Mua hàng xóm
Cùng suy ngẫm 25/11/2020 11:15
Luật sư tư vấn: “Theo điểm a, khoản 2, Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi đổ rác, chất thải làm bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác, có thể bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng; đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, để giữ “tình làng nghĩa xóm”, chị nên "dĩ hòa vi quý", nhắc nhở người kia chấm dứt việc này. Nếu sau đó, người kia vẫn tiếp tục, chị cần trình báo sự việc lên công an địa phương, yêu cầu có biện pháp xử lí”.
Ảnh minh hoạ |
Lời tư vấn của luật sư chứa cả lí và tình. Đặc biệt tôi rất ấn tượng với 2 câu “tình làng nghĩa xóm” và “dĩ hòa vi quý”. Về chủ đề ấy, một nhà báo ở Bạc Liêu cho tôi biết, ở ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu, ai cũng thuộc lòng câu ca: Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng. Khi nhà nào trong ấp có công việc, chẳng cần gia chủ mời gọi, ai cũng tự giác đến giúp một tay. Thanh niên thì dựng rạp, đốn lá dừa nước, lựa mâm bàn; các bà, các cô lo bếp núc; trẻ em cắt lá chuối... Nếu là việc hiếu thì mọi người đến san sẻ nỗi mất mát và chung tay chôn cất. Rồi anh bảo: “Tình làng nghĩa xóm” đến mức ấy, thì làm sao có chuyện nhà này vứt rác vào nhà kia được”.
Tôi đồng ý và chợt nhớ đến một trường hợp bị ném rác còn tệ hơn cảnh chị kể trên mạng. Đó là một ông cán bộ về hưu mua nhà đẹp giữa xóm có tiếng là thanh lịch. Đến ở, ông không quan tâm đến “Tình làng nghĩa xóm”, lại sẵn bệnh kiêu căng, cho mình thuộc đẳng cấp trên, xem thường dân bản xứ, không tham gia sinh hoạt cộng đồng. Rốt cuộc, ông buộc phải chuyển đi nơi khác như là bị đuổi.
Về “Dĩ hoà vi quý”, một nhà nho giải nghĩa, trong tiếng Hán, “Dĩ” là “lấy”, hay là xem trọng, đặt lên hàng đầu. “Hòa” là hòa thuận, hòa đồng; còn “Vi” là làm, “Quý” là sự quý giá, quý trọng. Như vậy, “Dĩ hòa vi quý” là lấy hòa đồng, hòa thuận làm điều quan trọng, xem đó là lẽ quý giá trong cách cư xử của con người”. Tôi thưa: “Dĩ hòa vi quý” có chấp nhận sự thỏa hiệp trước những điều sai trái không ạ?”. Cụ nói ngay: “Không! Hoàn toàn không” và bảo tôi tự tìm hiểu lấy.
Tuân lời cụ, tôi để tâm tìm hiểu và gặp được câu chuyện “Mua hàng xóm”. Chuyện là, một người muốn tìm nơi ở ổn định, yên bình. Tới những căn nhà được rao bán, ông xem kĩ mọi chi tiết và dành nhiều thời gian đến chuyện trò với những gia đình lân cận. Một hôm, ông quyết định mua căn nhà có giá cao hơn bình thường. Mọi người khuyên “chớ vứt tiền qua cửa sổ”. Ông cười hiền từ và nói: “Tiền tôi bỏ ra mua căn nhà chỉ một, mà mua hàng xóm thì gấp đôi”. Thế là “Tình làng nghĩa xóm” và “Dĩ hòa vi quý” đến với ông tại nơi ở mới từ đó.