Người cao tuổi và vấn đề chăm sóc y tế
Nghiên cứu - Trao đổi 15/02/2023 10:55
Hiện nay, cả nước có khoảng 106 khoa lão đã được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho NCT; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT và có trên 1.700 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Bên cạnh đó, số NCT được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là trên 213.000 lượt; được khám chữa bệnh tại nhà gần 80.000 lượt; NCT KCB tại các cơ sở y tế gần 8 triệu lượt…
Đặc điểm bệnh lí của NCT khác với các lứa tuổi khác như: Lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lí, các hội chứng đặc trưng ở NCT; sử dụng thiếu thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi (thường là từ 80 tuổi trở lên) thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao… Đồng thời, sau khi được điều trị nội, ngoại khoa tại các cơ sở y tế khác, các bệnh nhân này có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoàn toàn về thể chất và tâm thần, rất khó hồi phục.
Chính vì vậy, việc thành lập mô hình khoa lão trong bệnh viện sẽ giúp NCT được chăm sóc một cách toàn diện và hiệu lực nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng bệnh không lây nhiễm. Thời gian tới, để giải puyết những thách thức, khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho NCT, ngành y tế cần tổ chức có hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Ngành y tế cần nâng cao năng lực của tuyến cơ sở trong quản lí các bệnh không lây nhiễm ở NCT; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe NCT, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với NCT.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025” và được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, đối tượng tham gia đề án gồm: NCT, gia đình có NCT; cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể, cán bộ dân số, y tế các cấp; cộng đồng nơi NCT sinh sống. Nội dung đề án tập trung vào các hoạt động như: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; ủng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB cho NCT và ưu tiên triển khai ở các tỉnh, thành phố có tỉ lệ NCT cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có nhiều NCT gặp khó khăn hoặc NCT là người dân tộc thiểu số.
Qua thực hiện Đề án, công tác chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho NCT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các chương trình, dự án y tế chăm sóc sức khỏe NCT được quan tâm triển khai như dự án về phòng, chống tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... Các chương trình, kế hoạch phối hợp khám, chữa bệnh nhân đạo cho NCT cũng được các cơ sở y tế tích cực thực hiện.
Quan tâm, chăm lo cho NCT thể hiện đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là nghĩa vụ của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Trong đó, Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT tạo được chuyển biến trong nhận thức của mỗi gia đình, cộng đồng về việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho NCT. NCT cũng được cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhận thức được vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình và xã hội, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Để NCT nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc của xã hội, các cấp, ngành cần nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ, xây dựng ngày một hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội như: Hệ thống y tế lão khoa, hệ thống nhà dưỡng lão để đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao cho NCT. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT đang trở thành một yêu cầu thiết yếu trong điều kiện hiện nay.