Người Công ty Japfa Comfeed Việt Nam đơn phương thay đổi chính sách, người nuôi gà thương phẩm thua lỗ, ôm nợ.
Nhịp cầu bạn đọc 28/04/2022 17:39
Nông dân có bị "phỉnh"?
Theo đơn của người dân: Trước khi liên kết chăn nuôi, họ được đại diện Công ty Japfa là bà Phạm Thị Thanh Bình, ông Trần Quốc Việt, ông Ngô Đăng Quyết tư vấn nuôi gia công gà mầu sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao. Hai bên hợp tác theo hình thức đối tác, người dân đầu tư chuồng trại, bỏ nhân công, điện, nước, gar phục chăm sóc gà. Đổi lại, Công ty Japfa đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc và dịch vụ thú y, đảm bảo đầu ra gà thịt cho người dân. Sau mỗi lứa nuôi từ 75 – 90 ngày, gà thương phẩm đảm bảo tỷ lệ người dân chắc chắn có lãi. Nếu đầu tư trang trại hợp tác chăn nuôi với Công ty Japfa chỉ sau 3 năm người dân sẽ thu hồi vốn. Từ năm thứ 4 trở đi người dân có lãi, thực sự để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Đến nay, Đắk Lắk có khoảng 150 hộ dân xây dựng chuồng trại hợp tác chăn nuôi gia công gà màu thương phẩm với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam và tất cả đang bị thua lỗ.
Nhiều trang trại của người dân hợp tác chăn nuôi với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam bỏ trống, vì càng nuôi càng lỗ. |
Là một trong những người đầu tiên liên kết với Công ty Japfa tại khu vực Tây Nguyên, bà Hoàng Thị Cúc chia sẻ: Cuối năm 2019, bà Cúc xây dựng một trại gà với quy mô hơn 15.000 con để liên kết với Công ty Japfa. Sau lứa nuôi đầu tiên thấy có lời, bà Cúc tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trang trại nữa.
Bà Cúc cho biết: “Lúc mới liên kết, phía Công ty Japfa nói chỉ cần nuôi 3 năm là thu hồi vốn. Do đó, gia đình quyết vay mượn, thuê đất để đầu tư trang trại. Thế nhưng chỉ sau 2 lứa đầu có lời, những lứa tiếp theo liên tiếp lỗ. Để cắt lỗ, hơn 6 tháng qua gia đình tôi không nhập gà của Công ty Japfa về nuôi nữa mà để trại trống”.
Theo bà Cúc, với chính sách mới của Công ty Japfa đưa ra, nếu nhập gà nuôi thì gia đình lỗ mỗi lứa hơn 200 triệu đồng, cộng với tiền thuê đất thì chỉ có bán nhà để bù lỗ.
Gia đình bà Dương Thị Yên, ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột cũng rơi vào cảnh nợ nần, phải bán nhà để trả nợ khi liên kết nuôi gà với Công ty Japfa.
Lứa gà mái của gia đình bà Dương Thị Yên đang có nguy cơ lỗ vì chính sách mới của Công ty Japfa Comfeed Việt Nam |
Bà Yên cho biết, năm 2020, gia đình bà xây 2 trại hết 3 tỷ đồng để liên kết với Công ty Japfa nuôi gà. Ba lứa đầu nuôi có lãi. Bà Yên phân trần: Thời gian đầu, gia đình cũng chưa có kinh nghiệm nuôi gà thì có lời. Rút kinh nghiệm qua các lứa đầu, những lứa tiếp theo người dân đã rất cố gắng chăm sóc đàn gà tốt hơn, tỷ lệ sống tốt hơn, tăng trọng đảm bảo nhưng đến khi xuất chuồng vẫn lỗ là điều hết sức vô lý.
Vì sao nông dân lỗ?
Bà Dương Thị Yên cho biết: Theo thỏa thuận, Công ty Japfa sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và dịch vụ kỹ thuật để hộ nông dân nuôi gà màu thương phẩm, với số tiền công nuôi được tính khoảng 7.000 đồng/kg gà hơi xuất chuồng. Lúc mới nuôi, Công ty áp dụng tỷ lệ gà chết là 5% đối với gà mái và 7% đối với gà trống. Với thù lao và cơ chế này người chăn nuôi chắc chắn có lãi. Nếu nuôi khoảng 20.000 con cho lãi khoảng 50 triệu đồng một lứa, hộ nào nuôi càng nhiều càng có lãi. Những tưởng mọi việc êm đềm người dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, nỗ lực chăn nuôi tốt để tăng thu nhập. Song đùng một cái, Công ty Japfa đơn phương thay đổi chính sách mà người dân không hề hay biết, hoàn toàn áp đặt buộc người chăn nuôi phải thực hiện. Việc thay đổi này áp dụng cho từng trại, mỗi trại nuôi khoảng 2, 3 lứa đầu có lãi thì Công ty Japfa thay đổi chính sách và trại đó bắt đầu lỗ dần, từ ít đến nhiều. Việc áp chính sách mang tính riêng lẻ nhằm tạo ra sự chênh lệch trại lãi, trại lỗ để người dân không đồng loạt phản ứng. Song hiện nay những hộ đã nuôi từ 3 đến 5 lứa gà với Công ty Japfa là bị áp chính sách mới so với ban đầu dẫn đến thua lỗ dần đồng loạt phản ứng.
Bà Dương Thị Yên và chồng bức xúc trao đổi với phóng viên Tạp chí Ngày mới về thực trạng thua lỗ của gia đình khi hợp tác chăn nuôi với Công ty Japfa |
Người nuôi gà dẫn chứng: Chúng tôi lỗ là do Công ty Japfa thay đổi thời gian nuôi từ 90 ngày xuất bán kéo dài đến 130 ngày. Thời gian kéo dài dẫn đến đàn gà ăn nhiều nhưng chậm phát triển FCR tăng cao (tỷ lệ cám trên kg tăng trọng) công ty lại phạt tiền cám 12.000 đồng/kg; chi phí nhân công chăm sóc, công bắt gà nhiều lần, tiền điện, nước tăng dẫn đến thu nhập trang trại không có, thua lỗ.
Cám không ghi rõ thành phần chất lượng liệu có đảm bảo. |
Trong quá trình cung cấp các dịch vụ như: chất lượng con giống không ổn định, thức ăn cho gà đến trại nhiều lúc chậm, không có thành phần ghi trên bao bì, thuốc thú y chưa đảm bảo, khi gà có dấu hiệu bất thường như: ăn chậm, ho, chảy nước mũi người dân phản ảnh đến kỹ thuật Công ty đến chậm, xử lý không triệt để dẫn đến tỷ lệ có những lứa hao hụt cao nhưng công ty không xem xét nguyên nhân mà áp đặt tỷ lệ cứng cho người dân và thực hiện phạt tỷ lệ.
Hơn nữa, khi nhập gà giống Công ty không minh bạch tỷ lệ, đến khi xuất bán mới tính tỷ lệ chỉ còn 3.5% hao hụt dẫn đến người dân đã thua lỗ càng thua lỗ hơn.
Đổ hết rủ ro lên người nuôi gia công
Theo người dân phân tích: Trong hợp đồng chăn nuôi giữa Công ty và người dân thì thấy hầu như các rủi rỏ trong quá trình chăn nuôi người dân đều phải gánh chịu như: Công ty Japfa có quyền bán gà bất cứ lúc nào; thậm chí có cả một điều khoản quy định về việc Công ty Japfa có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu người dân vi phạm. Trong quy định quyền và nghĩa vụ của các bên thì chỉ thấy nghĩa vụ của người chăn nuôi, thậm chí quy định quyền nhưng là nghĩa vụ. Ngược lại phía Công ty thì quy định nghĩa vụ như quyền lợi.
Đầu tư mấy tỷ đồng xây dựng chuồng trại để hợp tác chăn nuôi với Công ty Japfa nhưng nay bỏ trống, người dân biết kêu ai? |
Người dân chia sẻ: Lúc đầu nuôi gà được phía Công ty hứa sẽ có lời, khi bước vào nuôi có lời thật nên người dân cũng không chú ý đến các điều khoản của hợp đồng. Đến khi bị lỗ và càng nuôi càng lỗ người dân kiến nghị lên Công ty về các chính sách mới không phù hợp đẫn đến thu lỗ và yêu cầu giữ nguyên chính sách ban đầu; nếu có thay đổi thì phải thỏa thuận giữa hai bên nhưng không được giải quyết thì mới đọc kỹ hợp đồng. Đến đây, người dân mới tá hỏa ra là bao lợi thế đã dành về Công ty, còn rủi ro người dân phải gánh chịu. Do đó, khi giải quyết Công ty Japfa đã căn cứ vào hợp đồng đã ký kết thì coi như người dân bất lợi hoàn toàn, mà chỉ còn đi năn nỉ Công ty thay đổi chính sách để có lợi nhuận. Cũng chính vì vậy tại các buổi làm việc với Công ty, hầu như những kiến nghị của người dân đều không được giải quyết.
Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk cho rằng: Hợp tác chăn nuôi giữa các bên cần phải chia sẻ lợi nhuận |
Tại buổi làm việc 3 bên gồm: Đại diện Công ty Japfa Comfeed Việt Nam; đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk và các hộ dân hợp tác nuôi gà. Ông Thủy Lệ Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk cho rằng: “Trong quá trình hợp tác chăn nuôi giữa các bên cần phải chia sẻ lợi nhuận, không thể bên này có lời mà để bên kia bị thua lỗ; nếu có rủi ro thì hai bên cùng ngồi lại giải quyết để cùng chia sẻ đảm bảo hài hòa lợi ích”.
Về phía đại diện Công ty, sau trao đổi lại vẫn điệp khúc là ghi nhận về báo cáo lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết cho người dân. Còn người dân thì kiến nghị nhiều lần vẫn không được giải quyết đã búc xúc kéo băng rôn, với mong muốn Công ty phải làm việc, cam kết cụ thể với người dân, cùng tìm ra hướng giải quyết, để hai bên cùng có lợi và hợp tác lâu dài.
Người dân búc xúc kéo băng rôn nhằm mong muốn công ty Japfa cần làm việc giải quyết cụ thể để người dân có lới và tiếp tục hợp tác chăn nuôi với công ty lâu dài. |
Người dân búc xúc cho biết, trong buổi làm việc ngày 13/1/2021, bà Phạm Thị Thanh Bình, ông Trần Quốc Việt, ông Ngô Đăng Quyết đại diện của Công ty có hứa hẹn sẽ có chính sách mới nhưng thực tế chăn nuôi vẫn thua lỗ nặng. Nguyện vọng của các hộ dân là được làm việc với người có quyền quyết định cao nhất của Công ty, để giải quyết các vấn đề, nhưng không được đáp ứng. Khi bà Phạm Thị Thanh Bình nói: “Với chính sách mới này hộ nào nuôi được thì nuôi, còn không nuôi thì thanh lý hợp đồng”; thì nhiều người dân đã phản ứng quyết liệt. Họ nói: "Chúng tôi tin tưởng công ty nói lúc đầu, đã đầu tư mấy tỷ đồng xây dựng trang trại, để hợp tác với Công ty lâu dài, để phát triển kinh tế gia đình. Nay công ty nói vậy có phải "phỉnh" dân, đẩy dân vào sự đã rồi, tiến thì lỗ tiếp, nghỉ thì chuồng trại bỏ không mất vốn đầu tư ôm nợ biết kêu ai". Được biết, tình trạng trên cũng đã diễn ra tại một số tỉnh, thành khi người dân liên kết nuôi gà thương phẩm với Công ty Japfa.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường sản xuất theo chuỗi liên kết “Nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học”, để tạo sự phát triển bền vững để tất cả cùng có lợi. Thế nhưng trong chuỗi liên kết nuôi gà màu thương thẩm giữa nông dân Đắk Lắk và Công ty Japfa Comfeed Việt Nam đang đặt ra dấu hỏi: Liệu chuỗi liên kết này có đẩy nhà nông đến nợ nần, phá sản?.