“Loạn hoa hậu”
Nghiên cứu - Trao đổi 27/07/2022 10:37
Thời đại “ra ngõ gặp… hoa hậu”
Những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp đang diễn ra. Ngoài hai cuộc thi lớn có uy tín, được công nhận, có tầm ảnh hưởng sâu rộng là Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam (Miss Universe Viet Nam) do Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn nắm bản quyền và Hoa hậu Việt Nam (Miss Viet Nam) do Báo Tiền Phong và Công ty Sen Vàng phối hợp tổ chức; những cuộc thi khác cũng lần lượt được tổ chức với quy mô và mục đích khác nhau. Chẳng hạn như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Viet Nam), Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam (Miss Grand Viet Nam) của Công ty Sen Vàng, Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam (Miss Peace Viet Nam) của Công ty Minh Khang, Hoa hậu Thể Thao Việt Nam (Miss Fitness Viet Nam), Hoa hậu Sinh Thái Việt Nam (Miss Eco Viet Nam), Hoa hậu Môi Trường Việt Nam (Miss Eco Viet Nam), Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam, Hoa hậu Siêu Quốc gia Việt Nam (Miss Supranational Viet Nam), Hoa hậu Du lịch Toàn cầu Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam… Gần nhất là cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (Miss Ethnic Viet Nam), do Công ty Nova tổ chức, với chiến thắng thuộc về người đẹp gốc Hà Giang Nông Thúy Hằng - người dân tộc Tày - một chiến thắng gây xôn xao dư luận (!).
Chung kết hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu chỉ có 6 thí sinh tranh tài. Cả 6 người đều có giải. |
Từ đầu năm đến nay đã có trên 10 cuộc thi nhan sắc, việc nhớ tên các cuộc thi cũng khó huống hồ mỗi cuộc thi có một Hoa hậu và từ hai đến bốn Á hậu. Điều này quả không sai với câu “ra ngõ gặp… hoa hậu".
Hoa hậu là hình thức kinh doanh nhan sắc
Không thể phủ nhận những mục tiêu, lí tưởng tốt đẹp của mỗi cá nhân, ngoài ra việc tìm đến cuộc thi nhan sắc, ít hay nhiều cũng nhằm mục đích đổi đời. Khi được trao vương miện, cô gái nắm giữ ngôi vị Hoa hậu sẽ có sức ảnh hưởng lớn, nhận được hợp đồng quảng cáo tiền tỉ, được mời tham dự các chương trình truyền hình, gameshow, các show về thời trang, sắc đẹp… Từ đó họ càng trở nên nổi tiếng, nhiều cơ hội tiền tài, có tiếng nói trong xã hội. Nhiều Hoa hậu, Á hậu đã làm tròn sứ mệnh của một người đẹp mang trong mình trái tim nhân ái, thông qua các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng (tiêu biểu như các Hoa hậu H’Hen Niê, Thùy Tiên, Khánh Vân...). Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã lợi dụng danh tiếng và chiếc vương miện cao quý để làm những điều không hay, làm mất đi giá trị danh xưng.
Đối với đơn vị nắm bản quyền, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng là một hình thức kinh doanh. Hoa hậu sau khi đăng quang sẽ trực thuộc quyền quản lí của đơn vị đó, vì thế sẽ đem lại nguồn lợi cho phía đơn vị. Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương từng chia sẻ trên VTC New: “Phần lớn, tổ chức Hoa hậu không phải vì cái đẹp, vì xã hội mà vì lợi nhuận; còn những người lao đi thi Hoa hậu cũng chỉ mong kiếm được lợi nhuận, đổi đời. Vấn đề kinh doanh nhan sắc, kinh doanh con người đang phổ biến trên đất nước ta”. Đây vừa là cái nhìn của riêng TS Đoàn Hương, nhưng cũng vừa là thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở Việt Nam.
Danh xưng “Hoa hậu” dần mất đi giá trị
Khái niệm “Hoa hậu” không được định nghĩa chính xác, nhưng tinh thần của từ “Hoa hậu” là người đẹp nhất, đẹp từ sắc vóc đến tâm hồn, ứng xử, đồng thời làm nhiều điều có ích cho xã hội.
Khoảng chục năm trước, khi mạng xã hội chưa bùng nổ như hiện nay, nhưng nhắc đến Hoa hậu, nhiều người vẫn nhớ và kể ra được một những tên tuổi như: Hà Kiều Anh (Hoa hậu Việt Nam 1992), Phạm Thanh Hằng (Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2002), Nguyễn Thị Huyền (Hoa hậu Việt Nam 2004), Mai Phương Thúy (Hoa hậu Việt Nam 2006), Nguyễn Thùy Lâm (Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2008), Đặng Thu Thảo (Hoa hậu Việt Nam 2012)… Ngày nay, vì các cuộc thi Hoa hậu diễn ra ngày càng nhiều, tính riêng năm nay, nếu các cuộc thi diễn ra đúng như kế hoạch, nước ta sẽ có thêm khoảng 60 Hoa hậu, Á hậu. Để nhớ hết các tên tuổi Hoa hậu, các Á hậu xem ra phải có trí nhớ thật “siêu phàm”. Phần lớn người ta chỉ nhớ đến Hoa hậu đăng quang ở các cuộc thi lớn và có đóng góp nhiều cho xã hội như H’Hen Niê (Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2018, Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ 2018), Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa Bình 2022). Ngay cả cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 vừa tổ chức xong, nhiều người vẫn khó nhớ chính xác tên Hoa hậu, Á hậu, thậm chí không biết đến sự tồn tại của cuộc thi đó. Hoặc nếu có nhớ đến Hoa hậu bước ra từ cuộc thi đó, có lẽ bởi các tin đồn xoay quanh chuyện đời tư của họ.
Rõ ràng, danh xưng “Hoa hậu” đang dần bị mất giá, khi số lượng Hoa hậu ngày càng nhiều mà chất lượng giảm sút. Nhiều người đẹp nhưng chưa đủ độ chín muồi về nhan sắc, không có trái tim nhân ái, không giúp ích được nhiều cho cộng đồng xã hội. Thi hoa hậu với không ít thiếu nữ chỉ là tìm cơ hội đổi đời. Với thực trạng trên, thiết nghĩ, Cục Biểu diễn nghệ thuật cần có những quy chế chặt chẽ hơn cho các cuộc thi Hoa hậu, tránh tình trạng “loạn Hoa hậu”.