Người giải mã văn hóa truyền thống người Giáy
Nghiên cứu - Trao đổi 13/08/2020 09:48
Ông Sần Cháng, sinh năm 1943, dân tộc Giáy ở bản Tả Van Giáy 1, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lào Cai đã nghỉ hưu. Ông là người am hiểu sâu sắc và có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán văn hóa của dân tộc mình. Thật may mắn khi tôi được ông kể cho nghe những câu chuyện lí thú về chủ đề này…
Những cái riêng trong “Đường quành lớn”
Xã Tả Van nằm cách thị xã Sa Pa 9km, với khoảng 4.000 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Dao, Mông và Giáy cùng sinh sống. Tả Van theo tiếng địa phương nghĩa là “Đường quành lớn” hoặc “Vòng cung lớn”. Tên gọi này có lẽ bắt nguồn từ địa hình vòng cung của xã ôm lấy thung lũng Mường Hoa với những ruộng bậc thang uốn lượn bên dòng suối trong vắt.
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Giáy (còn có tên gọi khác là Nhắng, Dắng, Pâu Thìn, Pù Nà, Cùi Chu hay Xạ) có dân số 62.977 người (Tổng điều tra dân số năm 2015) phân bố chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái. Dân tộc Giáy nói tiếng Giáy - một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai - Ka đai (Tày - Thái).
Ông Sần Cháng và vợ là bà Vàng Thị Nòn |
Ông Sần Cháng cho biết, phong tục tập quán của người Giáy có nhiều nét gần gũi với người Kinh, người Tày, người Thái. Các lễ, tết cổ truyền như Nguyên đán, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Rằm tháng 7… và các ngày tiết trong năm đều tính theo âm lịch. Tuy nhiên, người Giáy cũng có nhiều phong tục tập quán riêng và theo từng địa bàn cư trú.
Về trang phục truyền thống, phụ nữ Giáy ngày xưa mặc quần vải lụa, sa tanh màu đen. Áo nhiều màu nhưng không có màu trắng, cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng, viền vải khác màu ở vạt cài khuy, viền tay áo. Ngày nay, phụ nữ Giáy mặc áo có các đường viền cổ, viền tay, viền tà áo với nhiều loại màu và phân biệt giữa già với trẻ. Đường viền to dành cho người già, đường viền nhỏ dành cho người trẻ. Trang phục của nam giới đơn giản. Nam mặc quần vải bông, áo ngắn màu đen, cài khuy vải trước ngực, đầu đội khăn vải bông nhuộm chàm…
Nói chung, theo ông Sần Cháng, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người Giáy thì nhiều lắm. Chỉ riêng từ ngày nghỉ hưu, ông viết cả chục đầu sách mà vẫn chưa nói được hết. Với tôi là nhà báo của Tạp chí Người cao tuổi (NCT) và thời gian có hạn thì chỉ có thể nói vài nét liên quan đến NCT thôi.
Chiếc vòng “bù cạn”
Sự tôn trọng NCT của người Giáy thể hiện rõ ngay từ những lễ hội truyền thống. Điển hình như vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hằng năm, người Giáy ở Tả Van tổ chức Lễ hội Roòng Poọc (xuống đồng) để cầu mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ, những người già uy tín trong bản được thầy cúng đưa quả còn để ném vòng Nhật Nguyệt. Khi vòng được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình, làng bản và tiến hành các cuộc thi, trò chơi dân gian.
Trong tập quán cưới xin, tục thách cưới xưa của người Giáy, nhà gái thường đòi nhà trai phải có nhiều lễ. Trong đó, lễ đầu tiên rất quan trọng là 1 - 2 tạ thóc để trả ơn sinh thành của bố mẹ cô dâu khi về già và 1 chiếc vòng tay “bù cạn” bằng bạc cho người mẹ (nếu là con rể cả thì phải thêm cỗ áo quan). Ông Sần Cháng giải thích, “bù cạn” là bù lại dòng sữa người mẹ đã cho con gái bú mớm đến cạn kiệt. Điều này thật ý nghĩa và có lẽ chỉ có ở phong tục của người Giáy.
Đối với người Giáy, NCT còn có vai trò rất quan trọng trong việc đặt tên cho trẻ sơ sinh. Trong lễ đặt tên, ông bà nội hoặc bác gái bế đứa trẻ ra vái trước bàn thờ để trình diện tổ tiên, thể hiện sự ra mắt một thế hệ mới và hướng về nguồn cội cha ông. Đến bữa ăn, bố mẹ đứa trẻ mang khay đựng 8 chén rượu màu đỏ, 1 bát hương, 1 bát gạo, trên bát gạo có một quả trứng gà đặt thẳng đứng đến mâm các cụ cao niên nhờ tìm tên đẹp đặt cho cháu. Cụ cao tuổi nhất được mời đặt tên đầu tiên. Cụ bốc một chút gạo thả lên quả trứng, nếu hạt gạo đậu lại tức là tên cụ đặt được thần linh chấp nhận. Nếu không thì khay lễ được chuyển sang cho cụ nhiều tuổi thứ 2, cho đến khi có hạt gạo đậu trên quả trứng thì tên của cháu nhỏ mới được đặt xong.
Như vậy, việc đặt tên cho trẻ phải do NCT đặt chứ không phải do bố mẹ đứa trẻ. Điều này thể hiện sự chuyển giao nối tiếp thế hệ già - trẻ, nền nếp và trật tự trong dòng tộc. Đây cũng là một điều thú vị về ý thức tôn trọng người già mà không phải dân tộc nào cũng có (còn nữa)