Ngô Xuân Khôi – Nghệ sĩ sáng tạo thầm lặng trong thế giới nghệ thuật
Nhịp sống văn hóa 30/10/2022 09:04
Cảm hứng để tác giả sáng tạo nên sao la?
- Tôi sinh ra ở miền rừng núi phía tây Nghệ An và có một phần tuổi thơ ở đó. Bố mẹ tôi là cán bộ ngành lâm nghiệp. Cỏ cây, muông thú và những kỷ niệm ngày thơ bé còn đậm mãi trong tôi. Nên cuối năm 2019, khi biết có cuộc thi vẽ logo và linh vật cho Sea Games 31 tôi đã nghĩ đến sao la. Tôi nhớ về một thông tin đã đọc được cách đây gần 30 năm. Lần đầu tiên phát hiện tại Vũ Quang, Hà Tĩnh một loài vật quí hiếm đang nguy cơ tuyệt chủng. Phát hiện này làm chấn động giới sinh học thế giới thời điểm ấy. Vì cuối thế kỷ 20 việc phát hiện một loài vật lớn như vậy là khó có thể xẩy ra. Vào mạng tra cứu, tìm hiểu về sao la tôi thấy rất thú vị, tâm đắc. Bắt tay ngay vào vẽ phác thảo, tìm hình và hào hứng tham gia dự thi trên tinh thần trách nhiệm công dân, ý thức của hoạ sĩ, không hy vọng được giải vì cuộc thi này giới truyền thông kỳ vọng nhiều vào những người trẻ làm trong lĩnh vực dezign.
Nghệ sỹ Ngô Xuân Khôi |
Hình tượng linh vật sao la mang ý nghĩa gì?
- Hình tượng sao la được nhân cách hoá, với dáng vẻ mạnh mẽ, tự tin, hiền hoà, thân thiện, thông minh, hóm hỉnh. Trang phục và màu sắc của sao la giống như của một võ sĩ trong một môn võ cổ truyền nào đó, cũng giống như trang phục của người nông dân Việt. Với vóc dáng thần thái đó, trang phục màu sắc ấy như phản chiếu một cách chân thực nhất, bình dị nhất về tâm hồn, tính các người Việt. Ngoài ra, hình tượng sao la còn có ý nghĩa nữa là: Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi, đa dạng sinh học, rất giàu có, trù phú và tiềm ẩn những giá trị tự nhiên, xã hội rất lớn lao, khám phá mãi khôn cùng. Thông qua hình tượng sao la còn gửi đi thông điệp về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật quí hiếm.
Cảm xúc của tác giả khi linh vật mình vẽ được chọn đạt giải cao nhất?
- Rất xúc động. Cuộc thi này kéo dài, có nhiều thăng trầm trong cảm xúc. Quá trình chấm gải, tuyển chọn, chỉnh sửa qua nhiều vòng, nhiều cấp và cũng nhận được nhiều luồng ý kiến, nhiều tranh luận, bàn cãi xung quanh nó. Nên khi biết tin sao la dành giải nhất cảm xúc như cái lò xo sau khi nén được bung ra.
Điều ấn tác giả ấn tượng nhất trong quá trình sáng tác sao la là gì?
- Trong quá trình đi tìm cách tạo hình cho sao la điều làm tôi ấn tượng nhất là loài vật này có một không hai trên trái đất, nó cũng rất bí ẩn, lầm lũi, cô đơn và bền bỉ. Theo các nhà nghiên cứu thì loài vật này có từ thời cổ đại. Ngoài ra, ngoại hình và đặc điểm nhận dạng của nó rất có tính đồ hoạ, ví dụ như các đốm trắng bên má, cặp lông mày dọc theo sống mũi. Đây chính là sự khác biệt của sao la với các loài khác.
Trong quá trình hình thành và sáng tạo sao la, tác giả đã gặp những khó khăn gì? Vì sao?
- Khó khăn lớn nhất là khâu tạo hình cho sao la. Vì nó rất khó nhìn thấy trong tự nhiên nên tư liệu về nó không nhiều. Hơn nữa phải thiết kế sao đó để vừa có tính thẩm mỹ, nhân cách hoá, mà lại phù hợp cho in ấn và làm thú nhồi bông như tiêu chí Ban tổ chức cuộc thi đề ra. Một cái khó nữa là hình mẫu phải có bản sắc văn hoá Việt. Trong quá trình đi tìm vóc dáng cho sao la tôi đã nghiên cứu cách tạo hình của hoạt hình Walt disney, hoạt hình Liên Xô trước đây, phong cách vẽ Manga của Nhật Bản, lối vẽ Chibi… để làm sao hình vẽ, phong cách của mình không bị lai căng, pha tạp. Cuối cùng tôi chọn cách vẽ mộc mạc, bình dị, gần với dân gian.
Câu chuyện nào về sao la khiến tác giả ấn tượng nhất?
- Sau khi Hội đồng giám khảo lựa chọn Sao la làm linh vật cho Sea Games 31 thì TCTDTT có kết nối để tôi gặp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam). Cán bộ truyền thông của tổ chức này nói: Mấy chục năm chúng tôi tuyên truyền, phổ biến vận động nhân dân các địa phương có Sao la hiểu biết giá trị và nâng cao ý thức bảo tồn loài vật này, nhưng không hiệu quả bằng thời gian gần đây, khi sao la được chọn làm linh vật cho Sea Games 31.
Tác giả có tự làm khó mình khi chọn vẽ linh vật là một trong những con thú khó tìm kiếm ngày nay?
- Đây không thể gọi là tự làm khó. Bản thân tên gọi của sao la cũng đã rất hay, rất dễ thương, khá ấn tượng. Và tự thân nó chứa một niềm tự hào lớn lao mà không nơi nào trên trái đất này có. Đến trước cuộc thi vẽ linh vật cho kỳ Sea Games 31, Sao la gần như bị lãng quên, nó được nhắc đến nhiều, được tìm kiếm, bàn luận nhiều từ khi được chọn làm linh vật. Tôi thấy vui vì hình như mình đã tạo trend Sao la.
Cá nhân tác giả thấy thích thú khi hình ảnh sao la gắn với các bộ môn thể thao nào?
- Các tạo hình 3D Sao la gắn với các bộ môn thể thao tôi chưa thấy ưng cái nào. Những người làm 3D đã gần như độc lập, không tạo mối liên hệ nào giữa tạo hình 3D với bản gốc mẫu linh vật. Hình 3D bám vào con vật thật, lông lá và sẫm màu, trông khá dữ dằn, thiếu cách điệu và nhất là thần thái, nó không có hồn, không có nét tinh nhanh, hóm hỉnh…
Trước khi lựa chọn sao la, tác giả có nghĩ đến lựa chọn khác để làm biểu tượng cho seagame 31?
- Có chứ, rất nhiều sự lựa chọn, đắn đo, cân nhắc nhưng xu hướng của tôi vẫn là đi tìm những con vật đặc biệt, quí hiếm và ấn tượng, ví dụ như sếu đầu đỏ, voọc quần đùi trắng… Có người nói nên dùng lại hình tượng trâu vàng, nhưng tôi nghĩ ý tưởng đó rất nghèo sáng tạo, không đưa đến niềm hứng khởi mới mẻ. Các nước Đông Nam Á đều là văn minh lúa nước. Con trâu gần gũi, thân thuộc, là “đầu cơ nghiệp” của người dân Việt, nhưng không chỉ ta có trâu. Khi ta gọi là Biểu tượng vui, thay vì là Linh vật thì những nặng nề trong quan niệm, trong tư duy như được giải phóng.
Làm thế nào để nghệ sĩ có thể vượt qua chính mình mang đến hơi thở mới cho nghệ thuật và không làm người xem nhàm chán?
- Cái khó nhất của người làm nghệ thuật là tạo dựng phong cách, tạo dấu ấn riêng mà lại phải luôn mới mẻ, không lặp lại chính mình. Ở đây phải minh định một điều rất giản giữa cái vỏ hình thức và diện mạo tinh thần, hồn cốt của nội dung. Trong hội hoạ có người cứ vẽ đi vẽ lại một kiểu đến mức như quen tay, như thuộc lòng và cho rằng đó là phong cách. Không hẳn vậy, hoạ sĩ bậc thầy Picasso vẽ rất phong phú về đề tài, bút pháp mà vẫn không lẫn với người khác. Ông rất tự tin, phóng khoáng và khai mở các nhánh rẽ cũng như tự xác lập các dấu ấn trên hành trình sáng tạo của mình.
Theo tác giả người nghệ sĩ phải có tố chất gì? Và rèn luyện như thế nào để thành công? Mất bao nhiêu lâu để người nghệ sĩ thành danh trên con đường nghệ thuật?
- Không có công thức nào để chỉ dẫn hay đúc kết sự thành công của người làm nghệ thuật. Có nhiều yếu tố chi phối lắm, tố chất cá nhân, môi trường văn hoá, thị hiếu, tập quán của cộng đồng, của xã hội. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi và cũng chỉ hẹp trong lĩnh vực mỹ thuật người nghệ sĩ luôn gặp sức cản lớn đó là duy trì cảm xúc trong sáng tạo. Khi còn trẻ, khi mới tiếp cận một lĩnh vực nghệ thuật nào đó nếu có những thành công sớm ta thường hay ngộ nhận về khả năng, vị trí của mình. Nhưng khi từng trải, khi biết thêm rất nhiều về nghề ta lại thấy mình nhỏ bé trước chân trời nghệ thuật vô cùng mênh mông. Hiện thực cuộc sống là nguồn tư liệu vô bờ bến với người làm nghệ thuật, nếu tách khỏi hiện thực sẽ sớm cỗi cằn và lụi tàn. Hội hoạ không phải là sao chép lại cuộc sống mà phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ riêng của loại hình thông qua lăng kính nghệ sĩ.
Những dự án nghệ thuật tiếp theo của tác giả?
- Tôi vừa nghỉ hưu ở nhà xuất bản, sau gần 30 năm công tác. Tôi cũng đã có từng ấy thời gian làm cộng tác viên vẽ minh hoạ cho các tờ báo, tạp chí văn nghệ văn chương. Hành trình đã qua chủ yếu các công việc theo sự vụ, theo đơn đặt hàng, thậm chí có những việc như là trách nhiệm, chức phận của một người làm công ăn lương. Cái tôi, cái cá tính sáng tạo cần có của người làm nghệ thuật nhiều khi ẩn khuất đâu đó dưới lớp vỏ của công việc mang tính tuyên truyền, đại chúng. Thiết kế bìa sách, vẽ minh hoạ như một nhánh nhỏ trong các hoạt đôngh mỹ thuật. Tôi dự định sau khi nghỉ ngơi một thời gian sẽ sáng tác tranh và mong muốn có một cuộc triển lãm cá nhân trong tương lai gần.
Hoàng Bạch Diệp (thực hiện)