoa (sinh năm 2000) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại Shophouse SH2-17, khu đô thị Crown Villas, 586 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên; ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Vốn điều lệ của công ty Lê Premium là 180 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập, gồm: ông Lê Đăng Khoa góp 63 tỷ (35%), bà Lê Thị Hồng Hạnh góp 99 tỷ (55%) và Nông Thị Thu Huyền góp 18 tỷ (10%). Từ khi thành lập đến khi được UBND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn làm nhà đầu tư dự án cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương có quy mô gần 75 ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, công ty này mới hoạt động khoảng chừng 6 tháng, chưa có thành tựu nào nổi bật.
Khu công nghiệp Điềm Thụy do Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên (thành viên Tập đoàn APEC) làm chủ đầu tư vướng nhiều sai phạm |
Cũng tọa lạc trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy do Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên (thành viên Tập đoàn APEC) làm chủ đầu tư. Mới đây, tại Kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm còn tồn tại của dự án này.
Điển hình, tại khu A của dự án đã vướng vào sai phạm như: tự ý tăng thêm diện tích đất tại khu công nghiệp khi chưa xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan; xây dựng hạ tầng, nhà xưởng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê khi chưa được giao đất, cho thuê đất; thu tiền thuê đất do nhà đầu tư thứ cấp ứng trước không đưa vào ngân sách Nhà nước mà trực tiếp sử dụng thực hiện đầu tư xây dựng không tuân thủ quy định của pháp luật,...
Ngoài ra, tiến độ dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy – khu B chậm 75 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm nghiêm trọng về pháp luật đất đai. Do đó, thuộc trường hợp phải thu hồi đất của dự án theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Được biết, Khu công nghiệp Điềm Thụy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1854/Tg-KTN ngày 8/10/2009. Tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 350 ha, chia làm 2 khu là Khu công nghiệp Điềm Thụy A và Khu công nghiệp Điềm Thụy B.
Theo quảng cáo, khu công nghiệp Apec Điềm Thụy (khu B) có diện tích 170ha trong đó, có 101.7 ha đất dành cho xây dựng nhà máy. Trong đó, Điềm Thụy Center Point nằm trên khu đất có diện tích 28.915 m2, với 231 lô shophouse, mật độ xây dựng 40%.
Dự án đã được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý gia hạn tiếp vào năm 2018. Mặc dù chủ đầu tư nhiều lần cam kết triển khai, nhưng sau hơn 10 năm được cấp phép, chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được khoảng 1/4 tổng diện tích, gây lãng phí tài nguyên đất. Tỷ lệ lấp đầy của dự án chỉ khoảng 8%. Việc chậm tiến độ này không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân bị thu hồi đất khi thực hiện dự án.
Thiết nghĩ, đối với dự án cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định lựa chọn nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư Lê Premium âu cũng là cơ hội đồng thời là thách thức đối với doanh nghiệp non trẻ này. Do đó, trong quá trình triển khai dự án, có lẽ UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các sở, ban, ngành chức năng có liên quan cần siết chặt quản lý và theo dõi sát sao hơn về tiến độ thực hiện dự án, nhằm tránh xảy ra các hệ lũy nhãn tiền tương tự như khu công nghiệp Điềm Thụy đã phạm phải.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án của Tập đoàn APEC ở Thái Nguyên Thời gian vừa qua, hàng loạt dự án của Tập đoàn APEC nằm trên địa bàn các tỉnh như: Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, ... |
Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Thái Nguyên Tại Kết luận số 1113/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm còn tồn tại trong công tác quy hoạch, kế hoạch ... |
Cần làm rõ những điểm không bình thường ở Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Dương Liễu Nhiều công trình xây dựng kiên cố giống như nhà ở, địa điểm kinh doanh quán cà phê,… đã và đang “mọc” trên đất dự ... |