Nhiều cách làm trong phát triển cây trồng hàng hoá ở Thanh Chương
Phóng sự 20/06/2024 11:38
Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn |
Đẩy mạnh phát triển cây trồng trở thành hàng hóa chủ lực của địa phương.
Trên diện tích hơn 5 sào trồng ngô, năm 2020, gia đình anh Nguyễn Phùng Nam, ở xóm Tường Xuân, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương chuyển sang trồng bí. Hai năm đầu do thiếu kỹ thuật, cây bí bị sâu bệnh, chất lượng và năng suất kém.
Bước vào vụ đông xuân 2022 – 2023, trên cơ sở hỗ trợ của Hội Nông dân huyện và xã về giống, phân bón, đặc biệt trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trong từng thời kỳ sinh trưởng của cây bí, hiệu quả kinh tế mà cây bí mang lại, theo anh Nam: Từ trước đến nay chưa có cây trồng nào trên đồng đất xã Xuân Tường có giá trị cao như cây bí. Hơn 5 sào bí của gia đình trong vòng 4 tháng thu về 210 triệu đồng, trong đó tổng chí phí khoảng 15 triệu đồng.
Anh Nguyễn Phùng Nam cho biết, ngoài gia đình anh còn có thêm 5 hộ làm bí với tổng diện tích 1 ha, thu về 900 triệu đồng/4 tháng. Hiện tại, các hộ trồng bí đã trồng tiếp vụ thứ 2 sắp ra quả.
Ở xã Thanh Xuân, điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn, dẫn đến tư duy của người dân chậm thay đổi trong việc triển khai các mô hình tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Từ khó khăn đó, trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân huyện, xã và từng Chi hội Nông dân xóm theo hướng bám địa bàn “nắm tay chỉ việc”, làm cùng nông dân, ở Thanh Xuân đã có một số mô hình kinh tế mới có hiệu quả.
Cây cam đã và đang trở thành cây ăn quả chủ lực của huyện Thanh Chương |
Thành công nhất là chuyển được một số diện tích trồng sắn sang làm bí xanh mà từ trực tiếp làm, ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Xuân Hiền cho biết, vụ đông xuân 2022 – 2023, gia đình ông làm 2 sào trong vòng 4 tháng thu về hơn 60 triệu đồng, vụ thứ 2 (chuẩn bị thu hoạch quả) với kinh nghiệm và kỹ thuật tốt hơn nên năng suất, chất lượng quả sẽ cao hơn vụ đầu.
Ở xã Thanh Xuân, với lợi thế về diện tích vườn nhà và vườn rừng rộng, Hội Nông dân đang tích cực chỉ đạo xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng, rừng kết hợp; trong đó định hướng một số cây trồng hàng hoá, như chè, cam, bưởi…, kết hợp gà thả đồi, chăn nuôi dê.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Ban Thường vụ Huyện uỷ giao Hội Nông dân đảm nhận mũi chủ công: phát triển cây trồng hàng hóa, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện cả giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời triển khai và giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cơ sở hội xây dựng vườn mẫu nông dân, xây dựng mô hình vườn theo hướng chuẩn nông thôn mới và các mô hình kinh tế.
Gắn với đó, Hội Nông dân huyện phối hợp với cơ sở tăng cường tổ chức các lớp đào tạo trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn khoa học kỹ thuật; tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình; đồng thời kết nối cung ứng các loại cây trồng chất lượng và giá cả phù hợp cho nông dân.
Đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng 732 vườn mẫu nông dân, 94 vườn chuẩn nông thôn mới; trong đó có 21 vườn đã được công nhận vườn chuẩn nông thôn mới.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương, bên cạnh chỉ đạo xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới nhằm tạo ra giá trị kinh tế, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn: xanh - sạch - đẹp; Hội Nông dân các cấp trong huyện còn tập trung tuyên truyền, vận động và vào cuộc chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại kém hiệu quả sang loại có kinh tế cao.
Như chuyển đổi, đưa cây bí xanh vào trồng hơn 20ha tại các xã Thanh Khai, Thanh Tiên, Thanh Hoà, Thanh Chi, Xuân Tường… Hội Nông dân huyện đã xây dựng thành công mô hình trồng sâm Thổ Hào tại xã Thanh Hà, trồng lúa vụ hè thu trên diện tích bỏ hoang tại xã Thanh Xuân, trồng bí xanh tại xã Thanh Tiên; đồng thời ở 38 xã, thị trấn đã xây dựng tổng 106 mô hình kinh tế có hiệu quả.
Cùng với đó, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Thanh Chương cũng tích cực chỉ đạo thành lập mới 24 tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, trồng chè và dịch vụ chè hữu cơ, chăn nuôi dê, nuôi ốc bươu đen. Qua đó, góp phần thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân; thúc đẩy việc hiện thực hoá định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá của huyện Thanh Chương.
Quyết liệt, kiên trì chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu, phát triển cây trồng hàng hoá
Một trong quan điểm, định hướng phát triển được cấp uỷ, chính quyền huyện Thanh Chương đặt ra để quyết liệt, kiên trì chỉ đạo là chuyển dịch cơ cấu, phát triển cây trồng hàng hoá. Bởi vậy, từ nhiệm kỳ trước (2015 – 2020) huyện đã ban hành Đề án phát triển cây trồng hàng hoá và ngay đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Theo chia sẻ của ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương, ngoài giao trách nhiệm phụ trách đảm nhận “mũi” cây trồng hàng hoá cho Hội Nông dân để tạo sự cộng hưởng, thì nhiệm vụ phát triển cây trồng hàng hoá là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ cở.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình dưa lưới tại xã Thanh Tiên. |
Lãnh đạo huyện đã trực tiếp đi tham quan học hỏi cách làm từ tỉnh Nam Định và Sơn La; ở từng xã, từng xóm cũng tổ chức cho cán bộ và nông dân đi học tập lẫn nhau, xóm - xã chưa làm được đi học xóm - xã đã làm tốt trong và ngoài huyện. Thanh Chương tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực để tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề trồng cây hàng hoá, tập huấn kỹ thuật, gắn hỗ trợ xây dựng mô hình, giống, phân bón…
Từ quyết liệt đó, bên cạnh vừa tăng diện tích và đầu tư thâm canh một số cây trồng như chè, cam, bưởi, trám đen; mấy năm gần đây, huyện Thanh Chương đẩy mạnh mở rộng diện tích bí xanh, đưa một số cây trồng mới vào trồng như khoai tây; ngô ngọt; các loại dưa: dưa lê, dưa bở, dưa đỏ, dưa chuột; cây thanh long, sen, tỏi...
Riêng cây keo, huyện tập trung tuyên truyền, chỉ đạo xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nhằm tạo điều kiện cho cây nguyên liệu gỗ được chế biến, xuất khẩu sang các thị trường phát triển.
Toàn huyện Thanh Chương hiện có hơn 4.700ha chè; gần 500ha cam; gần 330ha bưởi; hơn 100ha bí xanh; hơn 23.000ha keo (trong đó có gần 6.500 ha có chứng chỉ FSC).
Hiện nay, huyện Thanh Chương vừa ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng năm 2030.
Theo đó, mục tiêu cụ thể được đặt ra là sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chè, cam, bưởi hữu cơ đạt bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041:2017) và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng tại Việt Nam; xây dựng huyện Thanh Chương trở thành địa phương phát triển sản xuất cây chè, cam, bưởi hữu cơ tiên phong, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo về môi trường, về sức khoẻ cho cả người sản xuất và tiêu dùng.