Miệt mài giữ gìn, phát huy văn hoá dân tộc Tày
Văn hóa - Thể thao 25/11/2021 10:14
Công việc sưu tầm, biên soạn văn hóa Tày của ông bắt đầu từ những năm 60 thế kỉ trước. Một điều đặc biệt là tuổi càng cao, nghệ nhân Ma Thanh Sợi càng đam mê, càng trăn trở và càng ý thức được trách nhiệm của mình với văn hóa Tày.
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi miệt mài sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Tày. |
Với trên 2.000 trang viết tay và các đầu sách đã xuất bản, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã sưu tầm, tập hợp được những tư liệu vô cùng quý giá về văn hóa dân gian Tày Nghĩa Đô. Kho tư liệu mà nghệ nhân Ma Thanh Sợi sưu tầm, ghi chép gồm các phong tục, tập quán của đồng bào Tày Nghĩa Đô gắn với triết lí nhân sinh của con người; văn học dân gian (tục ngữ, câu đố, truyện cổ, hát yếu, hát khắp, hát then...); văn hóa ẩm thực (các món ăn truyền thống), các tập quán cổ truyền của người Tày như làm nhà sàn, sinh đẻ, tang ma, chữa bệnh; các lễ hội dân gian, di sản hát then, ngôn ngữ Tày, văn hóa trang phục; tập quán canh tác, nguồn gốc vùng đất với tên gọi Mường Luông gắn với nguồn gốc tên gọi các bản Tày ở Nghĩa Đô; những giai thoại trong đời sống tâm linh, di tích lịch sử đền Nghĩa Đô, phế tích thành cổ Nghị Lang, di tích đồn Nghĩa Đô... Các tư liệu chân thực và có giá trị văn hóa, khoa học mang tính khảo cứu sâu sắc.
Ông Sợi tâm sự: “Chúng tôi rất lo lắng vì nếu một ngày kia thế hệ già chết đi thì sẽ mang theo cả “kho báu” của người Tày xuống lòng đất. Và thế là cháu con chẳng biết gì hết về văn hóa của mình”.
Ông Sợi còn viết lí lịch di tích lịch sử đền Nghĩa Đô, lí lịch nghi lễ cúng Then phục vụ cho công tác bảo tồn di sản, công nhận và xếp dạng di tích. Ông dành thời gian đọc, góp ý, chỉnh sửa bản thảo các công trình sách xuất bản của huyện và tỉnh. Tính đến nay, ông đã xuất bản 5 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Đô; sưu tầm, biên soạn 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa.
Ông Ma Tấn Côn, Phó trưởng Ban Tuyên Vận xã Nghĩa Đô cho biết: “Nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã dành phần lớn thời gian nghỉ hưu của mình tại quê hương để đóng góp cho công tác sưu tầm, bảo tồn, trao truyền văn hoá Tày. Tấm gương lao động miệt mài của nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã truyền cảm hứng để mỗi người dân ở các bản Tày luôn ý thức, trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình”.
Ghi nhận những đóng góp của ông, ngày 8/3/2018, Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho ông Ma Thanh Sợi.