Một vụ kiện, gần 6 năm, chưa xong xét xử!
Pháp luật - Bạn đọc 16/06/2021 17:54
Khóa cổng, phong tỏa công ty
Công ty Dệt tơ tằm Việt Silk |
Sáng 10/8/2015, tại Công ty Dệt tơ tằm Việt Silk (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bỗng xuất hiện 6 đối tượng trong trang phục vệ sĩ cùng con trai ông Đoàn Trọng Tẩm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) kiêm Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp. Những người này đã khống chế bảo vệ, khóa cổng và ngăn cản công nhân vào làm việc. Ngay cả khi Tổng Giám đốc (TGĐ) và Phó TGĐ Việt Silk là ông Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Xuân Sanh đến cũng bị chặn lại. Nhóm đối tượng còn căng băng rôn với hàng chữ “Công ty tạm ngừng hoạt động” và dán thông báo do ông Tẩm ký (không đóng dấu), nội dung: “Ngày 5/8/2015, HĐTV đã bãi nhiệm chức TGĐ đối với ông Nguyễn Tiến Dũng. Do Việt Silk đang tiến hành thủ tục giải thể, giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các thành viên công ty, vì vậy để đảm bảo tài sản tránh bị thất thoát tẩu tán, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như để đảm bảo tài sản nhà xưởng của ông Đoàn Trọng Tẩm không bị phá hoại, với cương vị Chủ tịch HĐTV, tôi thông báo Công ty Việt Silk tạm ngưng hoạt động từ ngày 10/8/2015. Nhà xưởng được chính thức khóa lại, không ai được phép vào...”(!)
Vụ phong tỏa khiến Công an TP Bảo Lộc, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng phải đến can thiệp. Sau 2 giờ giằng co, công nhân buộc phải phá cổng vào làm việc thì nhóm đối tượng mới chịu bỏ đi. Lí giải việc đóng cửa Công ty, ông Tẩm cho biết, ông là người góp vốn nhiều nhất nhưng ông Dũng "cư xử không đàng hoàng..." nên ông "không cho hoạt động”(!).
Đơn kiến nghị khẩn cấp việc ông Tẩm phong tỏa Công ty |
Theo các cơ quan chức năng TP Bảo Lộc (ghi rõ tại biên bản), việc ông Tẩm "ngăn cản người lao động vào làm việc ảnh hưởng quyền lợi của công nhân và gây mất an ninh trật tự địa phương”. Còn ông Hồ Duy Mậu, Chủ tịch UBND phường 2: “Ông Tẩm thuê người khóa cổng không cho công nhân vào làm việc là sai, rất may không xảy ra ẩu đả giữa vệ sĩ và công nhân”. Tập thể hơn 150 lao động của Việt Silk cũng kí văn bản: “Chủ tịch HĐTV đã cố tình làm cho người lao động mất việc và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, an ninh khu vực. Vì vậy, đề nghị HĐTV, Ban Giám đốc tạo điều kiện cho ông Tẩm rút vốn càng sớm càng tốt để công ty tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảm cuộc sống cho người lao động và an ninh khu vực, đoàn kết nội bộ...”!
Đòi tài sản và khởi kiện
Công ty Dệt tơ tằm Việt Silk thành lập đầu năm 2012, có 3 thành viên góp vốn là ông Tẩm 8 tỷ đồng (40%), ông Dũng 6 tỷ đồng (30%) và ông Sanh 6 tỷ đồng (30%). Sau hơn 2 năm hoạt động thì xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên. Ngày 7/10/2014, ông Tẩm xin tự rút vốn nhưng chưa thực hiện. Và, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Tẩm 3 lần gửi văn bản đến các ngân hàng để nghị phong tỏa tài sản của Việt Silk, cản trở việc nhập khẩu nguyên liệu, cũng như xuất khẩu sản phẩm qua Nhật Bản. Chính vì thế, ngày 16/7/2015, ông Dũng với tư cách là TGĐ đã ra quyết định bãi nhiệm chức Phó TGĐ đối với ông Tẩm...
Lí giải thêm về sự kiện khóa cổng công ty vào ngày 5/8/2015, ông Tẩm cho rằng, ông phong tỏa là để đòi lại tài sản (như nhà làm việc, nhà phơi tơ, nhà để xe, hàng rào) thuộc sở hữu... của ông (!).
Theo ông Tẩm, khi góp vốn ông chỉ góp bằng nhà xưởng, các hạng mục còn lại như nhà làm việc, nhà phơi tơ, nhà để xe, hàng rào… là ông cho mượn. Tuy nhiên, sau đó chính ông lại khẳng định, phần góp vốn bằng các hạng mục trên ông đã chuyển nhượng cho ông Sanh nhưng... chưa hoàn tất thủ tục nên ông Sanh không phải là chủ những hạng mục góp vốn đó. Trong khi, theo ông Sanh và ông Dũng, việc đòi lại tài sản của ông Tẩm là hết sức phi lí. Bởi, ngay khi thành lập công ty đã có 3 thành viên góp vốn và tại biên bản họp HĐTV ngày 6/2/2012, được cả 3 ông cùng kí, thừa nhận ông Sanh đã góp vốn hơn 2 tỉ đồng và góp bằng tài sản là nhà xưởng. Thực tế các tài sản này đã được chuyển giao cho công ty khai thác, sử dụng (theo biên bản bàn giao ngày 6/2/2012) và được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, thể hiện rõ phần góp vốn của ông Sanh là 6 tỉ đồng , tương ứng 30%...
Vì sao "ngâm" không xử?
Đòi không được, ông Tẩm kiện ra tòa. Thụ lí đơn, ngày 10/3/2016, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên sơ thẩm. Sau khi xem xét các chứng cứ và tranh tụng, Hội đồng xét xử đã bác hầu hết các yêu cầu của nguyên đơn. Chẳng hạn, bác yêu cầu giải thể chấm dứt hoạt động của Việt Silk, bác yêu cầu hủy Giấy chứng nhận góp vốn của ông Sanh... Không đồng ý, ông Tẩm kháng cáo, và phải hơn 2 năm sau, ngày 17/5/2018, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mới mở phiên phúc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Lí do hủy không phải ông Tẩm kiện đúng mà yêu cầu giải thể công ty thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp đăng kí kinh doanh và các bên đương sự không cung cấp được bản gốc biên bản họp HĐTV. Do đó, tòa cấp phúc thẩm giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Lâm Đồng để xử lại, "bao gồm cả việc hướng dẫn nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện cho phù hợp"! Thế nhưng, thật lạ, cho đến nay đã hơn 3 năm trôi qua nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng, sau nhiều lần hoãn vẫn chưa đưa ra xét xử.
Thiết nghĩ, vụ kiện không lớn, song tại sao sau 5 năm 8 tháng vẫn chưa có hồi kết? Nhất là, sau khi án bị trả lại với những yêu cầu đơn giản (trả lại không phải vì nội dung mà chủ yếu do hình thức). Vậy, phải chăng có gì ẩn khuất khiến những người “cầm cân, nảy mực” tại TAND tỉnh Lâm Đồng "ngâm" án, khó đưa ra phán quyết?
Đơn tố cáo ông Tẩm bịa đặt, vu khống nhằm chiếm đoạt toàn bộ Việt Silk |
Theo ông Dũng, ông và ông Sanh đã phát đơn tố cáo ông Tẩm đến cơ quan chức năng. Vì ông này có hành vi bịa đặt, vu khống, giả mạo (tạo các văn bản trên giấy khống chỉ) với mục tiêu lừa gạt cơ quan công quyền, hòng chiếm đoạt tài sản... "Ông Tẩm hết sức mâu thuẫn trong các lời khai về vốn góp, khi thì 20 tỉ, lúc lại 16 tỉ rồi sau còn 13 tỉ mà không có gì chứng minh. Tương tự, khi ông nói nhà xưởng cho mượn, lúc lại bảo dùng góp vốn... Ngược ngạo hơn, trong đơn kiện sửa lại, bất chấp 22 văn bản chứng minh việc 3 người cùng góp vốn, ông đòi hủy cả 60% vốn góp của tôi và ông Sanh, tức ông muốn chiếm đoạt toàn bộ công ty... Vậy mà, Tòa vẫn không xử, tạo điều kiện cho ông ta bịa đặt, vu khống nhiều hơn" - ông Dũng bức xúc!