Tập trung dân chủ!
Trong mắt người già 14/03/2024 09:40
Trước đó, kì họp 36 (tháng 1/2024), UBKT Trung ương cũng kết luận Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh vi phạm “nguyên tắc tập trung dân chủ”, quy chế làm việc trong thực hiện một số dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Còn tại kì họp 34 (cuối năm 2023), UBKT Trung ương lại “gọi tên” Ban cán sự đảng Bộ Công Thương “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.
“Tập trung dân chủ” là vấn đề cốt lõi của đảng cầm quyền. Vì thế, Điều lệ Đảng (Khoá XIII) nói rất rõ về nguyên tắc này.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp thứ 37 |
“Tập trung” là hệ thống quyền lực trong đảng được tổ chức theo trật tự thứ bậc, với thiết chế quyền lực cao nhất là Đại hội Đảng toàn quốc, giữa hai kì đại hội là BCH Trung ương. Tổ chức đảng cấp dưới phải chấp hành các quyết định của tổ chức đảng cấp trên, tổ chức đảng cấp trên có thể xem xét, thay đổi quyết định của tổ chức đảng cấp dưới. Cùng với đó, cá nhân phải phục tùng tổ chức, đảng viên và tổ chức đảng phải chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết.
Còn “dân chủ” thể hiện qua bầu cử để chọn ra thành viên ban lãnh đạo các cấp, tập thể lãnh đạo chứ không phải cá nhân lãnh đạo. Các quyết định lãnh đạo được ban hành theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số, cá nhân đảng viên không chỉ được quyền phát biểu, thảo luận, mà còn được bảo lưu ý kiến khác với quan điểm, ý kiến của đa số và báo cáo lên cơ quan đảng cấp trên.
Tuy chặt chẽ, khoa học là vậy nhưng không ít tổ chức đảng đã và đang vi phạm “nguyên tắc tập trung dân chủ”. Nguyên nhân có thể do người đứng đầu hoặc nhóm thiểu số lấn át, áp đặt ý chí đối với tập thể ban lãnh đạo. Cũng có thể, việc thảo luận các vấn đề bị hình thức hoá, hệ lụy là biểu quyết theo “kịch bản” của một người hoặc nhóm người định sẵn. Thậm chí, những ý kiến thuộc về thiểu số bị loại bỏ, hoặc ngăn chặn ở ngay “vòng đầu”. Không loại trừ khả năng nhóm lãnh đạo cố tình “đổi màu” các quyết định lãnh đạo dẫu biết đó là sai trái.
Vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ" dẫn đến việc tổ chức đảng không phát huy được trí tuệ tập thể, nguy cơ chuyên quyền dẫn đến sai phạm và tiêu cực. Vi phạm nguyên tắc này ắt dẫn đến kỉ cương, kỉ luật, sự thống nhất về quan điểm và hành động trong đảng sẽ bị triệt tiêu.
Hơn 80 năm trước, các lãnh tụ tiền bối như Trần Phú, Hà Huy Tập… đã không tiếc máu xương tranh đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ danh dự của Đảng. Nhưng hôm nay, vì lòng tham mà nhiều “hậu duệ” vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiện thực đau lòng này không chỉ làm dư luận quan ngại mà còn làm mất lòng tin dân chúng.