Tâm lí và nguồn lực quý giá của NCT
Nghiên cứu - Trao đổi 07/01/2021 09:45
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về NCT. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những NCT, hiện nay thuật ngữ “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Về mặt pháp luật: Luật NCT Việt Nam năm 2009 quy định: NCT là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”. Người từ 60 tuổi trở lên sẽ có những biểu hiện về mặt tâm lí qua từng giai đoạn tùy theo độ tuổi.
Độ tuổi từ 60- 69, ở giai đoạn này xuất hiện những biến đổi tâm lí quan trọng trong đời sống. Trong thời kì giữa 60 và 70 tuổi, phần lớn là người nghỉ hưu, bạn bè và một số đồng nghiệp qua đời. Những nhu cầu của xã hội giảm đi, sức khỏe cũng có giảm đi, tính độc lập và tính sáng tạo không như trước đây, nhịp độ cuộc sống riêng chậm lại. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người ở tuổi 60 còn có sức khỏe tốt và trình độ học vấn cao. Họ còn có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tự hoàn thiện, củng cố sức khỏe, tham gia hoạt động xã hội hoặc chính trị.
Giai đoạn từ 70 đến 79 tuổi, con người thường gặp phải những biến cố quan trọng nhiều hơn so với hai thập niên trước. Tâm lí của người 70 đến 79 tuổi là giữ gìn bản lĩnh cá nhân đã hình thành ở họ trong khoảng thời gian giữa 60 và 69 tuổi. Nhiều người ở tuổi từ 70 đến 79 tuổi, thường hay ốm đau và mất người thân, bạn bè và những người quen biết ngày càng ra đi nhiều hơn. Ở độ tuổi này, họ thường hay cáu giận, mất bình tĩnh. Tình trạng sức khỏe thường làm họ lo lắng, như bệnh ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, xương khớp… luôn rình rập.
Những người từ 80 đến 90 tuổi, họ thật sự là những “người rất cao tuổi” họ bắt đầu sống bằng các kí ức của mình. Họ rất khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xung quanh mình và tác động qua lại đối với họ. Họ cần được giúp đỡ để duy trì các mối liên hệ xã hội và văn hoá.
Những người 90 tuổi trở lên, những người rất già này có thể thay đổi các hình thức hoạt động khác nhau một cách có kết quả khi họ biết sử dụng những khả năng vốn có của họ hiệu quả nhất.
Hiện nay ở nước ta, vẫn còn rất nhiều NCT ở các địa phương giữ vai trò trọng trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, như tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể. NCT thực sự là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, khuyến học, khuyến tài… của địa phương, của dòng họ. Sự đóng góp về lao động của NCT cho gia đình và xã hội là vô cùng to lớn nhất là của các cụ bà, nhưng phần lớn lại là những việc nội trợ không tên, như là việc trông cháu, dạy dỗ con cháu, nấu ăn phụ giúp con cháu… trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam. Đây không chỉ là một hình thức lao động nặng nhọc mà còn là một loại hình lao động phức tạp đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm.
Rất tiếc, trong rất nhiều những đóng góp này của NCT chưa được xã hội ghi nhận, đánh giá đúng mức. Sự đóng góp của NCT không những giải quyết được các vấn đề của bản thân sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, mà còn góp sức vào sự phát triển của gia đình và xã hội. Nếu không nhận thức và khai thác những kiến thức và kinh nghiệm của NCT, đó là sự lãng phí rất lớn về nhân lực, trí tuệ của xã hội.
NCT Việt Nam luôn trung thành với Đảng, mong muốn đất nước phát triển; có tích lũy tri thức, kinh nghiệm, có bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết. Với điều kiện kinh tế như hiện nay, NCT có sức khỏe tốt hơn, trình độ cũng cao hơn, có thể tham gia nhiều công việc xã hội như nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp, làm chủ doanh nghiệp…đó là những công việc giúp NCT nâng cao đời sống tinh thần, đoàn kết, sống vui, sống khỏe, trở thành tấm gương, động lực cho con cháu noi theo...