Mê mẩn rặng thị cổ hàng trăm năm tuổi ở Hải Phòng mùa quả chín
Văn hóa - Thể thao 16/10/2024 16:20
Thị là một loại quả có hình tròn, sắc vàng, mọng nước và thường chia thành 6 - 8 múi, khi chín ăn có vị ngọt, mát. Trẻ nhỏ thời xưa thường đan một cái giỏ để đựng vừa quả thị treo trong nhà cho thơm. Hương thơm của thị bay xa, ngào ngạt.
Theo tìm hiểu, rặng thị cổ nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình phần lớn thuộc 3 dòng họ Lê Viết, Phạm Văn, Nguyễn Đình thuộc tổ dân phố số 5, 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Rặng thị cổ gồm 17 cây có tuổi đời từ hơn 300 năm đến 1.000 năm. Cuối tháng 4/2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận cây di sản - rặng thị cổ thụ tại núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).
Những cây thị trong rặng thị ở núi Ngọc |
Theo các nhà nghiên cứu, sự trường tồn của rặng thị cổ ở Đồ Sơn là một trong những yếu tố đặc trưng của vùng long khí thịnh vượng có huyệt đất quý của vùng đất này. Rặng thị có sức sống mãnh liệt, biểu thị rõ nét đó chính là tuổi cây, mỗi cây thị đều có một hình dáng riêng và được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của nhân dân như Thị Bài, Thị Bà Vải, Thị Gồ, Thị Khe, Thị Cọc, Thị Úp, Thị Bảy Chồi, Thị Bã Trầu…
Cây thị được công nhận là Cây Di sản Việt Nam |
17 cây thị cổ thụ là đại diện tiêu biểu của sự phong phú và đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, là tài sản vô giá, nét đẹp văn hóa, không những tạo nên một không gian sinh thái trong lành mà còn góp phần cùng quần thể di tích gồm đình Ngọc Xuyên, đền cô Chín, suối Rồng, tháp Tường Long, chùa Tháp trở thành một quần thể du lịch tâm linh, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.
Quả thị chín rơi đầy sân đền |
Theo người dân địa phương, ngoài việc tạo ra một không gian xanh kỳ thú trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng và che chở cho nhân dân Đồ Sơn khỏi bão gió thì rặng Thị cổ còn có giá trị lớn về mặt lịch sử. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gốc Thị là nơi ẩn nấp của quân du kích. Khi nạn đói hoành hành, người dân nơi đây cũng nhờ quả Thị mà qua cơn hoạn nạn.
Cây Thị Bà Vải trên 700 năm tuổi cao 20m, tán rộng, đường kính thân 1,8m, trong thời kỳ kháng chiến được chọn là chòi báo canh. Cây thị Bảy Chồi có tuổi đời gần 1.000 năm, đường kính gốc là 8m, dưới gốc cây có hầm chứa được khoảng 10 người, là hầm trú ẩn lí tưởng tránh bom thời kháng chiến chống Mỹ.
Quả thị chín rơi đầy gốc cây |
Do đó, việc gìn giữ rặng Thị di sản ở Đồ Sơn không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống lịch sử của nhân dân địa phương mà còn có giá trị về phát triển du lịch.
Theo phòng Du lịch - Văn hóa thông tin quận Đồ Sơn, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, sắp tới quận sẽ phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, tâm linh, là các loại hình đặc thù của địa phương như các tour du lịch đến tham quan dãy rặng Thị cổ, quần thể cây đa búp đỏ, rừng bứa…
Cô Nguyễn Thị Thơm, làm việc tại đền Cô Chín (Đồ Sơn) cho biết, hàng năm cứ đến rằm tháng 7, tháng 8 là thị lại vào mùa quả chín, hương thơm bay ngào ngạt cả một vùng. Người dân ở đây thường hái thị mang đi bán để có thêm thu nhập hoặc mang về thắp hương, thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt trong mùa Vu Lan, hương Thị thơm như tấm lòng thơm thảo của con cái dâng lên những đức sinh thành…
Quả thị chín rơi đầy lối lên đền |
Mùa thị chín, thị rụng đầy sân, vàng rực trên những mái nhà, con ngõ cổ kính, rêu phong. Nhìn ngắm những trái thị tròn vàng óng dưới ánh chiều tà, kí ức tuổi thơ của mỗi người lại ùa về với câu truyện cổ tích bà kể “quả thị thơm thơm, cô Tấm hiền hiền”…