Tăng cường khả năng tự chủ kinh tế
Quốc tế 18/06/2024 10:46
Tinh thần đoàn kết và ủng hộ rõ rệt này đã được người dân LB Nga thể hiện qua những lá phiếu bầu cho Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vừa qua.
Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế Nga đã có những bước tiến ngoạn mục, khi tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái đạt 3,6%. Quý I/2024, kinh tế Nga tăng trưởng tới 5,4%, là tín hiệu tốt cho cả năm. Ông cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đã bước vào kỉ nguyên của những thay đổi cơ bản với một thế giới đa cực được tạo ra cùng các trung tâm tăng trưởng mới cũng như các mối quan hệ đầu tư và tài chính mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Moskva. |
Nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã khái quát tầm nhìn dài hạn của nước Nga nhằm tăng cường chủ quyền về công nghệ, tài chính và nhân sự, mà ở hàm ý nào đó chính là sự phát triển nội lực của nước Nga, qua đó đạt mục tiêu phát triển thịnh vượng vào năm 2030. Ông tuyên bố chính phủ sẵn sàng tham gia mọi cuộc thảo luận có lợi cho nền kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài để vươn lên một tầm cao mới trong hệ thống phân công lao động toàn cầu. Nga có thể thiết lập những quan hệ hợp tác này qua vai trò của mình trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đặc biệt là BRICS+, vốn đã vượt qua Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về tỉ trọng GDP toàn cầu.
Người đứng đầu nước Nga cho rằng, trong điều kiện hiện nay và về lâu dài, vai trò và tương lai của các nước phụ thuộc vào khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, phát huy sức mạnh nội tại, lợi thế cạnh tranh, khắc phục điểm yếu, duy trì và tăng cường quan hệ đối tác với các nước khác. Ông cũng đặc biệt lưu ý thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ, làm thay đổi các quy trình quản lí và sản xuất. Để có thể tận dụng tối đa tiến bộ công nghệ, các nước không chỉ đưa ra các giải pháp mới mà còn phải có khả năng "đi trước đón đầu", linh hoạt ứng dụng.
Theo Tổng thống Nga, hiện tại năng suất lao động liên quan trực tiếp đến số hóa và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nêu rõ, đến năm 2030 cần tạo ra nền tảng số trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và xã hội. Dự kiến trong 6 năm tới, ít nhất 80% cơ sở, tổ chức của Nga trong các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế phải chuyển sang sử dụng phần mềm nội địa và Nga có kế hoạch gia nhập 10 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển.
Về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Tổng thống Putin cho biết, chính phủ sẽ tích cực hỗ trợ loại hình xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng để đến năm 2030, quy mô của lĩnh vực này sẽ chiếm ít nhất 70% so với năm 2023. Ông Putin cũng nêu bật tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống giao thông để phát triển các thị trường mới - ví dụ, theo hướng Đông tới Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tuyến đường sắt phía Đông.
Nhiều chuyên gia nhận định việc Nga duy trì được tăng trưởng kinh tế ổn định trong hơn 2 năm qua là nhờ nước này chuyển hướng sang các thị trường ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, cũng như những thay đổi được các cơ quan tài chính Nga áp dụng. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của Nga sẽ tăng trưởng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%). Trong Triển vọng kinh tế toàn cầu 2024 công bố ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Nga lên 2,9% trong năm nay và 1,4% năm 2025, tăng so với dự báo trước đó lần lượt là 2,2% và 1,1%. Rõ ràng, việc phát triển kinh tế dựa vào nội lực và thích ứng linh hoạt đang giúp Nga giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài và tăng cường khả năng tự chủ kinh tế…