Nghĩ về Trung thu xưa
Nghiên cứu - Trao đổi 01/10/2020 10:33
Đó là chưa kể đến mâm cỗ cúng gia tiên, thần linh... ngoài cỗ cúng còn có cỗ không cúng mà dành cho trẻ trong nhà, còn gọi đó là “cỗ trông trăng”. Sản vật trong cỗ Trung thu ngày nay rất phong phú, đa dạng và hiện đại với chất lượng và giá cả cao. Còn xưa, cỗ Trung thu đơn giản, chủ yếu là "cây nhà, lá vườn", vì hầu hết là sản phẩm của từng địa phương như bưởi, hồng, mãng cầu, chuối, mía...
Hát trống quân và múa lân
Tết Trung thu ngày xưa có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc, tinh nghịch.
Người ta thường múa lân vào hai đêm 14 và 15. Ðám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy. Trẻ em thì thường rủ nhau múa lân sớm hơn, ngay từ mùng 7, mùng 8.
Đèn ông sư, sắc màu hoài niệm của mùa Trung thu xưa |
Theo các nhà sử học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long, với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kì xa hoa trong phủ Chúa. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912), từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng).
Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kì mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ giới. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ kí”: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.
Từ đầu tháng Tám, đồ Trung thu đã bày bán la liệt, các bà, các chị rủ nhau đi chợ sắm Tết cho con em mình. Gặp thứ nào thì mua thức ấy, còn thiếu thì dành phiên chợ sau cho đến tận 13, 14 âm lịch. Nào tiến sĩ giấy, nào đèn ông sao, trống bỏi, đầu lân, mặt nạ, con rối, tò he... Nếu không mua được đủ thì ít nhất cũng phải mua được ông tiến sĩ hoặc chiếc lồng đèn ông sao. Nhà giàu còn làm cả đèn kéo quân. Đồ chơi từ năm trước có thể đem sửa lại cho trẻ. Nhiều em tự sửa sang lại đồ chơi của mình. Không khí chuẩn bị Tết Trung thu nhộn nhịp, vui vẻ, cuốn hút cả người lớn, trẻ con trong xóm ngoài làng
Hội thi bày cỗ Trung thu
Ngày Tết Trung Thu, từ sáng sớm, mọi nhà bắt đầu làm bánh tẻ, bánh đúc là chủ yếu, còn nếu gói bánh chưng, bánh gai, thì làm từ ngày 14 âm lịch. Các bà nội trợ đun nấu sửa soạn cúng gia tiên. Cỗ Trung thu mới được bày biện. Địa điểm bày cỗ thường là ở sân nhà. Cũng có nơi đặt ở giữa vườn, miễn là có ánh trăng chiếu tới để con trẻ ngồi phá cỗ. Đầu mâm cỗ trông trăng thường là ông tiến sĩ giấy. Có nơi còn đặt 2 ông phỗng ngồi hầu 2 bên. Một quả bưởi đặt chính giữa, xung quanh là các loại bánh kẹo và trái cây. Có khi mâm cỗ quá đầy phải đặt thêm ở bên ngoài mâm. Mỗi nhà đều có vài xâu hạt bưởi khô để trẻ thắp chơi trong lúc phá cỗ. Như có sự phân công tự nhiên, việc sắm cỗ cho trẻ thường là nữ giới. Còn việc bày cỗ thường là đàn ông. Có nhà cẩn thận hơn, cha mẹ tập cho con bày cỗ, hướng dẫn cách sắp xếp cho đẹp để năm sau trẻ có thể tự làm lấy. Tất cả còn nguyên đến lúc phá cỗ. Trăng lên dần, trẻ cầm đèn đội đầu sư tử, đeo mặt nạ, vác trống bỏi rủ nhau đi xem đội múa lân của làng đến tận khuya mới về nhà phá cỗ.
Người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi còn mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.
Khái niệm phá cỗ Trung thu nghĩa là chia bánh trái, hoa quả đã bày trong mâm cỗ Tết Trung thu cho trẻ ăn. Phá cỗ không có giờ quy định. Khi trăng đã lên cao, ánh trăng chiếu sáng khắp nơi, trẻ về đông đủ thì cho phá cỗ. Trước khi phá cỗ, người lớn thường hướng dẫn cho con cái chia các vật phẩm trong mâm cỗ để ăn như bổ bưởi, cắt bánh, róc mía...
Tục phá cỗ trong Tết Trung thu chính là cơ hội chăm sóc trẻ em, giúp chúng được hưởng thụ các sản vật còn tươi nguyên, được chọn ăn tùy sở thích, được vui đùa phá cỗ trông trăng. Tục bày cỗ, phá cỗ trông trăng là thể hiện của sự quan tâm chăm sóc giáo dục trẻ em, cả vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, sinh động và độc đáo của người Việt Nam. Hình ảnh ông tiến sĩ giấy, chiếc đèn ông sao, con rối múa gậy không chỉ là trò chơi đơn thuần, mà thông qua đó người nông dân còn gửi gắm những ước mơ và niềm tin, mong con cháu học giỏi, mai sau sớm đỗ đạt. Đó cũng là sự thể hiện tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ, ý thức khuyến học khuyến tài của Nhân dân ta…