Rèn luyện để sống trung dung như cổ nhân
Nghiên cứu - Trao đổi 10/07/2024 11:11
Chữ “dại” được hiểu là người tìm về với cuộc sống an nhiên tự tại, vui thú điền viên. Không chỉ người xưa, ngày nay, thế kỉ XXI này, mỗi chúng ta cần lắm một thái độ sống tích cực và rèn luyện bản lĩnh để đạt được cách sống trung dung như cổ nhân.
Trung dung là trạng thái sống lí tưởng mà con người cần hướng đến, nhất là trong bối cảnh cuộc sống có nhiều biến động khó lường. Nhưng để đạt được trạng thái này là cả một quá trình.
Khổng Tử từng đề xướng Đạo trung dung. Trung dung có nghĩa là dung hòa, duy trì mọi việc, mọi vật ở mức độ vừa phải, cân bằng.
Tác giả Lý Mật Am từng có bài thơ ca ngợi sự diệu kì của lối sống trung dung: Ta sống quá nửa đời phù phiếm/ Mới nhận ra huyền nhiệm trung dung/ Trung dung hương vị khôn cùng/ Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.
Ảnh minh hoạ |
Điều đó có nghĩa là đi quá nửa đời người mới nhận ra trung dung mới là đáng quý nhất. Không chỉ Lý Mật Am, hầu hết con người trên Trái đất này đều không nhận ra điều ấy. Từ nhỏ đã áp lực phải học giỏi thì cha mẹ, họ hàng mới được tự hào, hãnh diện. Lớn lên, trôi theo vòng xoáy cuộc đời, phải có thành tựu trong công tác, phải có xe, có nhà,… quan niệm sai lệch ngỡ tiêu sản là tài sản. Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi bão táp thông tin đến từ nhiều phía, con người mệt mỏi với cách tiếp cận, mệt mỏi với việc cân bằng thời gian biểu cho công việc và nghỉ ngơi…
Ở nhà nào ti vi, nào điện thoại, tất cả đều kết nối toàn cầu mà không thể thay đổi quy luật một ngày chỉ có 24 tiếng. Đến công sở, ông A bàn chuyện tỉnh A, ông B nói chuyện nóng thế giới, bà C nói thời trang, chị D nói về “sờ tai” (Style) cho du lịch,... Chán chê đến chuyện máy tính bị vi rút, máy tính lại mất kết nối Internet... Muốn tập trung tư tưởng cho công việc gấp, khi mọi người còn tranh thủ chuyện trò, để không bị cuốn vào vòng xoáy chuyện phiếm thì cần bản lĩnh thép và tinh thần của “người đan sọt ở làng Phù Ủng”… Tất nhiên, cũng có những khoảng lặng, khi tất cả cùng “cắm đầu vào máy tính” thì bản thân ta lại lộn xộn những suy nghĩ trong đầu. Làm chủ thân, tâm, trí quả không dễ dàng.
Vậy, làm sao để luôn giữ trạng thái cân bằng. Đâu phải cứ hô khẩu hiệu “Hãy cân bằng” là tự khắc cân bằng. Đâu phải cứ ngồi im nhắm mắt đã là thiền? Phải làm sao để trăm ngàn ý nghĩ không kéo đến cùng lúc. Thậm chí, một nghiên cứu khoa học mới nhất của Đại học Queen (Canada) cho thấy, con người chúng ta có đến gần 6.200 suy nghĩ trong não bộ mỗi ngày.
Bàn về thư thái, bàn về trung dung không phải là vấn đề mới mẻ, bởi cách đây hàng nghìn năm, cổ nhân đã đưa ra những triết lí, thậm chí vạch ra cả con đường thoát khổ cho nhân loại. Thế nhưng, con người vẫn không ngừng quẩn quanh vướng mắc trong những vấn đề lặp đi lặp lại. Khi đã chìm đắm trong sự vô minh, người ta lại có xu hướng tìm đến những lời dạy của người xưa. Hình như tất cả chúng ta đều phải nếm trải đủ vị cay, đắng, ngọt bùi của cuộc đời, thậm chí đi qua tận cùng khổ đau và hạnh phúc mới có thể tìm đến điểm trung dung.
Chẳng hạn như đau ốm, nằm viện mới nhận ra sức khỏe là đáng quý. Trước đó, dù đã nghe lời khuyên về giữ gìn sức khỏe nhưng nhiều người vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Lao vào cuộc sống kiếm tiền như thiêu thân để cuối đời dùng tiền đó đi chữa bệnh. Và, chỉ những tỉ phú mới trăn trở “tiền nhiều để làm gì” vì nhận ra tiền nhiều không khiến họ hạnh phúc hơn.
Nói cách khác hành trình trưởng thành phải trải qua đủ vị ngọt, bùi, cay đắng. Bởi thế, hiếm khi gặp người còn trẻ bàn về khái niệm trung dung hoặc ngẫm về quan điểm “Biết đủ là đủ”. Tuy nhiên, người trưởng thành cũng không phải cứ nói tôi thích trung dung, tôi muốn trung dung là tự khắc có được. Trung dung là một đạo lí, một lối sống mà người ta phải rèn luyện để đạt được. Thực tế cho thấy, nhiều người đi hết cuộc đời vẫn luôn bất ổn và chưa tìm thấy điểm cân bằng. Ngược lại, ở bất kì lứa tuổi nào, người ta cũng có thể bắt đầu rèn luyện lối sống trung dung từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Ông tổ ngành Y, Hippocrates đã nói: “Hãy để thức ăn làm thuốc và hãy để thuốc làm thức ăn”; bởi ý thức rằng “Bệnh từ miệng mà ra”, trong ăn uống, nếu ăn quá độ sẽ thừa cân, béo phì, thân hình xấu xí, bệnh tật ghé tìm. Ngược lại, nếu ăn quá ít, ăn kiêng khem hoặc giảm cân sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng và mất cân bằng dưỡng chất thì con người ta cũng không đủ năng lượng duy trì công việc và thái độ sống vui vẻ, tích cực mỗi ngày. Không làm gì thì cũng không thể duy trì cuộc sống bởi vật chất là rất cần thiết, và không làm gì thì không thể “há miệng chờ sung”, chưa kể đầu óc trì trệ, chân tay yếu ớt, không vận động thì cứng khớp… Nhưng làm nhiều quá sẽ tổn hại sức khỏe, mà trường hợp này hiện đang phổ biến, làm việc nhiều mà có tiền nhiều thì vòng cám dỗ của tiền bạc càng cuốn con người ta vào vực xoáy. Vậy làm thế nào để cân bằng cuộc sống? làm thế nào để khi đứng trước cám dỗ của tiền bạc vật chất, ta biết cách điều hòa cho thân tâm khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn?
Cũng cần bàn thêm trung dung là duy trì trạng thái cân bằng, bình thản thư thái. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thoải mái tận hưởng sự an nhàn mà quên đi những việc phải làm, những trách nhiệm của mình trong cuộc sống. Để đạt được trung dung, nhất định cần rèn luyện từ những thói quen nhỏ nhất hằng ngày. Và, tôi có một niềm tin rằng “Vạn sự chủ từ tâm”. Khi tâm trí xác định rèn luyện thành công, bạn kiên trì mỗi giờ, mỗi ngày, chắc chắn sẽ thành công.