Thanh Chương đất cách mạng - đất anh hùng
Văn hóa - Thể thao 31/08/2021 13:52
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Chương cùng 11 xã trong huyện vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý ''Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Thanh Chương đất cách mạng
Ngay khi Đảng ta vừa ra đời, một cao trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 của nhân dân huyện Thanh Chương. Đây là cuộc biểu tình có quy mô to lớn với số người lên đến 20.000 người, làm rung chuyển chế độ thực dân phong kiến.
Từ 1 giờ sáng ngày 1/9/1930 sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi cao, nhân dân Thanh Chương náo động tiếng trống , tiếng chiêng dục giã lòng người. Truyền đơn rải khắp các ngả đường, cờ đảng được cắm sẵn trên các nóc đình, ngọn cây cao, trên các đỉnh núi. Mờ sáng, nhân dân tập trung đông đủ tại các điểm đã quy định. Các tầng lớp nhân dân tổ chức thành đội ngũ, đi đầu đoàn biểu tình là lực lượng thanh niên gương cao cờ đỏ và biểu ngữ: "Công- nông- binh liên hiệp đánh đổ đế quốc Pháp". Để bảo vệ đoàn biểu tình, ngăn chặn bọn mật thám chui vào hàng ngũ, lực lượng tự vệ đỏ có giáo mác, gậy tày sơn đỏ đi hai bên. Đoàn biểu tình của nhân dân Thanh Chương cùng đoàn biểu tình của tổng Nam Đàn giúp nhân dân Thanh Chương hùng dũng tiến về làng Nguyệt Bổng để sang huyện đường. Vừa đến làng Nguyệt Bổng thì gặp đoàn biểu tình của tổng Đại Đồng nghìn ngịt kéo xuống. Hàng ngàn người của các tổng ở huyện Thanh Chương đứng nghẽn hai bên bờ sông. Địch đánh hơi biết trước nên chúng đã tập trung hết thuyền sang bên kia chợ Rộ. Tri huyện Phan Sỹ Phàng đi thuyền ra giữa dòng sông kêu gọi nhân dân giải tán. Với khí thế ngùn ngụt, toán thanh niên đã vào làng Nguyệt Bổng vác thuyền thúng bơi qua sông. Lúc này các đoàn biểu tình của vùng hữu ngạn chưa tới kịp, các chiến sỹ tự vệ đỏ giương cao biểu ngữ chuẩn bị vào thuyền qua sông. Toán lính của Đội Giởn đã nã súng bắn vào các thanh niên cảm tử làm anh Nguyễn Công Thường hy sinh. Trước khí thế mãnh liệt của của quần chúng nhân dân, lại thêm sự tiếp sức của các đoàn biểu tình tổng Bích Hào, Cát Ngạn, bọn quan lại và binh lính bỏ chạy. Cuộc biểu tình của các tầng lớp nhân dân Thanh Chương thắng lợi, lập nên chính quyền Xô Viết ở Thanh Chương, trở thành đỉnh cao nhất của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.
Đình Võ Liệt - nơi ghi dấu nhiều sự kiên tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 -1931. |
Thanh Chương đất anh hùng
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, nhân dân Thanh Chương đã có hơn 50.000 người con tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó đã có hơn 5.100 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, gần 8.000 người đã để lại một phần xương thịt cho chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Thanh Chương là hậu cứ quan trọng của nhiều cơ quan trung ương, Quân khu 4, các cơ quan xí nghiêp đóng trên địa bàn. Đất và người Thanh Chương đã từng thủy chung, son sắt với cách mạng, không chỉ chia sẻ ngọt bùi mà còn hiến cả máu để cứu sống nhiều cán bộ, chiến sỹ về an dưỡng tại bệnh viện quân y 4. Nhân dân Thanh Chương đã đón nhận hàng ngàn thương binh, bệnh binh ở các chiến trường về an dưỡng, chăm lo chu đáo các cháu học sinh trường Dục Anh Viện đến nuôi dưỡng chăm sóc.
Là địa bàn đánh phá ác liệt, hòng cắt đường chi viện cho tiền tuyến. Những địa danh Rú Nguộc, Rào Gang, những Trung đội thép Ngọc Sơn, Những cô gái Văn Bình, những bông hoa Rú Nguộc… mãi mãi là niềm tự háo của Đảng bộ và nhân dân quê hương cách mạng. Những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, toàn huyện đã dấy lên phong trào "Hũ gạo tiết kiệm nuôi quân", "Hội mẹ chiến sỹ". Với khẩu hiệu thép "Lấp rào Gang, san Rú Nguộc", "Xe chưa qua, nhà không tiếc". "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Thanh Chương vừa tiếp tục động viên con em lên đường chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Chương cùng với 11 xã trong huyện vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 11 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", gần 200 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; hơn 30.000 cá nhân và gia đình được tặng thưởng Huân, huy chương kháng chiến các loại.
Thanh Chương đang đổi mới từng ngày
Trong thời chống Mỹ, nhiều người gọi Thanh Chương là vùng đất "ba không, một chống". Tức là: Không xe, không dép, không dày, còn chống là chống gậy. Đất lụt, đất rú nó sinh ra thế. Người Thanh Chương mang đầy đủ tính cách người Nghệ như giàu nghĩa khí, kiên cường, bất khuất, cần cù, chịu khó, thẳng thắn bộc trực… vì thế mà có người đã đúc kết; Người Nghệ An thật mà người Thanh Chương thì rành chi là thật, thật đi liền với giản dị, không thích hoa lá, khéo léo bề ngoài. Những phẩm chất đó là quý, nhưng trong thời kỳ đổi mới có nhiều hạn chế. Tuy nhiên đó là giai đoạn của thời bao cấp.
Ngày nay trong công cuộc đổi mới, người dân Thanh Chương đã biết lột xác chuyển mình đi lên cùng thời đại theo phương châm hành động: "Đoàn kết, tiến công, tăng tốc, hội nhập". Bằng khai thác các nguồn lực, vận động cơ chế chính sách kích cầu của nhà nước để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đạt chuẩn nông thôn mới. Nét nổi bật nhất của Thanh Chương trong các năm qua là: Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền đã làm cho bộ mặt nông thôn mới ở Thanh Chương ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa rộng khắp trên toàn huyện.
Nói về phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Trình Văn Nhã, chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Tính đến thời điểm này, Thanh Chương đã có 20/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã gồm: Võ Liệt, Xuân Tường, Cát Văn đang phấn đấu về đích nông thôn mới cuối năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 42,2 triệu đồng/người/năm. Nhân dân toàn huyện làm được 809 km đường bê tông, 667 km đường nhựa, 1.196 km đường cấp phối… một con số đáng tự hào. Có thể nói: Qua các thời kỳ cách mang với nhiều phong trào nổi bật nhưng chưa có thời kỳ nào phong trào xây dưng nông thôn mới lại được cán bộ và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ nhiệt tình như vậy, bởi đây vừa là động lực vừa là xu thế của sự phát triển và người dân là người được hưởng lợi nhiều nhất.