Phía sau người Anh hùng
Văn hóa - Thể thao 27/07/2018 09:59
Chỉ hoạt động có 4 năm rồi dừng lại tại thời điểm này là sao? Đi tìm căn nguyên để có câu trả lời thì chỉ có ở nội tình gia đình.
Sớm ngày 27 Tết..
Khi ấy, chồng bà là Trung sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Sen (tức Bưởi*) - lái xe, đồng thời là cận vệ trung tín của vị Trung tá Phó Tư lệnh, kiêm Trưởng Phòng Hành quân Sư đoàn Bộ binh 23 (thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đóng tại trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột), chính viên Trung sĩ này là “kẻ ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”, lợi dụng sự tin tưởng tuyệt đối của ngài Trung tá, đã cài chất nổ hẹn giờ phá sập ngôi nhà lầu - địa điểm tổ chức cuộc họp của Phòng Hành quân thuộc Sư đoàn Bộ binh 23 và đã giết chết hơn 60 sĩ quan từ đại úy đến trung tá toàn loại “con cưng hoàng tộc”, rồi lặn mất hút cùng chiếc xe Jeep luôn cắm lá cờ xanh có phù hiệu Đại Bàng. Khi thấy chiếc xe mang cờ hiệu này ở bất cứ đâu, vào bất kì thời điểm nào thì mọi bốt gác, các đội tuần xét đều giơ tay chào.
Một ngày sau khi vụ nổ làm chấn động cả cao nguyên; đến tận Tổng hành dinh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn, vợ của Trung sĩ Nguyễn Sen đã tức tốc bồng bế hai đứa con nhỏ đến Sư bộ 23 để tìm chồng. Bà than:
- Ba của sấp nhỏ đi làm từ sớm hôm rồi, suốt ngày và đêm qua mấy mệ con tui ngóng cửa chờ miết mà cứ vô vọng hoài. Rồi giọng bà khẩn thiết:
- Tội nghiệp mệ con tui, Tết nhất đến nơi rồi. Ai biết chồng tui đang ở mô? Tánh mạng ảnh có bị răng không, xin mách dùm mệ con tui với. Đáp lại những câu hỏi đầy lo âu và thấm đậm nước mắt của chị chỉ là những cái lắc đầu và những ánh mắt nghi hoặc. Cuối cùng bà lết đến, chắp tay trước mặt ngài Thiếu tá;
- Thưa ông! Mệ con tui cắn rơm cắn cỏ lạy ông...
Lòng dạ viên Thiếu tá đang như có lửa đốt, giận dữ cắt ngang:
- Tôi đâu có biết gì hơn chị! Nếu không qua nhà trực ban nghe phôn thì tôi cũng đã bị vùi ở chốn kia thôi! Ông chỉ tay về phía khung cảnh tan hoang, điêu tàn những gạch ngói, bê tông của ngôi nhà lầu bị khối thuốc nổ cực mạnh phá sập, có nhiều người đang cố gắng thu lượm từng chút thịt, mẩu xương đã bốc mùi dưới đống đổ nát. Kèm theo đó là ra rả những tiếng gào khóc, chửi rủa của cha mẹ, vợ con của mấy chục chiến hữu.
Sau khi mở cuộc tấn công vào “miệt trại cùi”, cách thị xã khoảng hơn 15 km kẻ địch đã nhận ra chiếc xe Jeep do Nguyễn Sen lái vẫn còn nguyên vẹn tại căn cứ của Thị ủy Buôn Ma Thuột, chúng xác định chính Nguyễn Sen là kẻ chủ mưu trực tiếp gây ra tai họa động trời vừa rồi. Hai tay Quân cảnh ngồi sát cửa xe như thể áp tải và dẫn độ đó chỉ là màn xiếc của đối phương.
Cụ Lê Thị Duyệt bên bàn thờ Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Sen
Ngay lập tức, Cảnh sát cùng Quân cảnh gom tất cả những người trong gia đình, dòng tộc của Nguyễn Sen về trụ sở để tra xét.
Bất kể sáng sớm hay chiều muộn; bất kể ngày hoặc đêm, khi chạm mặt thì bà Duyệt đều một mực đòi:
- Chồng tui đi làm tại bản doanh, có ông Thiếu tá làm chứng, mà không thấy về thì các ông phải trả chồng về cho tui chớ!
Trả! Trả này.
Thứ mà bà được nhận là đủ mọi cực hình, bị tra khảo, đánh đập tàn nhẫn với, đến chết đi sống lại nhiều lần; sau mỗi đợt tra tấn là một lời ngon ngọt” Chỉ cần khai ra những người thường đến gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Sen thì sẽ được nhận tiền tuất. Và bà đã khai:
Cộng sản có mặt ở khắp mọi nơi, đến Trung tá Phó Tư lệnh Sư bộ 23 còn không biết được nữa, thì một Trung úy quèn như ông làm sao biết nổi. Có thể những kẻ đang hằng ngày vâng dạ ông và cả những người từng ra lệnh cho ông chắc gì không phải là Cộng sản. Cái mạng ông chẳng đáng gì nên Cộng sản họ còn tạm gởi cái đầu nơi cổ đó thôi. Ông phải biết và ghi nhớ điều ni: “Nếu có chuyện chi xảy đến với mạ con tui thì ông sẽ không được toàn thây ngay tại đây hoặc trên đường về trỏng...”.
Thế nhưng rồi sau mỗi lần như vậy, bà phải dắt díu hai đứa con mai danh ẩn tích, tá túc ở nhiều nơi. Chỉ tính từ tháng 5/1969 - ngày mà Thị ủy Buôn Ma Thuột sắp xếp để ba mẹ con rời Buôn Ma Thuột về quê, Gio Linh, Quảng Trị, đến tháng 5/1975, đã 10 lần bà Duyệt dựng chòi che túp để che nắng, chắn mưa suốt từ Quảng Trị vào tận Đà Nẵng.
Ngày đất nước vang khúc khải hoàn, lần lượt những người con thân yêu trở về với quê hương, trở về với gia đình mà không thấy người “bạn đời tri kỉ”, người cha của các con mình trở về thì bà mới nhận được tin chính thức về người chồng đã hi sinh cách đó ba năm. Nhưng thực ra đã năm sáu năm trời không một mảy may hay tin tức bà của chồng thì bà cũng chỉ còn biết chờ đợi... trong nỗi tuyệt vọng và giấu kín trong lòng.
Cảm thông hoàn cảnh mẹ góa con côi, cũng có người khi xưa cùng hoạt động với Nguyễn Sen, muốn thực lòng “chung vai gánh giúp”. Nhưng... người phụ nữ giàu nghị lực nơi bờ nam sông Bến Hải quyết tự thân... vận động, bởi trong tim bà chỉ có một Nguyễn Sen.
Gia cảnh bần hàn, mẹ già, con nhỏ; trời Cao nguyên sẽ là vô lượng với thân gái dặm trường.
Đắk Lắk đang là tỉnh có diện tích rộng thứ nhì cả nước, nơi có nhiều núi cao, lắm sông suối sâu ấy, vậy trời. Anh có được một nấm mồ do đồng đội, đồng bào mai táng cho không. Rừng rú đại ngàn có lắm cọp, nhiều beo; mà những con “dã thú” đáng kinh tởm nhất với dã tâm độc ác nhất trên cả muôn loài hoang thú cùng với các loại vũ khí là bom mìn kia có sức phá hủy cả bê-tông sắt thép... thì xác thịt con người liệu có còn... Ơi là anh Bưởi.
Đưa được hài cốt Nguyễn Sen về nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh năm trước, thì năm sau bà lo hậu sự cho mẹ chồng.
Rồi cái tổ ấm nhỏ bé “khuyết trụ cột” ấy đến sinh cơ, lập nghiệp tại miền quê đã thấm đẫm những giọt máu của người chồng, người cha thân yêu - Buôn Ma Thuột, nơi Liệt sĩ Nguyễn Sen về với thế giới vĩnh hằng, để lại bao niềm cảm mến của đồng chí, đồng bào.
Nhìn bên trong căn nhà cấp 4 cũ nát do chính đôi bàn tay yếu mềm của bà tạo dựng chỉ có chiếc tủ thờ với hai tấm Huân chương Giải phóng và Kháng chiến, cùng hai tấm bằng: một Liệt sĩ và một Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đều mang tên Nguyễn Sen. Ngoài ra không có gì đáng giá là tài sản thì ai cũng hiểu rằng bệnh tình đua nhau gặm nhấm sức khỏe của bà qua từng giây, từng khắc là chuyện đương nhiên.
Đổi lại bà được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao. Niềm hạnh phúc ấy là những dấu ấn ghi nhận sự khôn lớn; trưởng thành; lập gia đình; các con các cháu chăm ngoan; học hành tiến bộ và bà đều dâng hương lên bàn thờ kính cáo hương hồn người Anh hùng.
Sức khỏe không cho phép bà làm được việc gì để có thêm thu nhập. Sinh hoạt thường ngày chỉ vỏn vẹn khoản tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ từ chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Khó khăn là vậy, nhưng xóm giềng và cả những người cùng hoạt động với vợ chồng bà khi xưa không một ai nghe bà phàn nàn kêu ca điều gì. Ngược lại, ở bà luôn thể hiện tố chất khiêm tốn, đượm sắc nhân văn: “Sức khỏe “tui” yếu là do cơ địa!” Không mấy ai được nghe bà nhắc tới hai điều: “Đòn roi tra tấn và ở vậy thờ chồng, nuôi con”.
...
Nay đã thuộc “lớp người xưa nay hiếm”, nhưng còn minh mẫn, bà Duyệt nghẹn lời:
- Tui nói chú nghe hỉ! Đời sống vợ chồng bên nhau gần được tám năm, chú hầy. Nhưng tính ngày tính tháng thì chưa đẫy ba năm đâu chú nà. Rứa mà giờ ni tui vẫn như còn thấy rõ ông nhà tui vẫn đang đằm thắm tình cha con, nghĩa vợ chồng đó chú ơi!
Một ngày nào đó tạo hóa sẽ đưa bà đến với người bạn đời, cho dù thời gian có dài đến cả trăm năm, bà vẫn một lòng “chung thủy!”
Chúc bà luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích và đến gặp người trăm năm ấy ở nơi chín suối, khi tuổi Bách niên
* Tên thường gọi của liệt sĩ Nguyễn Sen
Ghi chép của Trần Đình Hằng