Niềm tin! (Bài 1)
Nghiên cứu - Trao đổi 31/08/2021 10:40
Bài I: Chỗ đứng của Niềm tin
Tôi không dám định nghĩa, mà xin bộc bạch nôm na đôi điều về Niềm tin, để đặt nền móng cho loạt bài viết của mình. Niềm tin hình như có cái gì đó cảm nhận, cảm giác. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khi phương tiện truyền thông đại chúng còn hết sức đơn sơ, lạc hậu, dân ta chỉ nghe và biết về Đảng qua những câu chuyện của anh thanh niên tuyên truyền, chị cán bộ phụ vận, nhưng dân ta vẫn tin, vẫn hi vọng và chờ đợi ở Đảng. Niềm tin đó ngày càng được vun đắp, có lúc lên đến đỉnh điểm tuyệt đối: “Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”. Vì sao lại như vậy? Không cần giải thích, chẳng cần chứng minh, chỉ biết “Hỡi ai đau đớn giống nòi/Nhìn về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Từ đó, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Còn bây giờ dân hoài nghi một số bộ phận cán bộ. Do đâu vậy?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và tự nhận trách nhiệm về mình: Niềm tin là sự phụ thuộc của một chủ thể về vấn đề nào đó; vào ai đó, một cá nhân hay tổ chức. Ví dụ: Nói đến Đảng, đến Bác Hồ là dân tin. Trong cuộc sống, qua sự hiểu biết mà người ta đặt hay không đặt Niềm tin. Đối với lời nhăng cuội, ăn theo, nói leo của những kẻ nịnh thần; những tên đầu trộm đuôi cướp thì ai tin?! Nhưng đối với một Bí thư Chi bộ; một sĩ quan công an; một anh bộ đội thì ai cũng tin. Cha ông ta từng dạy: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Đó chính là Niềm tin. Tin ở chính mình và tin ở người khác. Sự thật chỉ có một, còn chân lí bao giờ cũng cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu.
Ai đi ngược sự thật, bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát. Đó chính là Niềm tin: Niềm tin tạo nên cho con người sức mạnh. Có Niềm tin cộng với ý chí, thì con người sẽ có sự nghiệp, hạnh phúc và tất cả. Đặc biệt, khi Niềm tin của từng con người được khơi dậy, phát huy và hướng theo một mục tiêu, lí tưởng nào đó như với Bác Hồ, với Đảng Lao động Việt Nam chẳng hạn, thì Niềm tin sẽ trở thành sức mạnh vô biên, “nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Lịch sử đã chứng minh và chúng ta là những cán bộ, đảng viên của Đảng đã làm nên Niềm tin đối với Nhân dân, phải cho đó là niềm tự hào, kiêu hãnh lớn lao: Chính vì Đảng và Bác Hồ biết đặt Niềm tin vào dân và vun đắp cho Niềm tin đó luôn bền vững. Chính vì Đảng và Bác Hồ nguyện suốt đời chiến đấu, hi sinh vì vận mệnh của đất nước; vì sự nghiệp của Đảng; sự sống còn của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân, nên đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tạo nên Niềm tin vô bờ bến của Nhân dân. Để dân tin, Đảng và Bác Hồ đã đào tạo, rèn luyện và giáo dục một đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm huyết, một lòng, một dạ vì nước, vì dân. Bác Hồ là tấm gương cho toàn Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là tấm gương cho nhau và cho Nhân dân. Một đảng viên là một tấm gương, một đầu tàu, nên việc gì cũng thành công, việc gì cũng thắng lợi.
Bằng sức mạnh dân tộc vĩ đại, Đảng đưa Nhân dân ta tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội và Nhân dân ta đã bước vào sự nghiệp vẻ vang ấy, với một khí thế mới, quyết tâm mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, phải thừa nhận đã đạt được những thành tựu to lớn. Đất nước đã được xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Nhân dân đã có đời sống cả vật chất lẫn tinh thần đầy đủ hơn như mong muốn của Bác Hồ. Tuy nhiên, hiện thể chế xã hội còn có nhiều lỗ hổng.
Là người cộng sản, chúng ta phải nhìn thẳng và thừa nhận sự thật đó để có bài toán hóa giải: Tai sao một bộ phận cán bộ, đảng viên lại xuống cấp đạo đức? Tại sao tình đồng chí, đồng đội, đồng bào ở một số nơi, số lúc bị phai nhạt? Cái buổi “điếu thuốc chia đôi, bát cơm sẽ nửa”, trách nhiệm công vụ của một số cán bộ, đảng viên đối với người dân vì đâu còn bị hoài nghi? Cần phải chấn chỉnh tình trạng vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm đối với công việc, với Nhân dân, với đất nước trong một bộ phận “không nhỏ cán bộ đảng viên”. Một số người nói một đằng, làm một nẻo; nói nhưng không làm; a dua, ăn theo, nói leo. Một số vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân phần lớn không đi vào thực chất, thường biện bạch, áp đặt, rồi chuyển hoặc… bác đơn. Trong khi tình trạng chạy chức, chạy quyền, củng cố địa vị, hình thành băng nhóm, vun vén lợi ích cá nhân, tham ô, tham nhũng, gây bức xúc dư luận…
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trước năm 1975, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo và điều hành đất nước chưa có hệ thống luật pháp đầy đủ, chủ yếu bằng pháp lệnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng cùng một số văn bản, thông tư, thông báo của các cấp có thẩm quyền. Vậy mà mọi thứ vẫn đâu vào đó. Vì sao vậy? Vì Đảng lo cho dân và dân thì tin ở Đảng. Còn bây giờ, mặc dù chúng ta đã xây dựng một hệ thống pháp luật, tuy chưa phủ kín mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đủ để quản lí và điều hành đất nước. Vậy mà, tình hình đất nước vẫn còn nhiều bất cập, cần phải sửa chữa bổ sung, cải cách.
Còn là người cộng sản, chúng ta phải thừa nhận điều đó để cùng nhau tìm giải pháp khắc phục: Chúng ta không thế lấy cuộc sống bây giờ để so sánh với ngày xưa, nhưng đã so sánh thì phải so cho đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, biện chứng, lịch sử và toàn diện. Ngày xưa, khi đất nước còn nghèo, cán bộ đảng viên cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn dân, bởi cán bộ đảng viên đang bận lo việc nước, việc dân, nhường nhịn cho dân. Vì thế dân thương cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, bộ đội ở trong nhà dân, dân có củ khoai, tấm mía cũng dành cho cán bộ, bộ đội, đảng viên. Còn bây giờ, đất nước đã khá lên, dân mới no đủ, nhưng một số cán bộ đảng viên đã giàu, càng ngày càng giàu.
Không phải cán bộ, đảng viên nào cũng tham nhũng, nhưng những kẻ tham nhũng bị phát hiện đều là cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền: Việc cán bộ giàu hơn dân phần nào cũng hiểu được, bởi cán bộ thường giỏi hơn dân; bên cạnh lo việc chung, là con người nên cán bộ, đảng viên cũng phải lo cho gia đình, vợ con, dòng họ và bản thân. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Bởi cán bộ, đảng viên bây giờ là người của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân hay nói cách khác là của công chúng; nên làm gì, nói năng như thế nào cũng phải đắn đo, cân nhắc trước sau; chứ không thể bừa bãi, kệch cỡm, thô thiển. Thực tiễn bây giờ “một bộ phận không nhỏ”, đã và đang hội tụ đủ mọi thói hư, tật xấu làm rầu xã hội.
Nếu là điều có thật, thì người cộng sản chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đó để soi mình: Cung cầu là quy luật của phép biện chứng duy vật. Có cầu ắt có cung và có cung ngược lại, sẽ kích thích sự phát triển của cầu. Câu chuyện chạy chức, chạy quyền đẻ ra từ quy luật cung cầu về chức quyền. Có người muốn mua chức, ắt có người sẽ bán chức. Nhưng muốn mua được chức, ngoài phải có rất nhiều tiền, còn có thêm mối quan hệ. Bởi vậy bây giờ dân gian đã đúc kết quy trình công tác cán bộ của Đảng: Nhất tiền tệ; nhì quan hệ; ba hậu duệ; bốn trí tuệ. Dư luận bàn tán nhiều về giá cả của từng vị trí chức quyền, địa điểm công tác, bằng cấp… Chỗ này vài ba chục; chỗ kia đến cả trăm và không ít nơi bạc tỉ!?
Về một số cán bộ, đảng viên xa dân: Quốc hội một năm họp hai kì; theo đó HĐND các cấp cũng họp hai kì. Trước và sau khi họp, các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND đều bố trí gặp gỡ cử tri, thông báo nội dung kì họp, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Tuy nhiên vẫn còn đó một số người khi đi vận động bầu cử, đến đâu cũng hứa, hứa và hứa. Nếu trúng cử nhiệm kì này, tôi hứa sẽ đem hết sức mình phục vụ Nhân dân, cùng lãnh đạo các cấp tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết mọi quyền lợi chính đáng của bà con… Nhưng khi trúng, thì họ lơ dần, xa dần… lời hứa cứ thế gió bay. Đại biểu hứa rồi đại biểu lại đi, kì sau đến hẹn lại lên, lại hứa, lại ghi nhận. Cuối cùng Niềm tin của Nhân dân đành phải… “đội nón ra đi” với số cán bộ "hứa" trên !.
Niềm tin bị hoài nghi không những gây tổn thương nghiêm trọng, mà còn đau lòng dân: Điều đó đang là sự thật. Vậy làm thế nào để lấy lại Niềm tin? Nhiệm vụ này là của Đảng, không phải của “toàn quân, toàn dân”. Đảng đã làm phai mờ Niềm tin của Nhân dân, thì chính Đảng phải lấy lại Niềm tin đó. Bởi vậy, phải xây dựng một chiến lược lấy lại Niềm tin. Chiến lược đó bắt nguồn từ đâu? Không đâu xa lạ hết, phải từ nơi Đảng làm phai mờ Niềm tin, từ lời nói và việc làm. Nói phải đi đôi với làm, nói đến đâu làm đến đó. Chấm dứt ngay việc nói một đằng làm một nẻo, nói nhưng không làm, kiểu “Mất mùa đổ tại thiên tai; được mùa bởi tại thiên tài Đảng ta”. Chấm dứt bệnh thành tích, tranh công đổ lỗi. Cả cuộc đời của Bác Hồ không một tấm Huân chương. Vậy sao bây giờ cán bộ ta nhiều Huân, Huy chương đến thế? Tại sao lại có chuyện anh hùng kết bè với kẻ khốn nạn? Có kẻ mua chức, nhưng không có người bán quan thì làm sao có việc chạy chức, chạy quyền? Học giả, nhưng muốn có bằng thật thì phải mua. Học giả thì trình độ hạn chế. Trình độ hạn chế thì công việc đình trệ, gây thiệt hại về vật chất, làm giảm niềm tin cũng là chuyện thường tình ở đời (!).
Còn tiếp
Dự án BT sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang bộc lộ nhiều sai phạm Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy UBND tỉnh Khánh Hòa để xảy ra nhiều vi phạm trong việc giao đất sân bay ... |