Kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ “lợi ích nhóm”
Nghiên cứu - Trao đổi 22/12/2020 09:47
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”.
Đánh giá sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Trung ương đã chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân… của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi một cách hiệu quả. Và trong sơ kết về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương cũng đã nghiêm túc và thẳng thắn nêu những nguyên nhân do công tác tuyên truyền, giáo dục còn những hạn chế, do mặt trái của kinh tế thị trường, do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên… song có một nguyên nhân đồng thời cũng là một biểu hiện được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đó là “lợi ích nhóm”.
Nhìn bề ngoài sẽ khó nhận diện được “lợi ích nhóm”. Trong thực tế, hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống vị kỉ, chủ nghĩa cá nhân đã tác động trực tiếp ảnh hưởng, dẫn đến suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, cùng với đó là sự hình thành “lợi ích nhóm”. “Lợi ích nhóm” có quy mô hết sức đa dạng, nhỏ thì người này với người kia, bộ phận này với bộ phận kia, lớn thì ngành này với ngành khác liên kết với nhau “lách luật” làm méo mó, bẻ cong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để trục lợi. Đây chính là một hình thức tham nhũng tập thể, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như báo cáo không trung thực, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách… Khi đạt được lợi ích riêng của cá nhân, của bộ phận thì lợi ích của đất nước, của Nhân dân bị xâm hại, thất thoát. Thế mới có chuyện doanh thu của doanh nghiệp lỗ, nhưng lương vẫn cao, thưởng vẫn lớn. Nợ xấu ngoài nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế tài chính trên quy mô toàn cầu, còn do ngân hàng đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, mà không ít trong số đó chính là doanh nghiệp sân sau của các ngân hàng… Trong thực tế, không phải không có những tổ chức, những cán bộ cố tình kéo chậm sự hoàn thiện của cơ chế, chính sách để lợi dụng. Kéo dài quy hoạch một khu phố, một con đường, một trường học; thay đi, đổi lại một quyết định nhằm tạo ra khe hở cho những kẻ cơ hội lách vào. Nghiêm trọng hơn nhóm lợi ích lại thắng thế trong những quyết định cụ thể, làm cho lợi ích chung bị xâm hại, mà không bị xử lí. Gần đây dư luận đã rất bức xúc về một số vụ việc: Bổ nhiệm cán bộ theo kiểu quan hệ đồng hương, họ hàng, tiền tệ; những tiêu cực trong đấu thầu các dự án, những liên minh, liên kết rút tiền ngân sách nhà nước…
“Lợi ích nhóm” làm rối loạn, gây thất thoát nền kinh tế đất nước thì đã quá rõ, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng hậu quả lớn hơn, nghiêm trọng hơn không dễ nhìn thấy của “lợi ích nhóm” còn là nguy cơ thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ. Cả hai Nghị quyết Trung ương 3, 4 (khóa XI) về các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và xây dựng Đảng, Đảng ta đều cảnh báo nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến” từ lợi ích nhóm, từ “tư duy nhiệm kì”, từ tính toán cục bộ. Một thực tế là lợi ích nhóm càng phát triển, càng mang lại lợi ích cá nhân cho một số người thì càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; càng khuyến khích lối sống không lành mạnh trong xã hội, bóp nghẹt dân chủ, nội bộ nghi kị lẫn nhau và khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội chưa được thu hẹp. Đó là những điều đi ngược lại với mục tiêu lí tưởng của Đảng, của dân tộc.
Trước thực trạng trên, hơn lúc nào hết đòi hỏi Đảng ta phải kiên quyết, để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới “xóa bỏ” lợi ích nhóm như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Phải thấy rằng trong lúc này chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm chính là chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp, phải triển khai thật thiết thực, hiệu quả các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên phải thật sự nghiêm túc trong học tập và rèn luyện theo tác phong quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các cấp ủy Đảng cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lí tưởng cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ lí luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mơ hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thông qua tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ của mình, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
Thiết nghĩ, “xóa bỏ” lợi ích nhóm phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để người dân có quyền giám sát, kiểm soát mọi hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời chấn chỉnh công tác cán bộ, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo, quản lí thực sự có đức, có tài bố trí vào những vị trí then chốt có quyền ban hành, quyết định công tác cán bộ, tổ chức, chính sách và pháp luật. Cơ quan, người ban hành các quyết định, các chính sách phải vượt qua được chính mình, phải coi lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của Đảng, của Nhân dân là trước hết, trên hết.