Món quà từ đất núi
Văn hóa - Thể thao 12/11/2024 09:21
Món quà từ đất
Gạo đỏ là loại gạo thuần chủng ở miền thung lũng Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nơi mà nhiều đời qua người Xơ Đăng đã trồng cấy và chăm bón. Năm nào cũng vậy, thường vào tháng 2 dương lịch, đồng bào làm đất và gieo mạ. Khi đất “ăn nước” xong thì tháng 4 bắt đầu cấy. Thời gian sinh trưởng của lúa 6 tháng, kể từ lúc “xuống cây”, và độ gió lạnh tháng 10, tháng 11 về là lúc thu hoạch.
Những đồng lúa tại Măng Bút, trong đó có một phần là lúa gạo đỏ đặc trưng. |
Trên thung lũng Măng Bút này, những ngôi làng như Đăk Lanh, Đăk YPai, Đăk Pong, Vang Loa, Măng Buk,...đều trồng lúa gạo đỏ này. Những ống cơm lam, những ghè rượu mùa lễ hội đượm nồng nàn mùi đất được làm từ loại gạo đỏ này, mang theo đó là nhiều giá trị từ lương thực thuần chất thiên nhiên và đậm đà hương vị. Loại gạo đỏ này, như người Xơ Đăng vẫn hay cảm tạ đất trời, ví như món quà của đất của nước, của nhọc nhằn và tốn lắm công cấy trồng, nên được giữ từ mùa này sang mùa khác, cứ truyền từ đời trước đến đời sau như thế.
Ông A Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút chia sẻ, sau thời gian dài thực hiện chuyển đổi sang gieo trồng các loại giống mới, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 60ha lúa gạo đỏ, chiếm hơn 10% tổng diện tích đồng ruộng của xã. Là giống nguyên gốc, lâu đời, hiện nay các ngành, các cấp đang xem xét, nghiên cứu quy trình tăng năng suất trên cơ sở sản xuất hữu cơ, an toàn. Tại thôn Đăk Lanh, năm nay là vụ mùa thứ 4 mô hình trồng lúa gạo đỏ của chị em được duy trì, thông qua hoạt động của tổ hợp tác phụ nữ. Hoạt động của tổ hợp tác được duy trì đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn giống cây trồng bản địa.
Nâng tầm cho gạo đỏ
Từ món quà của đất, lúa gạo đỏ đã được chọn là một trong số sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để tạo động lực thúc đẩy thực hiện mục tiêu này, những năm trước lúa gạo đỏ đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng mô hình, xác định quy trình trồng và chăm sóc trong điều kiện tự nhiên. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết từ trồng, chăm sóc lúa gạo đỏ đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ gạo đỏ và quan tâm tạo sự gắn bó, hòa hợp giữa các vùng trồng lúa gạo đỏ lân cận với Măng Bút cũng là điều được chính quyền các cấp quan tâm.
Được sự hướng dẫn và định hướng, đồng bào Xơ Đăng không chỉ dùng lúa gạo đỏ làm lương thực, làm rượu cần, mà còn chế biến thành nhiều sản phẩm khác để phục vụ nhu cầu thị trường. Và chính những sản phẩm này đã mở một hướng đi mới để cải thiện kinh tế cho đồng bào nơi đây.
Để nâng cao giá trị của gạo đỏ Măng Bút, đặc biệt giúp tăng thu nhập cho đồng bào, huyện Kon Plông tổ chức thành lập tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút. Tháng 8/2024, sau khi chọn lựa được 10 hộ gia đình trẻ, để thành lập Tổ hợp tác T’Măng Deeng, làng Măng Buk, do chị Y Siêu làm tổ trưởng. Chính quyền các cấp đã hỗ trợ máy làm bún, máy hút chân không định hình, in bao bì, tem nhãn và gạo đỏ để các thành viên sản xuất. Các thành viên trong Tổ hợp tác cũng đối ứng thêm kinh phí để cùng thực hiện. Tổ hợp tác phân chia công việc rõ ràng, một tuần làm 3 mẻ bún, mỗi mẻ phân công 3 người làm. Tất cả các nguồn thu từ việc bán bún được Tổ hợp tác tổng hợp để tiếp tục làm vốn sản xuất. Khi nguồn vốn bảo đảm cho việc sản xuất bún, lợi nhuận sẽ được chia cho mỗi thành viên.
Chị Y Siêu cho biết, hiện tại 1kg bún gạo đỏ được đóng gói bao bì, nhãn mác và bán với giá 60.000 đồng, nếu nhập sỉ có giá 45.000 đồng/kg. Trong quá trình khảo sát thị trường, tìm hướng phát triển mới cho gạo đỏ thì món bún gạo đỏ và bún gạo đỏ đẳng sâm đã ra đời. Qua 2 tháng khảo nghiệm thị trường, sản phẩm mới được người tiêu dùng chấp nhận và có phản hồi tích cực. Sản phẩm bún gạo đỏ thường xuyên có mặt tại các khu du lịch ở Măng Đen, trong các hội chợ, triển lãm hàng nông sản. Sản phẩm bún gạo đỏ đã đến được với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, sản phẩm cũng được một số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm mua.
Bún gạo đỏ |
Từ món quà của đất, những sản phẩm truyền thống như cơm lam, rượu cần, và có thêm những sản phẩm mới như bún gạo đỏ, thanh gạo đỏ siêu hạt, thanh gạo đỏ siêu chà bông và trà gạo đỏ. Đây là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu những bữa ăn nhanh, tiện lợi nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng, với chỉ số đường huyết thấp, đặc biệt giàu chất chống oxy hoá không chỉ là món quà đối với khách du lịch khi đến với Kon Tum mà còn là một sản phẩm tiềm năng cho thị trường tiêu dùng cả nước, giúp đồng bào Xơ Đăng có thêm thu nhập.
Ông A Vinh chia sẻ thêm, đây là thành công bước đầu của Tổ hợp tác. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, trong thời gian tới, chính quyền cùng các đơn vị liên quan sẽ tổ chức tập huấn giúp Tổ hợp tác nâng cao kiến thức về bán hàng, quản lí để hoạt động hiệu quả nhất. Đồng thời trang bị thêm các kiến thức cơ bản để làm ra các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe để phục vụ người tiêu dùng. Hi vọng với sự nỗ lực của mỗi thành viên, sản phẩm bún gạo đỏ Măng Bút sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo được sinh kế bền vững cho đồng bào.