Nhà văn Nguyễn Minh Thắng: Từ người lính Điện Biên, đến nhà văn làm nên tên tuổi
Văn hóa - Thể thao 27/06/2023 14:43
Nhà văn Nguyễn Minh Thắng |
Trong căn phòng khách bài trí khá đơn sơ, cụ Thắng kể, cụ tham gia cách mạng từ năm 1950, làm quân báo ở địa phương. Đến năm 1952 cụ được điều chuyển sang bộ đội chính quy, thuộc Đại đội 213, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Năm 1953 bắt đầu luyện quân ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1954 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. “Những ngày đầu, chúng tôi nhận được lệnh hỗ trợ Sư đoàn 351, làm nhiệm vụ kéo pháo, làm hầm cho pháo. Cùng nhiệm vụ với chúng tôi còn có Trung đoàn 64, Sư đoàn 316 phục vụ cho chiến dịch. Ngày đó chúng tôi rất vất vả, phải dùng sức người kéo pháo qua đèo, dốc vào trận địa, rồi lại được lệnh kéo pháo ra và lệnh kéo pháo vào. Đêm 13/3/1954 bắt đầu đánh đồi Him Lam, đêm 14/3/1954 lại kéo pháo vào chuẩn bị đánh đồi Độc Lập. Thế nhưng đêm đó mưa to quá, chúng tôi kéo pháo vào muộn nên chưa đánh được, phải chờ đến 2 giờ sáng ngày 15/3 trận địa pháo mới khai hỏa”, cụ Thắng kể rành rẽ, không vấp một câu.
Đánh xong trận chiếm đồi Độc Lập, cụ Thắng nhận nhiệm vụ làm nghi binh thu hút hỏa lực địch. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng, bởi phải cố tình làm lộ mục tiêu cho hỏa lực địch tập trung vào đó, tạo điều kiện cho các đồng đội bí mật tiếp cận mục tiêu. Một tuần sau, bộ đội ta được điều động bao vây, chia cắt sân bay Mường Thanh, đánh địch suốt ngày đêm, sát nách đồi A1. “Đến 4 giờ 15 phút ngày 7/5/1954, tôi đang làm nhiệm vụ quan sát từ xa, thì phát hiện phía hầm Đờ Cát cách chỗ tôi khoảng 500m có lá cờ trắng nhô lên. Tôi báo cáo chỉ huy đơn vị lên phương án. Đơn vị tập trung bố trí canh phòng cẩn mật, một mặt cử một tổ công tác đi tiếp nhận, đến xẩm tối thì Đờ Cát ra hàng”, cụ Thắng cho biết.
Ảnh tư liệu |
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, cụ Thắng trong đoàn quân được chuyển đi chuẩn bị đánh cầu Lồ, Bắc Giang. Nhưng đang chuẩn bị thì được tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thế rồi cụ được theo đoàn quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cụ Thắng cười: “Từ Thái Nguyên mà chúng tôi hành quân hết 20 ngày mới về đến Hà Nội”. Cụ tại ngũ đến năm 1962 thì chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ, làm công việc xét nghiệm, xử lí nước cho nhà máy sản xuất cao su. Năm 1965 cụ chuyển sang công tác tại Bộ Lâm nghiệp, với công tác tuyên huấn, đào tạo tại Trường Công nhân kĩ thuật thuộc Bộ này. Công tác đến năm 1969 do sức khỏe yếu, cụ xin nghỉ mất sức.
Cụ Nguyễn Minh Thắng, sinh năm 1936 tại thôn Hậu Trung, xã Bạch Đằng (nay là xã Hồng Bạch), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cụ cho biết, cụ bắt đầu làm văn chương từ năm 1953, khi đang còn trong quân ngũ. Nói về văn chương của cụ Thắng, đầu tiên phải nói đến thơ. Thơ của cụ Thắng, theo nhận định của các thi huynh, thi hữu, thế mạnh của cụ là thơ lục bát. Cụ cho biết, cụ đã in được 3 tập thơ khá dày dặn, trong đó có những bài thơ hay, tả về quang cảnh làng quê, nói lên những trăn trở của tác giả về thời cuộc, về nhân tình thế thái.
Cụ kể: “Tôi lấy vợ năm 1956 ở quê, gần nhà rồi dắt díu nhau lên đây lập nghiệp. Những năm tháng đầu tiên rất vất vả, vợ tôi phải nấu cháo bán để gia đình mưu sinh. Dù khó khăn là thế, nhưng thấy tôi mê văn chương, thơ phú, bà ấy luôn tiết kiệm tiền bán cháo để tôi in thơ, rất cảm động. Vì thế sau đó tôi có bài thơ nhan đề “Tìm lại ngày xuân”, có nội dung: Lửa reo trên bếp than hồng/ Gom tiền bán cháo cho chồng in thơ/ Ngày xuân tìm lại trong mơ/ Bốn mươi năm dội câu thơ hương làng. Bà nhà tôi nay đã mất, nhưng tinh thần bà ấy để lại trong tôi vẫn nguyên vẹn”.
Một thành viên trong Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây nhận xét, ngày xưa nhà thơ Tú Xương có bài “Thương vợ”, có câu: Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng…, thì bài thơ “Tìm lại ngày xuân” của nhà văn Nguyễn Minh Thắng có câu không kém, đó là không muốn nói còn hơn, vì người vợ trong bài thơ của nhà văn Nguyễn Minh Thắng không chỉ nuôi chồng con, mà còn Gom tiền bán cháo cho chồng in thơ. So sánh thì khập khiễng, nhưng nhận định như vậy không phải không có lí.
Thơ của nhà văn Nguyễn Minh Thắng còn thể hiện sự trăn trở với thời cuộc, với nhân tình thế thái. Ví dụ trong một bài thơ thể hiện tác giả đi hỏi rất nhiều nơi, nhiều cung bậc của cuộc sống, nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ, vô cảm. Đến khi về hỏi cái cột nhà, thì chỉ nhận lại tiếng mọt kêu đêm ngày. Nguyên văn bài thơ đó như sau: Hỏi trời, trời ngoảnh mặt đi/ Hỏi núi, núi chẳng nói chi nửa lời/ Hỏi đất, đất đã lú rồi/ Hỏi biển, biển cũng chỉ cười cùng ta/ Thôi về hỏi cái cột nhà/ Chỉ nghe tiếng mọt vọng ra đêm ngày. Đọc bài thơ mới thấy tác giả dùng thủ pháp lặp từ, với bốn câu đầu là “Hỏi”, với trời, núi, đất, biển là trọn vẹn tất cả của cuộc sống, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, vô cảm. Hai câu cuối tác giả thể hiện đành về nhà hỏi cái cột, thì chỉ nhận được tiếng mọt kêu. Cái cột nhà mà bị mọt rồi, thì chắc chắn là hỏng phải thay. Mà cái cột nhà ở đây là ẩn dụ, muốn nói đến cuộc sống nếu chỉ toàn gặp sự thờ ơ, vô cảm, thì cuộc sống hỏng rồi, cần phải thay đổi bằng cuộc sống khác, năng động và có trách nhiệm hơn.
Không chỉ làm thơ, cụ Nguyễn Minh Thắng còn viết văn, với các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kí sự và viết truyện thiếu nhi. Cụ cũng là cây phê bình văn học thẳng thắn, có lí luận vững chắc. Đến nay tài sản sáng tác của cụ Nguyễn Minh Thắng đã gom được: 3 tập thơ, 5 cuốn tiểu thuyết, 3 kí sự chân dung, 2 tập truyện ngắn, 1 cuốn tiểu luận phê bình, còn truyện thiếu nhi thì cụ gửi in đều trên báo. Hai cụ sinh được 6 người con, 2 trai, 4 gái. Các con cụ nay đều đã trưởng thành, có cuộc sống kinh tế khấm khá và luôn hỗ trợ bố trong cuộc sống và hoạt động sáng tác văn chương.
Chia tay cụ Thắng, chúc cụ luôn vui khỏe và tiếp tục sáng tác, cho ra đời những tác phẩm hay, nhiều ý nghĩa.